Trong ngày lễ Thánh

- Viết gì đây?

- Egor hỏi và di di ngòi bút. Bà Vaxili không gặp đứa con gái yêu những bốn năm qua. Con gái bà sau đám cưới đã đi cùng với chồng về Saint Petersburg, bà đã gửi hai lá thư nhưng nó mất hút không sủi tăm, không một tin tức hơi hướng gì.

Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC
Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC

Và khi vắt sữa bò, buổi sáng sớm tinh mơ, hoặc nấu bếp lò, thiu thiu ngủ trong đêm - lúc nào bà cũng chỉ nghĩ về một chuyện: Con gái bà Anna ở đó thế nào, còn sống không? Cần phải gửi thư, nhưng người già không biết viết, và hơn nữa không có ai để nhờ cậy.

Nhưng ngày lễ Thánh đã đến, bà Vaxili không chịu nổi nỗi nhớ và đi tới quán rượu gặp Egor, người giúp việc cho bà chủ quán, gã hầu như ngồi suốt ngày, không động chân động tay tí nào. Mọi người nói rằng gã có thể viết được thư nếu trả tiền cho gã. Bà trao đổi với chị đầu bếp trong quán rượu, sau đó với bà chủ, và cuối cùng với chính Egor. Họ thỏa thuận giá cả.

Và bây giờ - câu chuyện đang diễn ra tại tầng hai quán rượu trong ngày lễ Thánh - Egor ngồi trong bếp sau chiếc bàn và cầm cây bút trong tay. Vaxili ngồi phía trước gã, đăm chiêu, gương mặt lo lắng và buồn bã. Ông chồng Pyotr, cao gầy và tóc hói mầu lươn chạy tới, ông ta đứng với cái nhìn bất động, không chớp mắt tựa như người mù. Trên chiếc bàn, thịt lợn đang rán trong nồi, bà lào thào và càu nhàu dường như từ mồm đang nói: “phliu - phliu - phliu…”. Không khí ngột ngạt - Viết gì? - Egor hỏi lần nữa.

- Gì vậy! - Bà Vaxili nói, liếc anh ta giận dữ và nghi hoặc - Đừng vội! Đừng lo sợ viết không có tiền! Nào, viết đi - Chào con rể thân yêu Andray và con gái thân yêu duy nhất Anna của chúng tôi với tình yêu không bờ bến và sự cảm ơn suốt đời của bố mẹ.

- Rồi. Tiếp tục.

- Còn nữa, xin chúc mừng các con nhân ngày lễ Thánh, bố mẹ vẫn sống và khỏe mạnh… Mong thần phật sẽ phù hộ cho các con…

Bà Vaxili tiếp tục nghĩ và liếc nhìn ông già.

- Mong thần phật phù hộ con… - bà già nhắc lại và khóc.

Và bà không thể nói gì hơn nữa. Trước kia, hằng đêm suy nghĩ bà tưởng như có thể viết cho con gái hàng chục bức thư. Từ ngày con gái ra đi lấy chồng, mất tăm tích, hai vợ chồng già sống như những người vô gia cư từng đêm thở dài, cứ như con gái mình đã bị mai táng.

Biết bao nhiêu chuyện đã diễn ra ở làng, bao nhiêu đám cưới, bao nhiêu đám ma! Những mùa đông dài làm sao! Những đêm tối đằng đẵng!

- Nóng quá! Egor thốt lên cởi phăng zile - phải 70 độ chứ không! Cái gì nữa - gã hỏi.

Hai người già im lặng.

- Con rể hai ông bà làm nghề gì? Egor hỏi.

- Anh ta là lính tráng, cậu biết đấy - Ông già trả lời yếu ớt. Nhập ngũ cùng thời gian với cậu. Bây giờ ở Peterburg trong trường quân y, khoa thủy liệu pháp. Sẽ là bác sĩ, hiện tại làm gác cửa.

- Ở đây viết thế này… - bà già nói khi rút bức thư ra khỏi khăn tay - chả biết bao giờ Anna mới nhận được mà cũng có thể chúng nó không còn ở thế giới này nữa.

Egor suy nghĩ một lát rồi tiếp tục viết khá nhanh:

“Hiện nay - gã viết - số phận xác định các con là phải ở trong quân ngũ, nên chúng ta khuyên các con hãy đọc kỹ những điều lệ kỷ luật và những quy định bắt buộc trong quân đội và hãy cảm thấy sự uyên thâm của cấp trên trong các điều luật đó”.

Gã đọc to thành tiếng những điều đã viết, còn bà già ngồi suy tính nên phải viết những gì? Trong năm qua có những khó khăn thế nào, thiếu bánh mì nên phải bán con bò - cần hỏi vay tiền, bố thì đã già yếu rồi nay mai rồi sẽ phải đi theo hầu chúa - viết ra sao những ý tứ đó? Điều gì nói trước và nói sau?

“Hãy chú ý - Egor tiếp tục viết - ở tập 5 trong điều lệ Quân đội viết, binh lính có chiến công, được tặng Huân chương, có thể được chờ phong lên cấp sĩ quan hoặc tướng…”.

Ông già hơi hé môi mỉm cười và nói khẽ:

- Con cái đã có chưa?

- Con cái nào? Bà già liếc nhìn ông giận dữ - Đúng! Có thể chưa có.

- Con nào? Có thể có. Ai biết được.

“Và do đó các con có thể phán đoán - Egor vội vàng viết - kẻ nào là ngoại xâm, ai là kẻ thù bên trong . Kẻ thù số một bên trong của chúng ta là: Baxyx”.

Ngòi bút kêu ken két, tạo ra trên trang giấy những móc ngoáy giống như lưỡi câu cá. Egor vội vã đọc lại mỗi dòng vài lần. Gã ngồi trên chiếc ghế đẩu, dang rộng chân dưới gầm bàn, to béo, khỏe mạnh, mặt đần độn với cái gáy đỏ au. Đó là thói ti tiện, thô lỗ, ngạo mạn, kiêu ngạo vì gã ra đời và lớn lên trong quán rượu, và bà Vaxili hiểu rõ rằng sự hèn hạ này không thể nói nên lời, chỉ liếc nhìn Egor giận dữ và nghi ngờ. Từ giọng nói của gã, những lời lẽ khó hiểu, do nóng ngột ngạt, làm đầu óc đau nhức và suy nghĩ mụ mị, bà cụ không nói gì nữa, không nghĩ gì và chỉ chờ đợi tiếng ken két kết thúc. Còn ông già liếc nhìn với đầy vẻ tin tưởng. Ông tin vào bà đã dắt dẫn ông đến đây, tin vào Egor, và nghĩ về trường học quân y, tin vào khả năng chữa bệnh.

Kết thúc thư, Egor đọc lại toàn bộ thư từ đầu. Ông già không hiểu nhưng gật đầu tin tưởng:

- Không sao, không sao… - ông nói - Lạy chúa cho con an lành.

Họ đặt lên bàn ba đồng năm xu và bước ra khỏi quán rượu. Ông già nhìn thẳng bất động tựa như người mù và trên khuôn mặt ông tràn đầy niềm tin, còn bà già khi ra khỏi quán rượu, ngoắc tay cho con chó, hét giận dữ:

- Hừ... hừ…

Suốt đêm bà già không ngủ, không yên tâm vì suy nghĩ, sáng ra bà dậy sớm, cầu nguyện rồi đi ra ga gửi thư. Đường đi tới ga là 11 km.

Tiến sĩ thủy liệu pháp B.O.Mozelveuzer làm việc trong ngày Tết cũng như ngày thường, chỉ có người gác cổng Andray mặc đồng phục có phủ kim tuyến, đôi ủng sáng bóng đặc biệt, anh ta đi đi lại lại chúc mừng tất cả các vị khách một năm an khang, thịnh vượng.

Vào buổi sáng, Andray đứng ở cửa và đọc báo. Đúng 10 giờ vị tướng đến, một người quen, một trong những vị khách thông thường, sau lưng là người đưa thư.

Andray đỡ chiếc áo choàng từ vị tướng và nói:

- Chúc mừng năm mới, chúc hạnh phúc, thưa quan lớn đại nhân.

- Cám ơn, cẩn thận quá. Chúc mừng, cậu cũng vậy nhé.

Đi lên tầng trên theo bậc thang, vị tướng gõ cửa và hỏi (hằng ngày ông ta vẫn gõ rồi lại quên).

- Đây là phòng nào?

- Phòng dành cho matxa, thưa quan lớn!

Khi những bước chân đã im bặt, Andray lục lọi đống thư và tìm thấy bức thư có tên mình. Anh ta mở ra, đọc vài dòng, sau đó không vội vã, nhìn vào tờ báo, rồi đi về phòng mình nằm ở phía dưới, tận cùng hành lang. Vợ của anh ta - Anna đang ngồi trên giường cho con bú, đứa lớn nhất đứng sau cô ta, đặt cái đầu bù xù của nó lên chân mẹ, đứa thứ ba đang ngủ trên giường.

Đi vào phòng, Andray đưa cho vợ xem bức thư và nói:

- Từ quê nhà gửi đấy.

Sau đó anh ta đi ra ngoài, không rời mắt khỏi tờ báo, dừng lại ở hành lang, cách không xa cửa buồng. Anh ta nghe rõ giọng run rẩy của vợ khi đọc những dòng đầu tiên. Cô ta không thể đọc hơn nữa, những dòng này đã đủ cho cô ta, cô rơi lệ, ôm lấy đứa trẻ, hôn hít nó, bắt đầu lắp bắp nói, không thể hiểu là cô ta khóc hay cười mếu:

- Đây là từ bà ngoại, ông ngoại… - cô nói - từ làng tôi… Chúa ơi… bọn chó con đáng yêu này - ở đó bây giờ tuyết phủ đầy nhà, những thân cây trắng xóa, lũ trẻ chạy trên những chiếc ủng bé xíu… Và ông ngoại ngồi sưởi bên bếp lò… và con chó con vàng tươi… những con chim bồ câu bé nhỏ thân thương của tôi!

Andray nghe những lời đó, chợt nhớ ba hay bốn lần vợ đưa cho anh những lá thư nhờ gửi về làng quê, nhưng bận việc gì, anh quên mất rồi những bức thư thất lạc đâu đó.

- Không biết là lũ thỏ con còn đuổi nhau trên cánh đồng? - Anna than vãn, đầm đìa nước mắt, hôn đứa con của mình - bố thì rất nhã nhặn, hiền lành, mẹ cũng nhân hậu, hay thương người. Ở trong làng họ sống hòa thuận, kính Chúa… Cha xứ vào làng, đám đàn ông hát trong ban nhạc thánh. Bao giờ cho chúng con trở lại đây Chúa ơi!

Andray quay trở lại phòng mình để hút thuốc lá trong khi chưa ai đến, Anna đột ngột im lặng, không dám làm ồn và lau nước mắt, chỉ có đôi môi cô run rẩy. Cô rất sợ chồng. Hoảng sợ trong từng bước đi, ánh mắt của chồng, không dám nói điều gì, dù chỉ một lời, trước mặt chồng.

Andray bắt đầu rít thuốc, như mọi lần trong khi mọi người trao đổi với nhau ở trên kia. Anh ta dập tắt thuốc, làm bộ mặt nghiêm túc chạy thẳng đến cánh cửa chính.

Từ trên cao vị tướng đi xuống, đỏ hồng, tươi tắn vì ngâm thuốc trị liệu.

- À, phòng này là phòng gì? Vị tướng hỏi, chỉ vào cửa.

Andray ưỡn người ra phía trước, đưa tay lên vành mũ, phát âm rõ to:

- Phòng tắm lớn - Thưa quan lớn đại nhân.

NGUYỄN THIÊN VIỆT (dịch)