Phố trong làng xưa

“Không thể nói trời không xanh hơn, và mắt em xanh khác ngày thường, khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy, nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”. Tôi khe khẽ hát bài hát yêu thích, khi trên đầu là trời thu xanh ngắt, và trải hút tầm mắt, xa tít chân trời là những tòa nhà cao ngất của Ecopark bên kia sông Hồng.

Hà Nội đổi thay từng ngày với tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Những ruộng rau mướt mát của cánh đồng làng Vĩnh Tuy xưa, nay là phường Vĩnh Tuy, như chấm xanh của sự sống an lành giữa những điệp trùng tường bê-tông xam xám, nóc nhà úp mái tôn xanh, đỏ cao thấp đủ các kiểu.

Sáng đi chợ, vui thích nhất là gặp được bà cụ áo nâu, lưng đã còng, thư thoảng cắp rổ rau muống cuộng đỏ từ mảnh ruộng của hợp tác xã còn sót lại, mang ra hè chợ cóc. Cụ bảo:

Rau sạch đây, cô mua cho già nhé!

Vâng, cháu thích ăn rau muống đỏ lắm!

Mua thịt, đậu phụ Mơ rồi quay lại, đã thấy cái lưng còng còng của cụ hướng về phía ngõ nhỏ. Tôi chầm chậm theo chân cụ, lọt thỏm vào nơi xưa kia, Vua Lê Thánh Tông cho khẩn hoang, lập làng, cộng đồng tay trồng rau, cấy lúa, tay cầm súng, đời nối đời, xây dựng làng và đánh giặc bảo vệ vùng đất phía đông nam của thành phố. Bốt Vĩnh Tuy Đoài do lính Pháp xây năm 1947 trên đê là cái họng khạc lửa hòng diệt Việt Minh kháng chiến, vượt vùng ven nội vào thành phố hoạt động, nay ở khúc đê giáp chân cầu. Người Vĩnh Tuy son sắt, thủy chung với lời thề Độc Lập, đã nuôi giấu cán bộ nằm hầm bí mật và anh dũng chiến đấu hy sinh, cho đến ngày vui mừng chào đón Bộ đội cụ Hồ về giải phóng Thủ đô.

Những năm 60 - 80 của thế kỷ trước, làng Vĩnh Tuy nổi tiếng với rau xanh và hoa tươi rực rỡ đủ loại: hồng nhung, đồng tiền đơn, đồng tiền kép, păng sê… lấy giống từ làng hoa Nghi Tàm, Ngọc Hà về trồng. Ngày xưa ấy, làng còn thuộc huyện Thanh Trì. Lũ chúng tôi sau giờ học rủ nhau đạp xe từ phố Minh Khai rẽ vào đường làng. Hai bên ruộng xanh đậm rau muống, xanh mướt rau cải ta. Ao cá Bác Hồ thoáng, rộng, điểm hoa bèo lục bình tím ngắt, không như bây giờ, chỉ còn nhỏ như cái giếng làng trước chung cư và cỏ dại mọc đầy, lút ống chân.

Khi làng lên phường thì đường làng thành ngõ 34 phố Vĩnh Tuy. Xuân 2018, ngõ lại đổi thành phố, vinh dự mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang Dương Văn Bé - người con ưu tú của quê hương. Nhân dân tự hào kể mãi về anh, người đã lao bom để tiêu diệt bốt Vĩnh Tuy Đoài khi địch chiếm quê hương, năm 1947. Nét của làng xưa lên phố, còn lại trong ngôi đình mang nét hoa văn thời hậu Lê - đầu Nguyễn; và cả trong cái dáng gầy guộc của các bác sáng sáng hái mảnh rau còn sót lại ven khu chung cư, mang ra chợ ngõ bán. Chỉ cần nhìn đôi tay và gương mặt là biết dân Vĩnh Tuy chân chất, mộc mạc, tảo tần… khiến tôi cảm động, như thấy bác mình ở quê vậy.

Gặp các cụ đã từng là du kích, nghe một cụ đang têm trầu hỏi: “Hôm nay chị cũng ra lễ đình à? Gặp chị từ cái đận viết về ông Dương Văn Bé cơ đấy. Hôm làm lễ gắn biển tên phố, không thấy chị nhỉ?”. Lòng dân thời nào cũng thế, ấm áp và chân tình. Phố trong làng cũ, đượm màu thời gian và kỷ niệm là thế.