Phật viện Đồng Dương

Tộc trưởng Trà Tôn năm nay đã ngoài 80 tuổi, sống trong ngôi nhà nhỏ, hằng ngày hương khói cho linh vị tổ tiên dòng họ Trà ở thôn Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). 

Phật viện Đồng Dương

Lúc tôi đến, ông vừa đi bộ sang xóm bên uống rượu mừng đám cưới, còn mỗi cô con dâu hơn 30 tuổi ở nhà. Đành gửi lại xe máy, hỏi thăm đường lối, tự mình đi xem phế tích Phật viện Đồng Dương cách đó không xa. 

Vắng người, khuôn viên rộng lớn càng hoang lạnh dưới nắng chiều. Chỉ thấy cỏ mọc um tùm kín hết lối đi, một gốc cây to còn phủ bóng. Nếu không có chiếc Cổng Sáng đột khởi giữa nền gạch đá ngổn ngang đổ nát, thật khó hình dung nơi đây vốn là trung tâm kiến trúc Phật giáo quan trọng bậc nhất của Vương quốc Chămpa cổ xưa. Có thể coi, Cổng Sáng là chứng tích cuối cùng của Phật viện Đồng Dương.

Nhờ tấm bia còn sót lại, chúng ta xác định được rằng, vị Vua Chămpa là Indravarman II (Dịch Lợi Nhân Đà La Bạt Ma) đã xây dựng nên kinh đô và những tòa tháp, công trình Phật viện kỳ vĩ này, từ cách đây 12 thế kỷ. Kiến trúc của xã hội Chămpa hình thành và thể hiện rõ ràng nhất ở đây. Từ ngọn núi Tổ, dọc theo dòng sông Mẹ, bộ ba Kinh thành - Phật viện - Thương cảng lần lượt được xây nên, từ thượng nguồn đến biển. Sau nhiều lần bể dâu, phải dời đô về phía nam, kiến trúc này không thay đổi.

Hơn 1.000 năm trước, Vua Lê Đại Hành từng thân chinh đến Phật viện này, bắt gặp vị sư Trung Hoa là Thảo Đường thiền sư đang cùng tăng chúng luận bàn về Phật pháp, bèn đưa về nước Đại Việt. Chứng tỏ, danh tiếng của Phật viện từng vang lừng rất xa ngoài cõi. 

Vùng di tích này cũng là hoàng cung của Vua Chế Mân từng làm điêu đứng tướng Toa Đô cùng quân Nguyên Mông suốt một năm trời, phá sản âm mưu tốc chiến tốc thắng. 

Trong lúc vận nước như trứng chồng, Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn có chuyến viếng thăm Phật viện suốt 9 tháng trời. Tại nơi đây, Sư tổ thiền phái Trúc Lâm luận bàn những gì, để rồi sau đó, “hai châu Ô Lý, một gái Huyền Trân” là câu chuyện đến nay còn được truyền tụng.

Trong số các danh gia vọng tộc của người Chămpa từng làm vua, có các dòng họ Trà, Ông, Ma, Chế. Đến nay, riêng còn Trà tộc sống dưới chân tháp thiêng, chăm chỉ cày cấy, hương khói cho tổ tiên. Ngôi làng của họ Trà ở Đồng Dương, hiện vẫn còn những vườn cổ thụ, đặc biệt là cây cóc cổ thụ 15 người ôm. Người ta tin rằng, đó là những cây từng được người xưa trồng từ khi dựng xây Phật viện…