Nội kể con nghe về ngôi đình cổ

Hạnh rất thích nghe nội kể chuyện đời xưa. Những chuyện nội kể mấy năm nay con ghi chép gần chục trang giấy rồi đó. 

Con cảm ơn nội đã cho con bao ký ức êm đềm làng quê xưa, về cây đa, bến nước, sân đình. Con thấy yêu quê mình lắm nội. Bữa nay nội kể chuyện gì hay hay nữa nghe nội. Ừ, nội kể con nghe chuyện xưa hơn nửa nghìn năm lịch sử, mà chuyện ở quê mình, gần nhà mình chứ không đâu xa.

Têm xong miếng trầu, nội bỏ vào miệng nhai chậm rãi để thưởng thức cái vị thơm nồng của hương trầu, vị chát dịu của hương cau. Rồi nội hỏi Hạnh, ở cách nhà mình hơn năm trăm mét có cái gì to nhất, lâu đời nhất, con có biết không? Có phải ngôi đình Chiên Đàn không nội? Ừ đúng rồi. Đình Chiên Đàn (tọa lạc tại thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) là một trong ba ngôi đình lâu đời nhất ở xứ Quảng mình đó con. Nó cùng tuổi với cái tên đầu tiên của tỉnh Quảng Nam (đạo Thừa tuyên Quảng Nam) mình. Năm 2021 này đình tròn 550 tuổi. Chắc năm nay vào dịp kỷ niệm thành lập tỉnh, quê mình rộn rịp lắm đây. Mà nội, ngôi đình có lịch sử lâu đời vậy chắc nó chứa nhiều chuyện huyền thoại lắm phải không? Có. Có nhiều lắm, cả chuyện huyền thoại và chuyện thật chứa đựng bao công đức của ông cha thuở xưa đi mở cõi trời Nam, khai thiên lập địa, lập làng.

Nội mới nói vậy mà con đã thấy hấp dẫn rồi. Nội kể đi nội - Hạnh hồ hởi giục. Tích xưa chuyện cũ kể rằng - Nội bắt đầu kể chuyện. Năm 1471, Vua Lê Thánh Tông thân chinh mở cõi trời Nam, lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam, lập huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa. Ranh giới Thừa tuyên Quảng Nam từ phía nam Hải Vân quan (đèo Hải Vân) đến Thạch Bì Sơn (núi Đá Bia, Phú Yên), đây là đạo thứ 13 của cả nước. Những cư dân đi theo Vua đã khai khẩn đất hoang, lập làng, xã. Theo thời gian, cư dân ngày càng đông đúc, làm ăn phát đạt, nhân dân chung sức, chung lòng xây dựng đình làng Chiên Đàn để làm nơi thờ cúng, tưởng nhớ ơn đức tiền nhân. Hồi đó, cái tên “cúng cơm” của đình là Chiên Đàn Xã Đình…

Sao nội nhớ chi tiết được vậy nội? Hạnh cắt ngang mạch kể của bà. Con nghĩ nội sống gần một thế kỷ, năm 10 tuổi nội đã dự lễ hội đình rồi. Trừ những năm chiến tranh và điều kiện không cho phép tổ chức, còn lại mỗi năm hai bận lễ hội vào dịp Tết Nguyên đán và rằm tháng Bảy nội đều tham dự nên thuộc làu. Tương truyền rằng, khi đi chinh phạt phương Nam, Vua Lê Thánh Tông cùng đoàn tùy tùng dừng chân nghỉ ngơi và bàn quyết sách đánh giặc tại đình Chiên Đàn.

Nội dừng mạch chuyện, lận miếng trầu vào khóe miệng nghỉ nhai đôi chút, dường như bà muốn để Hạnh thẩm thấu lời kể của bà. Bất chợt Hạnh hỏi: Con nghe người ta bảo đất Chiên Đàn địa linh nhân kiệt là sao hả nội? Ừ, cái đó thì tự hào lắm. Đình gắn liền với xã Chiên Đàn xưa, vùng đất được mệnh danh “địa linh nhân kiệt” với nhiều vị anh hùng, khoa bảng thời bấy giờ với những kỳ tích lẫy lừng, đã được lưu danh sử sách… Còn chi tiết này nữa mà ít ai biết: là vào năm 1973 - 1974, đình là nơi học sinh Trường trung học tỉnh hạt Kỳ Lý (nay là Trường THCS Trần Phú) học. Vì lúc bấy giờ học sinh quá đông nên nhà trường mượn ngôi đình làm nơi dạy học hai lớp. Ba con có học ở đình trong thời gian này...

Hay quá nội ơi! Nội à! Mỗi lần vào đình con thấy thiêng liêng lắm. Người xưa giỏi thiệt. Giờ thời hiện đại, cái gì cũng có nhưng chắc khó làm được cái đình như vậy lắm nội hỉ. Ừ, chắc vậy. Những điều nội kể con cố mà nhớ để sau này truyền lại cho con cháu hiểu được giá trị của ngôi đình cổ quê mình...