Những người lao động “không tên”

Xa quê để bám trụ lại thành phố, điều duy nhất níu chân “họ” là miếng cơm manh áo. Những người lao động với nỗi niềm chẳng biết nói cùng ai.

Ở Hà Nội lâu, thỉnh thoảng người ta còn nhầm tưởng mình quê gốc ở đây, thế rồi khi giật mình nhận ra, “họ” lại da diết muốn tìm về xưa cũ. Ấy là khi nào? Là khi rũ nương cày lên Thủ đô làm bốc vác, chú Sáu người Thanh Hóa ngại ngùng nói quê gốc ở Hải Dương. Hồi ấy nhà đói lắm, không bỏ quê đi làm thì chắc vợ chú cũng bỏ đi. Lên Hà Nội, vất vả lắm ngày kiếm được dăm sáu chục chứ cũng chẳng nhiều.

Dọc theo khu chợ Long Biên khi mờ sáng, mấy ngày đầu đông, sương lạnh rủ xuống số người lao động đã vơi đi quá nửa. Người vẫn mòn mỏi đợi được thuê, người khỏe mạnh hơn thì đã làm được vài ba công cán, cũng đủ tiền no bữa ngày hôm sau. Chia tay chú Sáu, tôi gặp nhiều con người cũng trạc tuổi chú, người đứng, người ngồi, người nằm ngủ gật trên giá hàng trống trơn, người ngồi đọc báo trên chiếc xe máy cũ yếm đã ố vàng vỡ đi một nửa.

“Cháu cần một người khỏe mạnh, thật thà giúp chuyển nhà trong vòng một ngày”, đáp lại lời đề nghị của tôi, hai người đàn ông trạc tuổi trung niên ngỏ ý có thể nhận việc. Từ phía sau, một chị mặc chiếc áo kẻ ô đã sờn vai bạc phếch, đang ăn dở nắm cơm có lẽ là chuẩn bị từ nhà vội chạy ra hớn hở cười, nói: “Vừa hôm qua chị cũng đi chuyển nhà đấy, để chị làm cho”. Lấy lý do thương lượng giá cả và nói chi tiết về công việc, tôi dắt xe sát lề đường và ngồi lại ít lâu. Vừa nghe thấy có việc, người phụ nữ lao động ở ngã tư Giảng Võ như quên luôn chuyện ăn uống, tay bắt mặt mừng lắng nghe chăm chú. Đoạn đường này có nhiều người lao động như thế. Thỉnh thoảng đi một đoạn lại thấy vài người tụm năm, tụm ba ngóng ánh mắt về phía người đi đường.

Chị Duyên, quê ở Nam Định, chuyện vợ chồng trục trặc, chị nhận nuôi cả hai đứa con. Mấy chị em trong xóm trọ cứ quen gọi chị là cô Tý, vì dáng người nhỏ thó nhưng lại khỏe ra trò. Thế rồi cả chục năm nay, cái tên hờ ấy theo chị ra chỗ làm, lâu dần chẳng ai gọi tên thật của chị nữa, đến bản thân chị còn gượng gạo khi nói về tên mình. Ra Hà Nội, mong kiếm được công việc mà chu toàn cho hai đứa con ăn học, nghe lời giới thiệu đi làm giúp việc, chị Duyên gửi con cho bà ngoại rồi nhanh chóng rời quê.

“Cô Tý ăn cơm chưa, tôi có ít bánh đúc hai chị em cùng ăn”, một phụ nữ cỡ khoảng 50 tuổi, nhấc chiếc xe đạp Thống Nhất mới toanh lên vỉa hè nói. Đấy là cô Hoa cùng xóm trọ với chị Tý, chiếc xe đạp cô mới mua được mấy hôm, “chiều nay nghỉ mang về cho thằng Cò đi học. Khổ, năm trước được học sinh giỏi, mẹ bảo thưởng cho cái xe mới mà năm nay mới mua được”.

Giữa tiết trời đầu đông se lạnh, những người lao động “không tên” vẫn miệt mài kiếm sống. “Họ” thèm được nói chuyện, thèm được một lần rũ bỏ hết áp lực mà chia sẻ về khó khăn của mình, chẳng để mong ai giúp đỡ, chỉ muốn tự an ủi bản thân. “Họ” nhận làm những công việc chẳng biết gọi tên, nhưng vẫn kiên trì bám trụ lại Hà Nội và học yêu thành phố này. Dù ngày hay đêm, đông qua xuân đến, “họ” làm tất cả vì mái ấm no đầy với những hy vọng bình dị về tương lai.