Những dấu chân trên cát

Thực ra cái buổi chiều đó tôi đã lãng quên cùng bao công việc bề bộn, nếu như không có một cuộc gặp gỡ tình cờ...

Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG
Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG

Cậu bé đứng một mình bên mép nước, vẻ mặt rầu rĩ nhìn mặt trời đang từ từ lặn ngoài biển. Cậu mặc cái quần sờn gấu mầu xanh, chiếc áo trắng dài tay buông xõng đã ngả mầu. Ánh hoàng hôn nhuộm đỏ rực khuôn mặt cậu và ngoài khơi xa biển không ngớt đổ từng đợt sóng ồn ào dưới chân. Cậu đứng như chôn chân xuống cát, không hề động đậy. Mặt trời bắt đầu chuyển sang mầu đỏ tím, những vầng mây bao quanh cái quả cầu phù thủy đỏ rực muôn mầu như một hoàng cung với những quần thần và những nàng công chúa.

Tôi đến rất gần, suýt nữa chạm vào cậu thì bỗng nghe thấy tiếng thở dài từ trong lồng ngực non nớt. Tôi đứng ngay sau lưng và tò mò quan sát cái con người bé bỏng ấy. Rồi tôi dịch chuyển ngang với cậu bé, định bắt chuyện.

Nhưng rồi tôi bỗng chùng người xuống khi nom thấy hốc mắt vô hồn. Tôi không dám động cựa. Lẽ nào một cậu bé mù lại có thể ngắm say sưa hoàng hôn biển đến vậy? Hay do ánh mầu đỏ rực kia đã chặn mất tầm quan sát của tôi, để chỉ nhìn thấy một hình hài bé nhỏ dưới bao la đất trời, trong cõi vô biên, không cần toàn diện toàn mỹ mà vẫn là một phần không thể thiếu của cảnh sắc này?

Chính vì thế mà tôi nhớ cậu đã mặc cái áo nhàu nát với một bên tay buông thõng không cài và một bên tay thì xắn cao. Và tôi còn nhìn thấy một quả bóng bằng nhựa đã méo nằm trơ trên bờ cát.

Sau đó tôi không nhớ là mình đã bỏ đi như thế nào. Nhưng còn nhớ là tôi vừa đi vừa ngoái đầu nhìn lại vẫn thấy cậu đứng đó, gương mặt hướng về phía mặt trời, lòng buồn rầu như luyến tiếc. Chính lúc ngoái lại như thế, tôi đã nhìn thấy những dấu chân bé nhỏ in trên cát thành một đường ngoằn ngoèo vẹo vọ hướng về biển. Những dấu chân nhỏ xinh không chút vướng bận.

Đêm đó tôi lấy bút mầu quệt lên giấy những dấu chân trên cát. Hoàn toàn chỉ có những dấu chân hồn nhiên trên bờ cát và những vệt sóng biển ồn ào phía xa.

Tôi quên bẵng cậu bé và vầng mặt trời của cậu.

Tôi treo “Những dấu chân” lên căn phòng nhỏ của mình - căn phòng có bộ đèn mầu và những rèm cửa đăng ten trắng toát. Và thực lòng thì tôi quên khuấy việc đi tìm cậu bé ấy trong cái làng chài gần bờ biển nơi cậu đứng. Tôi tin chắc cậu bé là con một nhà chài lưới nào đó, bởi vẻ luộm thuộm nhàu nhĩ, đơn sơ hồn nhiên, và dáng vẻ đam mê mầu hoàng hôn, đam mê cảnh sắc biển một cách gần gũi như thế nơi cậu.

Sau đó không bao lâu, tôi lại gặp một cậu bé khác.

Cuộc gặp gỡ này hết sức đơn giản và lạ lùng, giữa thành Luân Đôn sương mù vào một sáng mùa đông.

Lần đó tôi vừa dự một cuộc hội thảo của các nhà khoa học trên thế giới và xách va-li ra sân bay, trong lòng vô cùng phấn khích vì những gì đạt được sau chuyến đi: những phong cảnh kỳ vĩ, những tháp nhọn, những món ăn cổ truyền, những cuộc gặp gỡ, và hơn hết là toàn bộ tư liệu về một đề tài tôi đang theo đuổi... Chắc chắn khi về, tôi sẽ dành thời gian để vẽ những bức tranh mà tôi đang phác họa trong đầu, từ những ý tưởng mà tôi có được trong chuyến đi.

Tôi vừa từ taxi bước xuống sảnh sân bay thì có một bàn tay nhỏ bé nắm lấy tay áo:

- Chị, chị ơi! Việt Nam phải không?

Ồ, một cậu bé “người mình”.

- Phải! - Tôi gật đầu - Sao em biết?

Cậu ta reo lên, hấp tấp nhào theo tôi.

Cậu giúi vào tay tôi một làn táo.

- Em đợi người Việt mình ở cửa này đã lâu lắm, gần cả ngày rồi. May mà cha em đủ kiên nhẫn cho em đợi. Chị ăn táo đi. Ở vườn nội em trồng đấy. Vườn ấy cách đây gần cả nghìn cây, ghê chưa? Cả nhà em sang đây hồi đầu năm ngoái. Nhưng vẫn chưa có giấy phép định cư. Cả nhà ở nhờ nội, nhưng không phải nội đẻ ra cha đâu. Đấy là bạn của nội đẻ ra cha. Em hứa với thằng Thuận là sẽ gửi về cho nó một bộ bút mầu. Chị cho em gửi nhé.

Tôi ngạc nhiên:

- Nhưng...

- Em sẽ ghi địa chỉ - Cậu bé hào hứng - Thằng Thuận bạn em không nhìn thấy gì nhưng nó rất thích vẽ chị ạ. Nhất là vẽ biển. Em bảo nó vẽ biển lúc bình minh. Nhưng nó lại thích vẽ biển lúc hoàng hôn. Nó bảo lúc đó là lúc cha nó đi biển trở về. Mắt nó bị mù từ khi mẹ nó đẻ ra nó. Cha nó bị chất độc da cam hồi đi vào chiến trường. Với cả em còn nhờ chị một việc nữa…

Cậu cúi xuống tay xách lôi ra một cái lồng chim. Tôi càng ngạc nhiên hơn và thấy sự việc này có vẻ gì đó thật là kỳ quặc. Trong cái lồng trúc nhỏ xíu có một chú chim khuyên đang nhảy lích chích.

- Nó ăn bằng gì? - Tôi tò mò.

Cậu bé không trả lời. Cậu thò ngón tay vào lồng vẫy vẫy chú khuyên. Ánh mắt cậu lộ vẻ buồn rầu và luyến tiếc.

Đúng lúc đó thì tôi nhớ đến cậu bé với vẻ nhìn rầu rĩ khi mặt trời lặn cùng tiếng thở dài thơ trẻ vào một buổi chiều…

Tôi vỗ vai cậu bé ở Luân Đôn:

- Em tên gì?

Nhưng sân bay đã vang tiếng mời hành khách.

Cậu bé cuống quýt:

- Chị cho em gửi chú khuyên này về với. Đến quê em thì chị thả nó ra. Ở đây nó rất buồn. Càng ngày càng gầy đi. Chắc là nó nhớ bạn ở nhà. Với cả hộp bút này em gửi cho thằng Thuận. Quê em ở...

Tôi cứ đinh ninh là mình đã nhớ địa chỉ cậu bé vừa đọc. Rồi giữa tôi và cậu là những bức tường kính.

Tôi chợt nhận ra lúc trước mình thật hồ đồ khi không ghi lại địa chỉ mà cậu bé đọc. Tôi vẫn còn như nghe rõ tiếng cậu. Trong vô thức, tôi nhìn ra phía sảnh sân bay đã bị ngăn cách, cố tìm cậu bé trong đám đông xa lạ. Dường như cậu vẫn đang đứng đâu đó, nhỏ nhoi giữa dòng người, mắt nhìn lên dõi theo con chim sắt đang mang theo báu vật của cậu về phương Đông. Cậu đứng như chôn chân bên lề đường, mắt đăm đăm nhìn xa hút, hệt như ngày nào tôi gặp một cậu bé khác trên một bãi biển.

Và hình như tôi còn nghe rõ tiếng thở dài của cậu.

Máy bay cất cánh, vụt lên bầu trời xa thẳm. Phía dưới, cậu bé tôi chưa kịp biết tên vẫn đứng như một chấm đen mờ ảo trong trí não tôi.

Tôi đã thả chú chim khuyên như ý nguyện của cậu bé ấy.

Tôi thả nó ở một vùng quê có những cánh đồng ngập mặn và biển thì xanh thẳm. Ban đầu con khuyên ngơ ngác. Sau đó nó chợt như hiểu ra. Nó quay ngoắt cái thân hình nhỏ xíu như để tạm biệt, rồi tung cánh vọt lên. Ban đầu thì đôi cánh chỉ cho nó bay loạng choạng run rẩy. Sau vài lần suýt chúi đầu rơi xuống, thì bỗng vút lên cao. Dần dần nó chỉ còn là một chấm nhỏ trên bầu trời rộng lớn.

Tôi vào cái làng chài bên bờ biển mà hồi nào đã nhìn thấy cậu bé với những dấu chân trên cát. Thấy tôi hỏi thăm một cậu bé mù, dân làng lắc đầu:

“Thằng cu Thuận con nhà Hợi chăng? Nếu đúng cu Thuận thì mẹ con nó đi rồi”.

“Đi đâu vậy bác? Bác có thể cho cháu biết địa chỉ?”.

“Sau khi cha nó bị nạn ngoài khơi, bà nội ốm mất theo, mẹ nó đưa nó về quê ngoại sống rồi. Chúng tôi cũng không biết rõ quê nhà chị ấy. Chị ấy chào để đi, có bảo nếu ở đây thì chiều nào thằng bé cũng ra biển ngóng cha về… Tội nghiệp mẹ con nó”.

“Chúng tôi cũng không biết nó có bạn ở tận Luân Đôn. Hồi nó chưa mù hẳn, mẹ nó có cho nó đi học trên trường thị trấn”.

Tôi ngồi bên bãi biển rất lâu. Tôi mở hộp mầu, quệt lên toan những đám mây vần vũ phía khơi xa. Những cô bé cậu bé làng chài xúm xít chung quanh xem tôi vẽ, chúng cười nói xô đẩy nhau rộn ràng.

Tôi trở về nhà. Tần ngần với hộp bút mầu suốt những ngày tháng sau đó. Rồi tôi quyết định đem hộp bút mầu của cậu bé sống bên Luân Đôn cho đứa bé thiểu năng sống ở tầng gác trên cùng của khu nhà tôi ở.

Nó reo lên những tiếng ngọng líu lô. May thay, Thượng đế vẫn ban cho cuộc sống những thanh âm trong trẻo:

“Con - sẽ - vẽ - tranh - tặng - mẹ…”.

Tôi lặng lẽ cười, nước mắt lăn xuống nền gạch đỏ.

Tôi vào nhà và đứng rất lâu trước bức tranh tôi đã vẽ vào cái ngày ấy.

Chỉ có những dấu chân trên cát…