Nhớ màu hoa tháng ba

Làng tôi nằm lọt giữa một vùng đồi. Còn nguyên những rặng tre mà các cụ kể đã trồng từ lâu lắm. 

Ảnh: MINH KHIẾU
Ảnh: MINH KHIẾU

Vẫn vẹn nguyên cây đa già ngự bên bến nước, vẫn cái giếng làng tròn vành. Và cũng chẳng biết có từ bao giờ, đầu làng sừng sững một cây gạo cổ thụ, gốc xù xì, hang hốc. Đám chuột đồng sùng sục tha rơm rạ vào lót ổ, chả màng gì đến bọn trẻ trâu chúng tôi vẫn ngày ngày nô đùa chung quanh. Một ngày, cả bọn bảo nhau ôm rơm đến giành lãnh thổ. Chúng tôi dồn rơm vào cái lỗ ở gốc gạo rồi châm lửa. Lũ chuột đồng chạy choe chóe. Lát sau, bọn tôi tưới nước, dập đám cháy. Từ bấy, cái hang trong gốc gạo to hơn. Mỗi năm, cây lớn lên, cái hang lại rộng dần, góp thêm một vẻ độc đáo cho cổng làng. 

Mỗi lần đi cày ngoài đồng về, bố thường ngồi nghỉ dưới gốc đa. Bố bảo: “Thần cây đa, ma cây gạo”, dựa vào đây để thần độ cho khỏe mạnh. Còn bọn trẻ trâu thì sợ gì ma. Cả lũ nghe bố kể mãi một câu chuyện mà vẫn nửa tin nửa ngờ: Ngày xưa các cụ kể rằng cây gạo là nơi trú ngụ, đưa đường dẫn lối cho những linh hồn đi tìm người thân... Bà thì kể: Vào ngày mưa phùn, thấy đom đóm bay ra, các cụ bảo: Ma đi chơi đấy. Mỗi lúc nhớ người nhà, ma lại về đậu trên chòm cây, nhìn thấy những người yêu thương của mình mà không nói được lời, nên nhập vào con đom đóm khắc khoải bay ra bay vào, rồi mắc võng ngoài bụi tre khóc ti tỉ vì thương nhớ... Hóa ra, ma có nhiều nỗi buồn và hiền lành chứ đâu có gì đáng sợ! 

Bà bảo rét nàng Bân của tháng ba ta bây giờ chỉ thoảng qua. Vẫn còn những cơn mưa lâm thâm nên bầu trời trông âm u, ảm đạm. Các cụ trong làng bảo phải có cơn mưa rào trời mới sáng ra. Mỗi lúc đau người bà lại cằn nhằn: Trời cứ ẩm sì sì thế này khéo sinh bệnh mà ốm mất... 

Thật lạ, những cành gạo xum xuê đã trút lá từ độ mùa đông. Tháng ba về, cây gạo quê tôi vẫn nguyên hình hài khô khốc. Cả lũ vẫn chơi mèo đuổi chuột, vẫn vào ẩn trong hang, rồi lại chui ra chui vào qua gốc cây trông như đã khô ấy.

Một ngày tôi từ cổng làng chạy về, chỉ ra cây gạo rồi reo lên: Bà ơi! Sắp hết ẩm ướt rồi. Bà tôi mắt nhìn hấp háy, tươi cười, chúng sẽ nở nhanh lắm con ạ.

Mà thế thật. Hôm qua bầu trời còn xám xịt. Hôm nay đã nhìn thấy bao nụ hoa như ngọn nến thắp trong đêm. Có phải hoa gạo nở ra để soi đường cho những linh hồn nhìn ngắm người thân cho thỏa nỗi nhớ? Chỉ biết, một ngày làng có bao cây gạo đều gọi nhau đồng loạt nở hoa, rực rỡ một mầu đỏ chói. Làng rạng ngời như đứa trẻ lần đầu được khoác một tấm áo mới. Bây giờ thì đừng có ai bảo chỉ có hoa hồng, hoa ly ở ngoài thành phố mới làm thao thức lòng người nữa nhé.

Còn nhớ, ngày bé tôi hay theo mẹ đi chợ. Trong con mắt trẻ thơ, quán chợ thật náo nhiệt. Đấy là nơi trao đổi của những người mang bán và đến mua. Mẹ thường cắp sảo rau muống đi bán, rồi mua về hành tỏi, cà chua, hay mắm muối. Lắm lúc có người đi qua, ngồi dưới gốc gạo, tôi đon đả: Bà ơi! Bà mua rau muống cho con đi ạ. Gớm con cái nhà ai bé tẹo mà đã dẻo mồm quá, một bà cụ xoa đầu tôi bảo thế. Tôi nhìn mẹ pha chút thẹn thùng mà sung sướng khi thấy mẹ gật đầu: Con đã lớn rồi đấy. 

Thời gian biến đổi, nhưng làng tôi vẫn bình yên, thư thả với rặng tre xanh. Những đêm trăng, bọn trẻ vẫn chơi trò đuổi bắt bên gốc đa già, hay chui tọt vào cái hang ở gốc gạo mà hú òa trong tiếng cười khúc khích. Cái giếng làng vẫn trong văn vắt cho trai gái chụm mái đầu soi gương...