Ngõ nhỏ gập ghềnh

Chiều nặng trịch. Ngửa cổ uống nốt vại bia cỏ, nhìn lên bầu trời xam xám, anh loạng choạng leo lên chiếc xe máy cũ, đi chầm chậm qua chợ người trễ nải chờ đợi đón công chiều.

Minh họa: ĐẶNG TIẾN
Minh họa: ĐẶNG TIẾN

Đó là những người phụ nữ trung tuổi đi giúp việc theo giờ, những anh xe ôm kiêm thợ điện nước. Người thuê họ là những gia đình công chức chỉ có mặt ở nhà lúc tan tầm. Bất chợt trong anh dâng lên nỗi nghèn nghẹn. Tiếng càu nhàu của vợ văng vẳng: “Có loại đàn ông nào mà chưa bao giờ thay nổi cái khóa nước!”.

Và cũng trong một buổi chiều muộn như hôm nay, anh về nhà, bắt gặp vợ mình đang ôm gã sửa điện nước trong nhà tắm, anh lẳng lặng ra đi…

Cứ miên man suy nghĩ, anh về đến cổng nhà mẹ lúc nào không hay. Mỗi lần đi trong vô định như thế, bao giờ điểm đến cuối cùng cũng là nhà mẹ. Ngôi nhà cấp bốn thụt mãi bên trong hẻm, như tách hẳn cái nhịp hối hả xô bồ của thành phố chật chội. Anh thò tay mở cánh cổng sắt hoen gỉ. Đoạn đường từ cổng vào sân dài hun hút, hai bên là nhà hàng xóm cao bốn năm tầng. Đường lát gạch nghiêng. Khấp khểnh. Mòn lõm. Bao lần anh bảo láng bê-tông nhưng mẹ nhất định không nghe. Mẹ muốn giữ nguyên vẹn ngôi nhà ngói ta với cái sân bé tẹo và đoạn ngõ dài ngoằng, bởi tất cả tự tay bố anh xây nên. Bố qua đời trong vụ sập giàn giáo khi xây cái nhà ba tầng đầu tiên của xã, bỏ lại người vợ và ba đứa con lít nhít. Vậy mà suốt gần ba  mươi năm qua, anh chưa từng nghe lời than vãn của mẹ.

Nhập nhoạng tối. Trong nhà chưa bật điện. Mẹ ngồi ngoài hiên xé miếng cá khô cho hai con mèo. Vài lần anh phàn nàn rằng mẹ nuôi làm cảnh thôi chứ cái ngữ béo ục ịch ấy thì bắt chuột kiểu gì. Mẹ  cười thật hiền: “Chỉ cần tiếng kêu của nó thôi là có đủ cái uy để dọa lũ chuột rồi”. Anh xót xa nghĩ thầm: “Cái uy của con trai mẹ có khi chẳng bằng được tiếng kêu của con mèo...”.

Thấy anh loạng choạng bước vào sân, chẳng cần hỏi mẹ cũng đoán được. Hai cô con gái lớn đi lấy chồng xa. Có cậu con trai út ở gần, tưởng là chỗ dựa mà hóa ra chỉ mang về cho mẹ rặt những tiếng thở dài. Nhìn mâm cơm úp lồng bàn tươm tất, anh buột miệng: “Sao mẹ biết con về mà dọn sẵn cơm thế?”. Mẹ không trả lời vào câu hỏi ấy, thẽ thọt: “Trời chuyển mùa, con bé Vy lại sắp bị khó thở thôi. Tội nghiệp…”.

Anh uể oải úp lại cái lồng bàn rồi ra sân ngồi châm thuốc hút. Mẹ húng hắng ho, anh dụi điếu thuốc đang cháy dở vào chậu xương rồng. Lần nào về anh cũng phải nghe những lời phàn nàn. Nghe mãi thành quen, mà ngẫm thấy mẹ nói cái gì cũng đúng cả. Tiếng mẹ lào phào như gió mà lại xoáy vào lòng anh. Mẹ hay bảo: “Anh chẳng được như bố anh ngày xưa…”. Ban đầu nghe vậy, anh thoáng tự ái. Nhưng rồi nghĩ lại chỉ còn nỗi xót xa. Bố là con nhà nghèo, học hết lớp bảy, đi làm thuê làm mướn rồi lấy vợ sớm. Cuộc sống vợ chồng tròn mười năm, kịp để lại cho vợ ba đứa con và nếp nhà ngói nhỏ. Mẹ cứ kể về bố thân thuộc gần gặn như thể bố vẫn đi làm, cuối tuần sẽ về. Ảnh bố trên ban thờ đã mờ nhòa vì khói hương nhưng anh tưởng như bố vẫn hiện hữu bên mẹ, cẩn trọng, tỉ mỉ như hành động bố vuốt thật phẳng mỗi tờ tiền công rồi đưa mẹ cất vào chiếc rương nhỏ.

Còn anh, cũng mười năm trong hôn nhân thì số ngày chiến tranh lạnh chiếm quá nửa. Cái thị xã yên bình trước kia được quy hoạch lên thành phố. Cơ chế thị trường ùa nhanh vào từng bữa ăn giấc ngủ. Trong gian phòng tập thể, bố mẹ vợ nhượng lại, anh chưa bao giờ lớn tiếng. Yêu vợ nên anh chẳng chấp trách cô ấy. Mỗi lúc vợ chồng giận nhau, anh kiềm chế cảm xúc trong cái góc nhỏ quây ba bề là những kệ sách cao quá đầu. Có lần trở về thấy cửa không khóa, anh hốt hoảng tưởng trộm lẻn vào. Buổi tối vợ về, anh toan trách thì vợ bĩu môi: “Trộm nó vào đây để lấy sách của anh đi bán đồng nát à?”. Tính vợ anh vẫn bỗ bã kiểu ấy, như thể mọi ngọt ngào mềm mỏng đã dốc cạn nơi làm việc.

Mỗi sáng, vợ anh trang điểm thật kỹ, xúng xính váy áo đi làm, nhưng chiều muộn về nhà bộ mặt thì ươn hơn cá. Quần áo, giày dép thì vứt mỗi góc một ít. Anh bảo vợ nên tạo thói quen gọn gàng để làm gương cho con gái, thì vợ đốp lại: “Cứ có nhà mới, phòng ngủ đừng chung với bếp, ngồi ăn không phải đối diện nhà vệ sinh, lúc ấy ắt sẽ gọn gàng ngăn nắp”. Lương của một cô lễ tân khách sạn đủ cho cô ấy trưng diện. Nói như chị Cả: “Mợ Loan chả được cái điểm gì ngoài đẹp. Thôi cậu đã chọn thì cố mà chiều”.

Anh gồng mình  lên để cố thực hiện cái sứ mệnh “xây nhà” của người đàn ông. Vợ anh vẫn óng ả như gái son. Còn con bé Vy ốm quặt quẹo từ bé, như thể thiếu dưỡng khí hạnh phúc. Mua được căn chung cư hơn sáu chục mét vuông, anh phải chịu ơn của ông trưởng phòng. Anh thích căn này vì có cái ban-công rộng thênh thang, ngập nắng và gió. Anh vay mẹ ba chỉ vàng, cầm của chị Hai cái sổ đỏ thế chấp. Cái hạn cuối cùng trong hợp đồng trả góp len lỏi vào trong cả những giấc ngủ chập chờn.

Ngày chuyển nhà mới, ông thầy phong thủy nói phải cúng lễ và đặt lại hướng bàn thờ, hướng giường ngủ nếu không vợ chồng dễ ly tán. Anh cười xòa không tin. Khi nhu cầu vật chất được thỏa mãn, người phụ nữ sẽ dịu dàng hơn, cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói. Nhưng đó chỉ là võ đoán. Nhìn bề ngoài ai cũng tưởng gia đình anh là kiểu mẫu hạnh phúc. Hai vợ chồng công việc ổn định, con gái xinh như búp bê. Chẳng ai biết, đêm về mỗi người một phòng. Vợ chồng vẫn vặc nhau bởi những chuyện lặt vặt không đâu. Trước kia sống chật chội thì thấy ngột ngạt, bí bách. Giờ ở nơi rộng rãi, tiện nghi thì lại hóa xa cách. Lòng người thật khó định hình. Có những điều rất vô lý mà vẫn mặc nhiên tồn tại.

Khi các phòng, ban của cơ quan sáp nhập, anh bất mãn với những quyết định điều chuyển vô lý. Về nhà mong tìm được chút khuây khỏa thì đập vào mặt là giấy báo đến hạn trả lãi của ngân hàng. Dần dần, ở cái không gian mới mẻ rộng rãi này, tiếng nói của anh còn yếu ớt hơn cả tiếng mèo kêu. 

*

Chẳng bao giờ anh quên được cái buổi chiều muộn ấy. Khi trông thấy bàn tay sơn móng đỏ chót quen thuộc bấu chặt lấy tấm lưng phốp pháp mặc đồng phục, mắt anh như hoa lên, tay xiết chặt. Thoáng nhìn lên tấm ảnh con gái treo ở phòng khách, anh thở hắt ra và quay lưng lao đi như chạy trốn. Anh dạt vào một quán rượu ốc vỉa hè, rồi nửa đêm lao xe rầm vào cổng nhà mẹ. Trong nhà vẫn sáng đèn như thể mẹ thức đợi anh về. Anh rọi đèn xe cho mẹ lần mở khóa cổng.  Bóng mẹ xiêu vẹo lập cập đổ dài xuống cái ngõ khấp khểnh. Vào nhà, anh khóc rưng rức như một đứa trẻ, nhận rõ sự bất lực của mình. Mẹ pha cho anh cốc nước chanh muối. Nước chua nhờ nhợ. Anh nôn thốc nôn tháo. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Anh xây đắp bằng cả tình yêu và công sức, sao chỉ nhận lại ê chề cay đắng thế này.

Vợ chồng ly thân, anh thuê căn nhà trọ ngay gần cơ quan. Nói là ly thân nhưng anh hiểu là để bé Vy tập quen dần với sự vắng mặt của bố. Không có lời hẹn ngày về như những chuyến công tác trước kia. Mỗi lúc về thăm con, thấy bàn học của con bé gọn gàng là anh thấy ấm lòng một chút. 

Biết chuyện hai vợ chồng anh rục rịch ra tòa, mẹ không căn vặn, không đổ lỗi, chỉ thở dài. Mẹ thừa hiểu tính con trai mình, hay tự ái và hờn mát chứ không xuê xoa dễ dãi như bố. Mẹ bảo anh về ở với mẹ, thuê nhà làm gì, đàn ông cơm niêu nước lọ vừa cực vừa dễ sinh hư. Nhưng anh không muốn quãng đời còn lại của mẹ ngập trong tiếng thở dài. Thà cứ ở nhà trọ, cuối tuần về thăm mẹ, lại cho mẹ có cái cớ mà chờ đợi ngày tiếp theo. Chứ về đây, ngày nào cũng lầm lũi ra vào chỉ khiến mẹ đau lòng thêm.

Thi thoảng anh đón bé Vy về thăm bà. Con bé cầm lược chải mái tóc bạc quá nửa của bà ngây thơ hỏi: “Bà ơi! Sao tóc bà cứ xoăn cứng như sợi cước vậy?”. Bà nội  trả lời cháu mà như nói với mình: “Các cụ bảo phụ nữ tóc xoăn là số khổ…”. Bé Vy ngước đôi mắt đen láy nhìn bà: “Mẹ con cũng tóc xoăn, nhưng vài tháng mẹ lại ra tiệm đổi kiểu. Như vậy mẹ con còn khổ không bà?”. Bà vuốt ve mái tóc tơ mềm óng của cháu gái, mắt rơm rớm, quay sang anh, lại vẫn kiểu nói như gió thoảng: “Cái gì bỏ qua cho nhau được thì bỏ cho nhẹ lòng. Nếu không thể vì nhau thì cũng nên vì con”.

Bà dắt bé Vy đi trước mở cổng, anh lộc cộc dắt xe đi sau. Cái đoạn ngõ gập ghềnh như cả cuộc đời người đàn bà góa bụa. Vậy mà chỉ về đây anh mới thấy tâm trạng mình bằng phẳng yên bình nhất. Thôi thì vì yêu nên trăm chỗ lệch cố kê cho bằng. Anh thấy lòng nhẹ hơn một chút. Đưa con về đến cửa, bé Vy níu tay: “Hôm nay bố ở lại ăn cơm với con nhé”. Anh xoa đầu con, mắt ánh lên hào hứng. Vợ anh đi ra hỏi khẽ nhưng giọng lạnh đanh: “Anh nhận được giấy báo của tòa chưa?”. Im lặng. Bé Vy thảng thốt nhìn mẹ. Anh nhìn ra ban-công. Chỗ ấy ban ngày chan hòa nắng và gió, ban đêm ngập ánh đèn đường. Tưởng rằng ấy là vị trí đắc địa mà hóa ra trống huơ trống hoác như trái tim đàn bà nguội lạnh.

Anh lặng lẽ quay lưng. Đường về nhà trọ hun hút. Mưa quất rát mặt. Anh đưa tay vuốt những hạt nước, nghĩ về ánh mắt đen láy của cô con gái và cái ngõ nhỏ gập ghềnh của mẹ.