Mùa thái khoai

Có tiếng cành cây gãy rắc cùng với kêu “U ơi” hớt hải ở trên cây ổi, lưỡi dao thái khoai sượt qua tay bá Chiêm. Con bé vẫn ngồi vắt vẻo như một chú khỉ, tay bắc ống nhòm để nhìn ra mãi tận con đường giữa đồng. “U! Chú Thông đang đến đấy. U nấp đi!”. Luýnh quýnh, bá chạy vào buồng.

Minh họa: MINH ANH
Minh họa: MINH ANH

Bá co người để ngồi vừa đúng chỗ hở giữa cái hòm thóc và đầu giường. Tiếng con mọt ăn kẽn kẹt, chỉ còn vài chục cân cho hai u con cầm cự tới ra Giêng, chỗ giống má gieo cấy thì tịch không được động vào. Gió bấc đang về, vụ màu đông bá đã trồng hai sào khoai lang, đang dỡ dần, cẩn mẩn thái phơi khô đóng bao cất hòm để dùng ăn độn dần.

Cái khoản ăn độn khoai, chồng bá là giỏi nhất. Vợ chồng bá cưới nhau vì đôi bên gia đình mai mối, sống với nhau từng ấy năm, hàng xóm láng giềng chưa từng nghe thấy tiếng cãi cọ. Song đường cung số hiếm muộn, tới đẫy chục năm mới sinh được mụn con đúng mùa thất bát. Ông ấy nhịn cơm để dành gạo nấu cháo cho vợ ăn, còn mình cứ khoai luộc, khoai bung. Đận bá thôi ở cữ, xuống bếp nấu cơm, bèn trộn đều khoai sắn với gạo nấu để cả hai vợ chồng cùng ăn, ông ấy nhìn thấy bát cơm khoai sắn trộn đều, nói ngay, u cái Mùa nấu cơm thì để riêng khoai sắn một bên cho tôi, u nó phải ăn cơm còn có sữa cho con bú chứ, nước mắt bá trào ra.

Một năm hai vụ chiêm mùa, thêm vụ đông trồng màu mà cũng không tránh khỏi những cơn đói trong mùa đông dài dặc với cái rét lạnh thấu xương, đồng đất trắng phau phau, cỏ cây trên bờ cũng héo hoắt. Khoai trồng xong, nắng khô cọc còi, mương máng cạn kiệt nước, đành gánh nước từ tận con sông Cái xa đến cây số. Đặt đòn gánh nên vai, bá Chiêm nhìn những luống đất cày phơi ải, nhẩm tính nếu cố băng ngang qua hai lô ruộng đất vãng cày thì gần được nửa đường đất. Thế là bàn chân trần lách qua những rạch đất vãng cày gánh nước lên tưới khoai. Đến gánh nước thứ ba, bàn chân vừa đặt xuống một vãng đất lởm chởm như đặt lên bàn chông thì “khậc”, bá ngã khuỵu, thùng nước văng ra, đập vào đầu gối.

Thầy thuốc đến tiêm cho ba mũi thuốc giảm đau ngay tức thì, nhưng sau đó vài tháng thì những cơn đau ngày một nặng, trái gió trở giời, bá còn không nhấc đầu gối lên mà đi được. Ban ngày ngồi sửa xe cho người ta, ông Vụ lân la hỏi han cách chữa trị đau chân, cũng học mót được bài thuốc dân gian, đem ngâm viên gạch vào nước giải rồi nướng nóng, rải muối, lá nốt, lá ngải lên cho xông chân, bá cũng thấy nhẹ nhiều.

Một đêm, sau khi đầu gối tay ấp, hương lửa tình nồng bồng bềnh như hồi mới cưới, xương cốt bá dãn ra dễ chịu, ông ấy ôm chặt vợ vào lòng, rủ rỉ: “Mình có thể chịu khổ để tôi đi xa một chuyến được không?”. Bá hốt hoảng: “Thày cái Mùa chán tôi rồi, hay thày nó bị cô nào trên núi bỏ bùa từ hồi đi lính phải không?”. Ông Vụ rủ rỉ: “Làm gì có cô nào. Tôi còn cái Favorit có người trả tới cả ba tạ thóc nhưng tôi không bán cứ treo tạm lên tường đợi tôi về nhá”.

Đã qua hai mùa thái khoai mà không thấy ông ấy trở về. Cái quán sửa xe của ông ấy, mạng nhện đã bủa chăng như lưới. Hòm đồ nghề và ba cái xe đạp cổ còn chưa hoàn thiện được buộc treo lên tường cùng với chiếc xe hoa Favorit tầng lớp bụi bám. Ngày trước, thỉnh thoảng xong công việc đồng áng, bá còn ra mở cửa quán quét dọn lau chùi cho quán có hơi người, nhưng mấy tháng nay, cái chú Thông cứ như ma ám, nhác trông thấy cánh cửa mở là lập tức xuất hiện bám riết lấy bá mà to nhỏ, nên bá đã khóa chặt quán.

Ngồi trong tư thế bó buộc khiến đôi chân của bá bỗng giần giật, tê dại, nhức buốt, bá đành vịn hai tay xuống đất, quỳ đầu gối lổm ngổm bò dậy, nhưng cái hông vừa nhắc được lên thì lại đập phịch vào thành hòm, bá ngã quay đơ xuống nền nhà. Cánh cửa buồng bật mở, con Mùa kêu rối rít: “U ra đi. Thày con về!”. Giọng bá thều thào: “Mày lại còn đùa được”. “Không phải chú Thông. Thày con về thật mà!”.

Giữa cánh cửa, ông Vụ bước vào, mặt mày đen sạm, thân hình săn lại, lỉnh kỉnh mấy túi đựng đồ, còn cả một túi thuốc nam khô. Bá òa khóc tức tưởi. “Tôi về đây!”. Lưng ông ấy quay nghiêng, mắt bá đột ngột nhìn thấy trong cái địu sau lưng ông Vụ có một thằng bé nhỏ thó vẫn ngủ ngon lành, bá trân trối.

“Thuốc của mình này. Tôi phải vào tận trong bản Dao mới lấy được đấy, sẽ khỏe chân chắc gối như xưa. Đây là váy áo cho Mùa!”. Bá cố kìm dòng nước mắt: “Thày cái Mùa đã có thằng bé này mà còn nhớ cái chân tôi đau cơ à?”. Ông Vụ vuốt đám mồ hôi trên trán: “À, thằng cu này. Chuyện còn dài, thư thả tôi kể cho u cái Mùa nghe”. “Ông là đồ giả dối!”. Bá Chiêm gào lên, dòng nước mắt lại òa ra như vỡ đập, ông Vụ định nói gì tiếp, nhưng bá chặn: “Ông đừng nói gì lúc này, để tôi yên!”. Bá chạy vào buồng, đóng sập cửa lại, nằm khóc trong đó.

Ngoài trời mây đen kéo đến, con Mùa vội vã chạy ra cào khoai, ông Vụ thay tã cho thằng bé xong cũng địu luôn ra chạy khoai, đang phơi chưa kịp tái mà ướt thì mốc lại hỏng cả mẻ khoai, mất bao công lao. Hai thày con chạy xong sân khoai vào nhà thì quần áo đã dấp dính nước mưa, thằng bé con trong địu sau lưng ông ấy vẫn ngằn ngặt khóc, tiếng ho mỗi lúc một sâu hơn, có lẽ do dính nước mưa. Tiếng con Mùa chợt kêu: “Trán em nóng quá!”. Sốt ruột, bà vén tóc, vùng dậy, mở cửa buồng đi ra. Thày con nó khẽ lánh người ra khi bá cúi xuống giường nhìn thằng bé: “Ai đời, có đến đứa thứ hai rồi vẫn không hiểu gì, nó sốt vì đang mọc thêm mấy cái răng đây này!”. Vài phút sau, nào nhọ nhồi, rau má, dấp cá giã cho thằng bé uống, đắp.

Mưa tạnh, nắng lên tràn đầy sân, cái Mùa tong tả cào khoai ra phơi cho khỏi mốc. Chợt có tiếng xe máy rì rì vào cổng, cái Mùa lớn giọng gọi: “Chú Thông lại đến chơi mẹ ơi!”. Mặt bá Chiêm tái đi. Ông Vụ cau mày: “Chú Thông nào? Người ta tưởng tôi chưa về nên đến thăm u nó chứ gì?”. Từ tái, mặt bá Chiêm bỗng chuyển sang đỏ ửng: “Tôi chưa hỏi tội thày nó thì thôi chứ đừng có cái thói nghi ngờ. Đấy, ông đi ra mà tiếp khách, ông sẽ hiểu cái thân tôi nó khốn khổ như thế nào”. Bá bế thằng bé đi vào buồng. Thằng bé đang hạ sốt bớt ho, nó bi bô “ba ba” với bá một lúc rồi lại ngủ thiếp đi.

“U nó nghĩ gì mà ngồi thần ra thế?”. Ông Vụ mở cửa bước vào, hết nhìn vợ đến nhìn đống đồ chiến lợi phẩm của một chuyến ngược xuôi tung hoành, ông chợt khẽ khàng: “Lúc trước tôi nói có gì không phải u nó bỏ quá cho tôi nhé!”. “Ông lúc nào mà chẳng có phải, có lúc nào là không phải bao giờ”. Ông Vụ ngồi xuống mép giường, cầm bàn tay khô sạm của vợ, thủ thỉ: “Chuyện chú Thông, giờ thì tôi hiểu rồi. Chú ấy vừa nói với tôi về việc cái quán nhà ta nằm trên phần đất sẽ mở đường lớn. U nó đã vất vả để giữ cái quán sửa xe cho tôi đến giờ này, tôi ơn nhiều lắm! Nhưng làm đường to là kế hoạch của Nhà nước để phát triển giao thông, phát triển nông nghiệp, xây dựng quê hương mình đổi mới. Cái quán nhà ta ấy, tôi nhất trí dỡ bỏ quán làm lui sâu vào trong vườn, để dành đất cho Nhà nước làm đường. Khi đường sá thênh thang, tôi sẽ xây quán mới, không chỉ sửa xe đạp mà còn sửa xe máy nữa”.

Chuyến lên mạn ngược rong ruổi với bạn tìm đồ cho xe cổ, ông Vụ gặp lại ông Biện, bạn chiến đấu năm xưa, nay đã là ông chủ lớn của một tiệm sửa xe máy bên đường. Ông Biện bảo, ông vốn là lính công binh, chỉ biết mỗi sửa xe đạp ở thời buổi này là không xứng tầm, phải học sửa xe máy thôi, dù ở làng quê nghèo mấy tháng ăn khoai độn như quê ông Vụ rồi cũng có lúc đường sá thênh thang, xe máy chạy vù vù. Ông Biện phân tích lọt lỗ tai, ông Vụ vừa học thêm nghề sửa xe máy, vừa nghe ngóng đâu có phụ tùng xe đạp cổ thì dù có phải trèo đèo lội suối cả tuần cũng tìm đến lùng mua cho bằng được. Chính trong khi đi vào một bản người Dao tìm mua một cái bơm cổ, ông đã tìm được thầy lang để cắt thuốc cho bá Chiêm. Nhưng không may lúc về đến nhà ông Biện thì đau đớn nhận tin xấu, vợ chồng ông Biện đang ngồi sửa xe ngoài cửa quán thì có chiếc xe tải mất lái tông thẳng vào quán, làm cả hai chết bất đắc kỳ tử, để lại thằng bé con chưa đầy một tuổi. Ông Vụ xoa đầu thằng bé đang ngon giấc, mãi mới kể được tiếp: Ông ấy còn thiệt thòi hơn tôi, vợ chồng không có lấy nổi mụn con, đây là món quà mà ông trời ban xuống cho vợ chồng ông ấy u nó ạ. Một sáng sớm vừa mở cửa quán, chị vợ đã nhặt được cái làn trong gói đứa bé này, anh chị đã đặt tên cho nó là Đông.

Đợi họ hàng cúng xong trăm ngày cho anh chị ấy, tôi xin phép hương hồn anh chị ấy và họ hàng đón thằng bé này về nuôi, để nó làm em cái Mùa cho có chị có em. Nước mắt bá Chiêm lại chảy ròng ròng: “Thày nó không chịu nói cho tôi biết sớm”. “Lúc trước, u nó tức giận chả cấm tôi không được nói…”.

Cái Mùa chạy vào cắt ngang câu chuyện, giục thày ra sân đón khách, có ông đi xe đạp đến, bảo đang muốn lùng bốn cái tai hồng với cái biển số xe. Hai vợ chồng cùng nhìn ra phía cửa sổ, ngoài sân nắng lên sau mưa ngọt như miếng khoai vừa thái.