Mưa nắng Phan Rang

Buổi chiều hôm đó, từ khung cửa kính thật rộng nhìn xuống đường Mười sáu tháng Tư, tôi nhận ra Phan Rang đang chuẩn bị cho một cơn mưa. Bầu trời nhiều mây, ảnh hưởng bởi cơn bão, nhưng vẫn không che lấp được sự rộng thoáng của đất trời Ninh Thuận. Thành phố vốn thênh thang đường sá, phủ đầy mầu xanh của cỏ cây, nước biển, dường như khó có thể u ám nổi. Dù là với một cơn mưa chực chờ.

Tôi từng nhiều lần đến với Phan Rang. Từ xa, gặp nhiều bóng hoa giấy đỏ rực bên đường là biết, Phan Rang trước mặt rồi. Một người bạn quê ở xứ ấy từng bảo, đường về nhà mỗi khi trông thấy cội hoa giấy đặc kín bông ấy chờ đón, là bạn luôn rưng rưng xúc động. Cảm giác quen thuộc tới rưng rưng. Con đường đẹp nhất vẫn là đường về nhà… Để mỗi khi rời khỏi, tiếp tục cuộc mưu sinh, nhìn mầu hoa đỏ rực dưới nắng lầm lũi khuất dần trong gương chiếu hậu, bạn lại ngậm ngùi. Cha mẹ già còn mấy đận được về thăm…

Dọc hành trình đến với Phan Rang, biển Cà Ná xanh rì, điện gió Tuy Phong uốn lượn, chập chờn như từng đàn chong chóng khổng lồ… Dịp nào cũng ngang qua Tà Zôn, xe cũng dừng lại ăn bữa cơm đầu tiên đượm mùi muối biển. Ông chủ quán xởi lởi, thân thiện, nhìn vào lượng người chung bàn để dọn món. Mâm thức ăn nhìn chẳng khác gì cơm nhà, lành sạch đủ đầy và ngon miệng. Phan Rang là thế đó, không nhẹ nhàng thủ thỉ mà rổn rang hơi cộc, nhưng lại rất thật, rất hiền. Đậm chất miền trung, phảng phất thêm chút gì của dân Nam Bộ hào sảng. 

Đối với người Sài thành mà nói, Phan Rang chẳng gần như Vũng Tàu, hay Mũi Né, càng không xa hẳn như Nha Trang, Tuy Hòa… Lẽ nào vì thế nên Phan Rang thưa vắng du khách? Nên cái xứ “nắng như phang gió như rang” ấy vẫn giữ mãi được sự hoang sơ, đẹp đẽ và rộng thoáng. Người ta bình dị thấy mà thương. Sếp lớn của văn phòng ngoài Phan Rang chỉn chu quần áo, ngồi dưới gốc một cây còng to mà ăn một dĩa bánh căn, bánh xèo đổ vội. Chênh chếch phía bên kia là chùa Trùng Khánh, nằm bình yên nhìn xuống thành phố. Khách ghé thăm ngồi trên cái ghế nhựa, tò mò nhìn mấy con cá cơm, mực trứng bé xíu nằm bên cạnh rổ rau mướt mát. Đồ ăn của Phan Rang đủ sức hạ gục các thực khách khó tính nhất, bởi sự đa dạng và tươi rói của cá, của ghẹ, của gà đồi hay mấy con gia súc gặm cỏ.

Ngư phủ xứ ấy vẫn nghèo, những người đàn bà buôn bán nhỏ lẻ ở cảng cá hay chợ Nại vẫn còn tồi tội lam lũ. Đường phố ngủ sớm, thức sớm. Càng chẳng mấy bãi tắm đông người ồn ã. Chỉ là mấy khu nghỉ dưỡng nhuốm chút đìu hiu ven biển, dù rất đẹp, hồn hậu và giá cả phải chăng. Thương gì đâu. Cảnh chen chúc ngày lễ tết hay hội hè cũng là hiếm gặp. Xứ gì mà vừa biển vừa núi, vừa đồi cát sa mạc, vừa mực vừa ghẹ lại vừa nho vừa táo. Tất nhiên chẳng thể quên mà không kể tới dê, cừu và bò thong thả bên đường. Vịnh Vĩnh Hy xanh trong, lấp lánh san hô và chẳng cần phải tả nhiều về danh thắng ấy. Nếu bạn yêu những cung đường hun hút nằm giữa núi và biển, lại có cả vườn nho, vườn tỏi, đồi Mông Cổ này nọ, thì Phan Rang nhất định sẽ khiến bạn bị khuất phục.

Mỗi năm dăm bận, tôi ghé Phan Rang công tác, hẹn gặp cô bạn viết nhỏ hơn mình mấy tuổi. Chúng tôi ngồi với nhau vài giờ trong một buổi tối muộn, nói với nhau những điều vụn vặt đời thường nhất. Rằng lưng em còn đau không, cột sống thế nào rồi, ba mẹ em đã đỡ bệnh hơn chưa? Rằng dạo này em có đủ trang trải không? Sao em trông gầy đi nhiều thế? Mật nho đợt trước chị uống có vừa miệng không? May quá, chị em ta vẫn còn có thể gặp nhau, dẫu vội vàng thoáng qua, giữa những khoảng cách gặp gỡ là năm, là tháng, là vùn vụt đời người, thì vẫn đáng quý biết chừng nào.