Mùa chém cá trên hói

Rời quê lập nghiệp khắp nơi, chúng tôi vẫn nhớ mùa săn cá ở sông Lam đoạn chảy qua làng tôi - Tiên Kiều, Thanh Chương, Nghệ An.

Ảnh: MINH Lê
Ảnh: MINH Lê

Độ 35 năm về trước, cứ vào khoảng tháng 8 âm lịch, khi con nước lớn từ miền ngược đổ về xối xả, cũng là lúc mùa săn cá sông của những người đàn ông lực lưỡng quê tôi bắt đầu. Có nhiều điểm để đánh cá, nhưng nơi bắt được nhiều cá to nhất là ở con hói (kênh đào) ngay sau nhà tôi. Con hói này mùa lũ lụt rộng gần 30 m, dài khoảng 2 km, sâu khoảng 10 m, chảy vắt giữa đồng lúa mênh mông của thôn Tài Lam, từ cầu Cố Dính ra sông Lam qua cống đền Bảo An. 

Khi nước sông và nước trên đồng ruộng xứ tôi lên ngang miệng cống đền Bảo An, từng đàn cá lớn bơi từ sông vào cống lên đồng và từ đồng theo con nước đổ ra sông để kiếm mồi, giao phối, sinh sản. Có rất nhiều loài cá ngon như cá mè, cá rầm, cá húi, cá leo, cá ngạnh, cá gáy… 

Tôi thích nhất là được xem cảnh chém cá trên hói của các chú, các anh. Từ rất sớm, họ đã có mặt trên hói, đoạn chảy qua cống ra sông Lam. Trên tay mọi người là những con dao dài, cán được mài bóng loáng. Một người đón ở phía dưới khúc hói, dùng nhủi thu gom cá bị chặt. Nói đến sát cá có thể kể ra những người nổi tiếng như ông Chuyên, ông Nhụy, ông Hìa, ông Chắt Thành…

Ngoài chém cá lúc rạng sáng hoặc sẩm tối, dân quê tôi còn có nhiều cách đánh bắt cá như úp nơm, cất vó, đặt trúm, rập… Trong đó, rập là cách đánh cá cần những cánh tay khỏe. Bộ phận quan trọng nhất của cái rập cá là hai đoạn tre ngà được ngâm kỹ dưới bùn ao cả năm trời, vót theo kích thước ưng ý của những tay “sát cá”. Hai thanh tre được bắt chéo theo hình dấu cộng, cột giữa bằng những lạt mây phơi khô, ngâm nước rất dai. Bốn đầu của hai thanh tre cột chéo này được cột vào bốn góc lưới dù một cách chắc chắn.

Phát hiện ra đàn cá đang mải mê bơi theo bầy ra sông hoặc lên đồng, các “sát cá” nâng cái rập lên, chao một vòng, hớt cả bầy cá nặng hàng chục kg là chuyện thường! Cách đánh cá kiểu này không phải ai cũng làm được bởi ngoài đôi tay cực mạnh, còn phải rất nhạy cảm khi bắt đầu chao, cần đủ độ mạnh, nhanh cần thiết để tránh đánh động những đàn cá khác bơi ngầm theo đàn cá bơi nổi.

Bác Trần Đình Thích, giảng viên đại học Cần Thơ đã về hưu, kể lại khoảng năm 1965, mùa lụt về nước trắng đồng. Nước tràn vào chân đê quê nhà tôi và bác, liên tục dâng cao. Những người đánh cá dùng lưới bảy thả ra quanh khoảng không dưới bãi mà trước khi lụt, ngày thường bọn trẻ hay đá bóng. Cá đâm vào, mắc lưới nhiều đến nỗi người đi thả lưới không kịp gỡ, phải kéo tất cả lưới lên đê để mọi người giúp, nhiều con cá to 4 - 5 kg là thường. Cá nhiều, bán giá rẻ như rau, nên người ta muối cá trong những cái vại da lươn lớn hoặc thả xuống ao nhà để ăn dần quanh năm.

Bây giờ, cảnh đánh bắt cá đông vui như hội ngày xưa không còn. Cá trên đồng chết vì thuốc trừ sâu, cá trên sông biến mất dần do nổ mìn và dùng xiệc điện đánh bắt kiểu tận diệt. Về quê, ra sông, ra đồng chơi, tôi không thể cầm lòng về nỗi lưu luyến ngày xưa quanh những câu chuyện đánh bắt cá mùa lụt đầy hứng khởi!