Lấy vợ cho bố

Mỷ nhìn thẳng vào bố. “Bố phải nhớ không bao giờ được đánh dì, bố đánh, không như mẹ con đâu, dì sẽ bỏ đi, không có ai giúp bố lần nữa đâu, không bao giờ. Bố nhớ lấy”. Bố nó gật đầu rồi khóc.

Minh họa: TÙNG NGUYỄN
Minh họa: TÙNG NGUYỄN

Tuổi thơ của Mỷ, nếu có gì để nhớ thì là những cuộc chạy trốn, chạy khỏi những trận đòn của bố. Thường thì bố Mỷ hiền lắm, lúc nào cũng rụt rè, gặp người lạ là muốn tránh. Nhưng rượu vào là ông cà khịa đánh vợ con. Ông chỉ đánh vợ con, không đánh người khác. Có lần Mỷ hỏi mẹ.

- Sao bố không đánh ai mà chỉ đánh mẹ con mình.

- Đánh người ta, người ta đánh lại cho, có mà chết.

Bố thích uống rượu, ai mời là ngồi lại uống luôn, dù bắt đầu vào buổi sáng, hay trưa, hay chiều thì tối, đêm bố mới về. Bắt đầu đuổi đánh vợ con. Đã thành quen, nghe tiếng lẹt xẹt, tiếng ho hắng của bố là ba mẹ con chạy, chui qua vách, có mấy tấm ván đã cạy sẵn để ra vườn. Bao giờ Mỷ cũng được chui chạy trước, đến anh, rồi mẹ. Ra sau nhà, Mỷ và anh lại chui rào chạy ra đường, loanh quanh một lúc rồi chui sang nhà hàng xóm ngủ. Mẹ thì không chạy ra ngoài. Mẹ chạy quanh nhà, rồi… trèo tót lên cây muỗm cạnh nhà. Mẹ trèo cây nhanh lắm, cả bản không ai trèo cây nhanh thế. Đến chỗ chạc ba cách đất chừng ba, bốn mét thì mẹ ngồi lại. Thường thì ngủ luôn chỗ chạc ba ấy, bởi bố chờ mẹ xuống để đánh lâu lắm. Bố không biết trèo cây, chân bố bị thương chỗ mắt cá từ nhỏ, đi vẫn vẹo vẹo. Cứ hai lần bị đuổi thì có một lần mẹ thoát được như thế. Có khi mẹ trèo chưa cao bố túm được, lôi tuột xuống, những lần ấy bố đánh đau lắm. Đánh bõ cái tức mẹ lợi dụng điểm yếu của ông mà trốn. Nếu Mỷ hay anh bị bố đánh sẽ khóc toáng lên, thường bố sẽ dừng tay, còn mẹ thì không, mẹ không kêu. Mẹ không muốn mọi người biết.

Sau ngày mẹ mất, anh chặt cây muỗm đi, Mỷ hỏi mãi lý do anh mới nói.

- Mỗi lần nhìn thấy nó tao lại nhớ cảnh mẹ ngồi bám trên cây…

Anh hơn Mỷ có ba tuổi nhưng Mỷ thấy anh lớn hơn mình nhiều, thương mẹ lắm, Mỷ cũng thương mẹ nhưng có lẽ không bằng anh. Anh ở với mẹ nhiều hơn Mỷ, chứng kiến mẹ khổ nhiều hơn Mỷ. Học hết tiểu học, anh được chọn vào học trường nội trú huyện nhưng anh không đi, ai nói cũng không nghe, kể cả mẹ. Sau này, Mỷ biết anh ở lại để đỡ bớt đòn cho mẹ.

Ở nhà Mỷ yếu từ nhỏ, không phải làm gì, đi học xếp hàng cũng đứng đầu tiên vì bé nhất, cô giáo gọi nó là: Cái kẹo. Chơi gì cũng thua bạn trừ chơi trốn tìm, bé quá, trốn được cả những chỗ không ai ngờ. Học hết tiểu học được vào trường nội trú của huyện, mẹ và anh dứt khoát bắt Mỷ phải đi học tiếp.

- Mày bé, yếu như con sên, ở nhà cũng không giúp gì, đi học may ra sau này còn được làm việc nhẹ.

Hết cấp hai, Mỷ lại lên tiếp vào trường nội trú tỉnh. Mấy đứa bạn học cùng ở nhà đã bắt đầu lấy chồng. Năm Mỷ học lớp 11, người hàng xóm gọi điện: “Anh mày bị đánh gần chết” điện chỉ có thế. Mỷ tức tốc về, anh nằm trạm xá, người mềm oặt, mẹ ngồi bên cạnh mặt, tay còn rõ mấy vết tím bầm.

- Bố đánh hả mẹ.

Hôm ấy bố đánh mẹ đau, anh giằng bố ra, rồi tức, đấm bố một quả. Ông nổi điên lên đánh anh, vớ cái gì phang cái ấy, đến lúc bố mệt thì anh cũng nhũn ra. Mỷ chạy tức tốc về nhà, cô gào lên với ông bố đang ngồi ủ giũ dưới bếp.

- Bố đi đi, đừng làm khổ mẹ con chúng con như thế nữa!

Ông không nói gì lặng lẽ xách cái gùi lên chòi trên nương ở.

Đầu năm lớp 12 thì mẹ Mỷ mất. Bà ốm ít ngày, do bệnh ủ trước đó, hay hậu quả của những trận đòn triền miên, có lẽ cả hai. Mỷ định nghỉ học anh gằn giọng.

- Tao đã đi làm thuê, có tiền nuôi mày, mẹ cũng muốn mày học, phải học đại học.

Mỷ vào đại học, anh mừng lắm, vẻ hãnh diện còn hơn cả bố. Còn bố từ khi mẹ mất, sụp nhanh, mới hơn năm mươi mà như gần bảy mươi. Bố đã bỏ được rượu, anh đi làm thuê xa, cả tháng mới về một lần, ông ở nhà cả ngày lặng lẽ như cái bóng. Rồi anh báo tin lấy vợ, ngay bản bên. Mỷ mừng, sẽ có chị dâu về, anh ở nhà, rồi có cháu, gia đình sẽ lại ấm cúng. Nhưng anh bảo anh sẽ ở rể bên nhà vợ. Hỏi anh có thương bố không, anh gật đầu, có còn giận bố không anh bảo:

- Giận thì bớt rồi, nhưng ý mày muốn tao ở nhà thì không được, tao sẽ vẫn lo cho bố, nhưng ở lại đây thì không.

Mỷ biết không thể thuyết phục được anh, anh muốn vết thương lòng sẽ lành đi theo năm tháng, đi nơi khác, để làm lại, xây dựng một gia đình mới.

Kỳ về Tết năm thứ hai đại học, Mỷ nảy ra ý định: Phải lấy vợ cho bố. Trao đổi với anh trai và chị dâu, hai người đều đồng tình. Nhân bữa cơm đầu năm Mỷ hỏi bố luôn.

- Chúng con bàn nhau sẽ tìm dì cho bố, ý bố thế nào?

Bố Mỷ ngẩn người, sau bao chuyện, chúng nó vẫn thương ông, quan tâm đến ông thực sự. Ông khóc, Mỷ, rồi anh, rồi chị dâu cùng khóc.

Giọt nước mắt đôi khi biến cái không thể thành có thể, nó làm được cái việc mà bao nỗ lực của lý trí thất bại. Sau bữa cơm đầu năm đầy nước mắt, nhà nó khác hẳn, đám mây mù tan đi, vui. Câu “bố - con” không nhát gừng, gường gượng, ấp úng. Anh em Mỷ ngồi điểm từng người phụ nữ trong và ngoài bản, những người có thể hợp với bố. Rồi “Cái kẹo” lên đường. Tết, rồi hè, rồi lại Tết… Té ra việc kiếm vợ cho bố không dễ. Mà bố cô “chán lắm”, có chỗ đã xuôi xuôi mà bố cứ ỳ ra, như kiểu đợi người ta tự về với mình. Có lúc Mỷ cáu: “Sao ngày xưa mẹ lại lấy bố”. Hai kỳ hè, Mỷ bỏ làm thêm để về quê quyết lo cho bố, vẫn không thành.

Mỷ tốt nghiệp đại học, kết thúc những ngày ở Thủ đô, kết thúc những năm đẹp nhất thời con gái. Mỷ không thật đẹp, không… chân dài, nhưng xinh xắn, mà cô cũng hiền. Cái tên “Cái kẹo” cô giáo lớp 1 đặt cho vẫn theo cô xuống Hà Nội. Mỗi khi có việc, diện bộ váy áo người Mông, trang điểm một chút lũ con trai cứ ngơ ngẩn: “Ngọt ngào như cái kẹo”. Lúc nào quanh Mỷ cũng có không ít chàng trồng cây si. Cô chỉ muốn lấy chồng cùng dân tộc, người Mông của cô ít lấy người ngoài dân tộc mình. Cuối năm thứ ba đại học, Mỷ đã kết một anh học trên một khóa, đã theo anh về nhà. Khổ, giá cô không tò mò, để hỏi dò bố anh ấy có đánh mẹ không. Rồi…

- Tụt hết cảm xúc, không thể yêu được nữa.

Mỷ nói với mấy người bạn thân như thế. Thêm mấy người cũng đều thế. Cô đã dặn lòng “mình đang ế rồi, bạn mình có con đi học tiểu học rồi…”, vậy mà…

Mỷ không đi xin việc, ở nhà, lo cho bố. Gần một năm, cũng tìm được dì cho bố. Cô ấy hơn bốn mươi, cũng không nhanh nhẹn lắm, có lẽ hợp với bố, nếu ông không tái phát bệnh cũ, bệnh trầm kha: Đánh vợ.

Mỷ đưa cho anh trai hai mươi triệu. Số tiền ấy, cả của anh gửi cho, cô không tiêu giữ lại, cả của tích cóp từ những ngày đi làm thêm trong mấy năm đại học.

- Anh giữ, nếu rồi đây bố lại đánh cô ấy, cô ấy bỏ đi, anh đưa cho cô, coi như… chuộc cái lỗi.

Hôm làm cơm đón dì về. Mỷ nhìn thẳng vào.

- Bố nhớ. Không bao giờ được đánh dì, bố đánh dì, không như mẹ con đâu, dì sẽ bỏ đi. Không ai giúp bố được lần nữa đâu, không bao giờ. Bố nhớ lấy.

Ông khóc, anh cũng khóc, Mỷ không khóc. Ít lâu sau Mỷ lấy chồng, rất xa, cách nửa vòng Trái đất. Cô nói với mấy người bạn. “Họ không biết đánh vợ”.