Gợi cho tôi nhớ về mo cau

Những cơn mưa chợt đến rồi đi rất nhanh. Đoàn chúng tôi hành quân đi Hưng Yên để tập huấn công nghệ thông tin cho giáo viên các trường dưới ấy. Nhưng tôi bận dự lễ khai mạc Trại viết Lý luận phê bình nên đến sau.

Buổi tối tôi bắt xe từ Hà Nội đến Phù Cừ mất hơn hai tiếng đồng hồ. Trời tối đen như mực. Hai chị gái trong đoàn, chị Quyến ở Hà Nội và chị Hải ở Sơn La mượn xe máy chị chủ nhà đến đón tôi.

Đường đê vắng tanh vắng ngắt. Đường vào nhà chúng tôi ở có một con dốc thoai thoải nhưng nếu không vững tay lái thì cả ba chúng tôi sẽ rơi xuống hố. Xe chạy từ từ đến cổng, vừa bước xuống xe, chúng tôi chìm vào một bầu khí quyển dịu ngọt, tinh khôi của hương cau. Đang lâng lâng thích thú hít hà một hơi thật dài thì nghe tiếng “xạch” vang lên trong khu vườn yên tĩnh. Chị Quyến giật mình: “Ôi, cái gì thế”. Chị Hải cười bảo: “Có gì đâu, mo cau rơi đấy. Sáng mai, các cô dậy thật sớm để trượt mo cau nhé”!

Hình ảnh mo cau ám ảnh tôi cả buổi tối hôm ấy. Một cái tàu mo thường có hai phần: phần mo cau và tàu cau. Cả hai phần này đều gắn bó như một phần không thể thiếu trong đời sống mỗi đứa nhỏ thôn quê. Trong bài hát “Người phu kéo mo cau”, hình ảnh mo cau gắn liền với trò chơi thuở ấu thơ: “Trò chơi thuở bé, anh ưa kéo mo cau/Chở em khắp ngõ vườn”. Trò chơi ấy đã đi vào ký ức bao nhiêu thế hệ, biết bao đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở làng quê. Chiếc mo cau trở thành một chiếc xe kéo đơn giản mà tiện lợi và đầy khoái chí của chúng tôi. Chúng tôi thay nhau kéo. Người kéo mo cau giống như một người lái xe siêu hạng, còn người ngồi trên mo cau giống như một công nương được phục vụ, kéo đi đây đi đó để du ngoạn ngắm phong cảnh. Phong cảnh ấy là bầu trời xanh cao rộng, là mặt đất với những đám cỏ đầy sương, những hàng cây xanh rười rượi bên đường. Cả người kéo mo cau và người được kéo, suốt cả hành trình đều vui vẻ, đều thích thú… với những tràng cười kéo dài suốt chặng đường đi.

Mo cau còn làm máng xối để hứng mưa từ thân cau hoặc từ chái nhà xuống các chum nước. Những chum nước mưa trong vắt, ngọt lành cứ đầy tràn ăm ắp sau hồi hoặc ở phía trước hiên nhà. Cứ vào những ngày mưa, chúng tôi tha hồ ra gần chum nước mà nghịch. Có lúc chúng tôi còn dùng mo cau làm con thuyền chứa nước để ngồi tắm, trong đó hoặc thả chúng trên ao rồi khoát nước cho chúng chạy, tiếng hò hét chạy dài trên bờ ao vương vấn cả bầu trời hoa khế tím trên đầu.

Cả đêm sống lại bao ký ức về mo cau, tự dưng thấy luyến tiếc, thấy thèm được cọ má mình vào chiếc quạt mo, thèm được úp mặt vào ngực bà mà lắng nghe từng nhịp thở đều đều, ấm nồng mùi trầu bà nhai bỏm bẻm. Sáng mai dậy, chúng tôi sống lại một phần tuổi thơ của mình với cây mo cau mà chị Hải lượm được ngoài vườn. Chị giành phần kéo và gọi lần lượt chúng tôi ngồi trên mo cau mà kéo trượt từ trên dốc con đường đến cổng nhà. Ai ngồi lên tàu mo cau ấy cũng cười ngặt nghẽo nên chúng tôi đặt tên cái tàu mo cau ấy là “chiếc tàu cười”. Cảm ơn cuộc hạnh ngộ với những người chị, người bạn mến yêu để ta có dịp được quay về thơ ấu trong veo với tàu mo cau bình dị.