Gần nhau trong Trung thu đảo xa

Với đủ sắc mầu, hội trăng rằm ấy vô cùng đặc biệt, tôi đón Trung thu cùng các em học sinh, bà con và anh em cán bộ, chiến sĩ giữa một nơi mênh mông trùng khơi sóng nước: xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa.

Trẻ em đón Trung thu ở Trường Sa.
Trẻ em đón Trung thu ở Trường Sa.

Bao nhiêu lần tôi viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học và lần đó, mơ ước của tôi đã thành. Đứng giữa trùng trùng mây, trời, nước hòa quyện với nhau, tôi thấm cái không khí quanh năm nắng cháy da, gió mưa sạm mặt nhưng trong tâm hồn của mỗi người nơi đây vẫn trẻ trung, lạc quan và yêu đời. Khi đến những ngày lễ, Tết, mọi người vẫn vui chơi hết mình, song hành với nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc.

Đêm hội rước đèn đầu tiên tôi được tham gia trên đảo. Các em nhỏ ở đây không có những đèn cá chép, đèn hình siêu nhân, đèn con rồng... nhấp nháy ánh điện đủ mầu sắc như các em nhỏ ở đất liền. Nhưng không vì thế mà đêm hội trăng rằm của các em nơi đảo xa lại thiếu đi ánh đèn tuổi thơ và thiếu vắng đi nụ cười.

Trước đêm Trung thu khoảng hai đến ba ngày, bố mẹ của các em tỉ mẩn vót từng thanh tre, xếp cắt từng tờ giấy mầu và thiết kế thành các loại đèn với nhiều hình dáng khác nhau. Có em được bố mẹ làm cho lồng đèn hình chiếc tàu hải quân, có em thì đèn hình máy bay, có em có đèn là chiếc tàu ngầm, còn em khác thì lại nhận được đèn hình ngôi sao truyền thống... Các em mang trên tay những sắc mầu rực rỡ. Điều thú vị là mỗi chiếc đèn đều ghi tên của các em.

Đêm trăng rằm đến, ông Địa cầm quạt phe phẩy nhảy múa bên chú lân cùng tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng. Ở giữa biển xa xôi cách trở này, mừng thay, tiết mục ấy cũng đã đến được với các em, đem lại tiếng cười thơ trẻ. Màn rước đèn được tổ chức tại sân Trường tiểu học xã đảo Song Tử Tây. Cùng tham gia với các em có thầy cô, phụ huynh, lãnh đạo ủy ban xã, chỉ huy đảo, các đơn vị, các cụm chiến đấu kết nghĩa với các hộ dân và các chiến sĩ. Đội múa lân cũng do anh em chiến sĩ phụ trách. Mọi người cùng vui bên mâm cỗ, chương trình văn nghệ với các tiết mục múa, hát, đọc thơ về biển, đảo và những câu đố dân gian về chú cuội, chị hằng... Các em học sinh xúng xính trong những bộ áo dài cách tân nhiều kiểu dáng mầu sắc, tay cầm lồng đèn cùng múa vui bên chú lân và ông Địa.

Sau màn phá cỗ tại sân trường, tất cả mọi người cùng theo đội múa lân ra múa tại vị trí cột mốc chủ quyền, tượng đài Hưng Đạo Vương rồi múa vòng quanh khắp đảo dưới ánh trăng đêm rằm vằng vặc. Dường như trăng ngoài đảo lớn hơn và sáng hơn ở đất liền. Tôi cùng các em học sinh và mọi người đi dưới vầng trăng ấy, đi dưới hàng cây bàng vuông hoa thơm thoang thoảng, thanh khiết, hòa quyện với mùi biển nồng nàn.