Đường đến Sài Gòn

Trong một ngày, gần 100 cán bộ, chiến sĩ dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Vương Căn (Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 84 pháo mặt đất, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) đã kéo được khẩu Ca-nông (pháo mặt đất nòng dài) 85 ly nặng gần hai tấn và khẩu pháo phòng không hai nòng 37 ly có trọng lượng 2,1 tấn lên “ngồi chễm chệ” trên khoảnh đất khá bằng phẳng đỉnh cao điểm 540 trên dãy núi Bạch Mã phía tây Thừa Thiên Huế.

Từ phải sang: Tác giả, Tiểu đoàn trưởng Vương Căn và anh em đơn vị. Ảnh chụp năm 1975 ở TP Hồ Chí Minh.
Từ phải sang: Tác giả, Tiểu đoàn trưởng Vương Căn và anh em đơn vị. Ảnh chụp năm 1975 ở TP Hồ Chí Minh.

Cán bộ, chiến sĩ đại đội 1 chưa biết nhiệm vụ của hai khẩu pháo thường chỉ bắn cầu vồng vào mục tiêu trên bộ, trên sông biển và bắn vào mục tiêu trên không lại kéo lên cao điểm này, nên vừa vác đạn lên trận địa, vừa rì rầm với nhau rồi cử cậu Trịnh khá mồm mép mạnh dạn thăm dò Trung đội trưởng trinh sát Lê Thanh thì cũng chỉ nhận được: “Bí mật quân sự!”.

Hôm sau, đơn vị được lệnh thức dậy lúc 4 giờ, ăn sáng và lên chiếm lĩnh trận địa. Mọi người không ai bảo ai, cùng reo “Ôi đẹp quá!” khi trước mặt hiện ra khoảng không gian rộng lớn mà hôm qua kéo pháo lên còn được ngụy trang kín đáo. Mấy năm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và ở hậu cứ, toàn là núi đồi nhấp nhô, cây cối rậm rì, đâu có được ngắm nhìn bầu trời bao la rộng mở với những áng mây trắng phơn phớt hồng dưới ánh vầng dương sớm rọi soi làm ngẩn ngơ lòng những người lính chiến.

Lúc này tuy chưa có lệnh của Tiểu đoàn trưởng nhưng cậu Thản, pháo thủ số 1 đã rỉ tai Trịnh: “Bắn tà âm rồi!”, và hai đứa có vẻ rất thích thú. Đúng thế. Theo lệnh của Tiểu đoàn trưởng, hai khẩu pháo này có nhiệm vụ bắn trực tiếp vào các mục tiêu trên quốc lộ 1.

Ngày 26-3-1975, thành phố Huế giải phóng, từng đoàn xe thiết giáp, xe quân sự các loại, xe vận tải GMC… của quân ngụy lũ lượt chạy về phía nam. Tiếng Thản pháo thủ số 1: “Báo cáo Tiểu đoàn trưởng. Đã bắt được mục tiêu!”. “Đạn một viên. Bắn!”, lệnh tiểu đoàn trưởng. Viên đạn vun vút lao đi! Chớp mắt đã bùng lên quầng lửa trùm kín chiếc thiết giáp đi đầu. Lệnh Tiểu đoàn trưởng: “Đạn bốn viên. Giãn cách 10 giây. Bắn!”, rồi “Bốn phát cấp tập. Bắn!”. Từng quả đạn lại vùn vụt tới tấp lao xuống. Xác xe nằm chềnh ềnh ngổn ngang trong những đám cháy dữ dội làm lính bộ binh ngụy phải tản ra. Cùng lúc Tiểu đoàn trưởng lệnh cho khẩu phòng không 37 ly bắt mục tiêu và liên tiếp nhả đạn. Mỗi loạt bắn là 10 viên của hai nòng cùng bắn ra nên có sức công phá rất lớn và dễ dàng phá hủy mục tiêu bởi tầm bắn khá gần. Với tốc độ bắn của khẩu Ca-nông 85 ly là 15 viên/phút và của khẩu 37 ly là 80 viên/phút nên chỉ khoảng gần 30 phút, hai khẩu pháo đã hoàn thành nhiệm vụ khi đám tàn quân ngụy không dám vượt qua chốt chặn lửa mà phải quay đầu chạy ngược ra cửa Thuận An rút theo đường biển về Đà Nẵng.

Xuống núi! Tiến về đồng bằng! Những người lính chỉ quen với núi rừng cùng sắc mầu cây lá lắc lư trên thùng xe kéo pháo với giọng ngân nga bài hát “Tiến về Sài Gòn” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: “Nước nhà còn chờ, trận cuối là trận này/Tiến về đồng bằng, giải phóng thành đô!”.

Kể từ giải phóng thành phố Đà Nẵng ngày 29-3 trở đi, đoàn quân hầu như chỉ hành quân “đuổi” địch rầm rập trên quốc lộ 1 hướng về Sài Gòn. Tin giải phóng các tỉnh đến từng ngày bởi sự chủ động, nhanh nhạy của các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân chớp thời cơ nổi dậy. Những lúc nghỉ ngơi, bà con cô bác cùng mấy cô thanh nữ lại mang rổ khoai, ngô luộc, đĩa bánh gói…, những thứ quà quê vùng miền mời bộ đội giải phóng, cùng những nụ cười, những lời động viên: “Ráng lên nghe mấy anh!”. Các em nhỏ như đã quen các chú bộ đội từ lâu nên cứ xúm vào trò chuyện hỏi hết thứ này đến thứ khác, nhất là khi nhìn thấy những khẩu pháo oai vệ thấp thoáng lá ngụy trang ở nơi cất giấu.

Địch lập chốt chặn từ xa tại thị xã Phan Rang và nơi đây diễn ra trận đánh lớn. Tiểu đoàn trưởng dẫn trung đội trưởng trinh sát trực tiếp lên xe tăng đi mũi thọc sâu chỉ huy đơn vị bắn phá hoại, khống chế sân bay Thành Sơn và bắn yểm trợ bộ binh đập tan phòng tuyến Phan Rang, bắt sống trung tướng quân ngụy Nguyễn Vĩnh Nghi. Đơn vị lại rầm rập hành quân “Thần tốc” tập kết tại khu vực rừng cao su Long Thành nhận nhiệm vụ tiến công hướng đông nam đánh chiếm chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất…, tiến về dinh Độc Lập.

Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, hai quả pháo lệnh mầu xanh và mầu đỏ bay vút lên trời phía cầu Long Thành sông Đồng Nai báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, năm hướng tiến công ào ạt như triều dâng không gì có thể ngăn cản được hùng dũng “Tiến về Sài Gòn”, tiêu diệt hết các mục tiêu trên đường hành quân, giải phóng thị xã Long Thành.

Ngày 29-4, toàn thể cán bộ, chiến sĩ nhận mệnh lệnh mặc bộ quần áo đẹp nhất - ai không có được cấp phát mới, trên mũ dán miếng giấy trắng cắt hình đuôi nheo viết chữ in hoa hoặc in thường nhưng phải tô thật đậm hai từ “Thần tốc” chuẩn bị tư thế hiên ngang, diện mạo sáng sủa, lịch lãm… khi đến Sài Gòn. Cậu Trịnh ngắm nhìn cả lượt, nhoẻn cười tươi rồi giơ hai bàn tay làm động tác chụp ảnh ghi lại dấu ấn những người lính chiến trong bộ quân phục sáng sủa, rạng rỡ mầu vải Tô Châu kiêu hãnh bên những khẩu “voi” trận.

5 giờ sáng ngày 30-4, lệnh hành quân! Đơn vị ầm ầm xe pháo tràn kín đường hối hả tiến về phía bến phà Cát Lái trên sông Đồng Nai - cửa ngõ sát nách Sài Gòn. Trên trời, hàng chục chiếc máy bay trực thăng mải miết chở cố vấn, chuyên gia quân sự Mỹ, sĩ quan tướng tá… quân ngụy tháo chạy khỏi Sài Gòn ra hạm đội 7 ở ngoài khơi di tản. Bỗng mệnh lệnh truyền đến, cả đoàn xe pháo dạt vào những đồng bãi ven đường. Bộ đội vừa kịp xuống xe tản ra các mương rãnh thì hàng loạt đạn 12,8 ly, cối cá nhân, tiểu liên cực nhanh AR15 bắn thẳng, rồi những quả đạn pháo của địch bắn tới chung quanh khu vực tập kết. Trinh sát Trịnh giơ ống nhòm quan sát phát hiện mấy ổ đề kháng, trong đó có khẩu 12,8 ly trên tầng của một tòa nhà phía bên kia sông và mấy chiếc tàu chiến của địch trên sông Đồng Nai. Ngay lập tức, tiểu đoàn trưởng hô mệnh lệnh: “Cắt hạ pháo. Mục tiêu ổ hỏa lực. Chuẩn bị!”. Pháo thủ Thản cùng khẩu đội nhanh chóng thực hiện mệnh lệnh, tuy có khó khăn vì phải bắn thẳng nhưng với kinh nghiệm bắn tà âm ở đỉnh cao điểm 540, khẩu Ca-nông 85 ly lại rùng mình phóng đi quả đạn tiêu diệt ngay lập tức ổ đề kháng 12,8 ly và bắn tiếp vào mục tiêu tàu chiến dập dềnh trên sông.

Bất ngờ, một quả đạn pháo từ phía cầu Sài Gòn bắn tới, chỉ cách khẩu Ca-nông 85 ly chừng 20 - 30 m làm hai pháo thủ bị thương nhẹ, còn Thản bị thương rất nặng, máu chảy không ngớt ướt đầm nửa thân áo Tô Châu còn mới…

Thản lục tận đáy ba-lô lôi ra bộ quần áo còn nguyên nếp gấp rồi chậm rãi mặc vào. Ngắm nhìn cả khẩu đội trong bộ quần áo mới, trông khác ngày thường, bất giác Thản bật cười. Thản rủ rỉ: “Mình định để dành bộ quần áo này vào Sài Gòn mặc chụp ảnh kỷ niệm ngày đến Sài Gòn. Chỉ huy cho mặc từ hôm nay là để chúng ta tin chắc rằng Sài Gòn sắp được giải phóng”. Y tế tiểu đoàn đến sơ cứu, băng bó vết thương cho hai pháo thủ, còn Thản khẽ xua tay rồi chầm chậm rõ từng lời: “Về… bảo với mẹ… rằng, mình đã… đến… Sài… Gòn…” và từ từ nhắm mắt.

Thản đã thanh thản đi xa trước giờ chiến thắng cho “Việt Nam thống nhất”. Tiểu đoàn trưởng lặng người tiếc thương cậu pháo thủ thông minh, lanh lợi và rất có kinh nghiệm chiến trường đã góp công không nhỏ vào chiến thắng của tiểu đoàn trong hơn 300 trận đánh lớn nhỏ kể từ trận đầu tiên ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Trung đội trưởng trinh sát Lê Thanh, Trịnh và anh em đồng đội nghẹn ngào vĩnh biệt Thản để đi nốt đoạn đường còn lại đến Sài Gòn, ai cũng thầm tiếc giá như hôm mặc bộ quần áo mới có một cái máy ảnh…

11 giờ 30 phút ngày 30 tháng Tư, chúng tôi có mặt ở chốt chặn cầu Sài Gòn tham gia nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trong ngày đầu tiên Sài Gòn giải phóng.