Đời sóng

Trời mưa, mưa hoài không ngớt, cả nhà tôi phụ dì Xíu kéo mấy bao tải ra, ba chất lên xe thồ, đẩy ra bến xe nhỏ chuyển lên chiếc xe ca cũ để tiễn dì Xíu về quê.

Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Một ngày mưa, ông ngoại tôi vấn lại điếu thuốc rồi mang theo ba đứa con là cậu Hai, mẹ tôi và dì Xíu, bà ngoại nhất định không chịu rời quê lên Tây Nguyên. Buồn, đói, mưa. Mùa mưa đằng đẵng, nằm trong những căn nhà tập thể dựng tạm ngó ra bầu trời trắng xóa mà nhớ quê da diết. Đường về quê thăm thẳm tận đâu. Ông dặn cậu Hai trước khi nhắm mắt, “dù giá nào cũng để cha ở lại, khi nào dân giàu, cây cà-phê được giá, người dân hết sốt rét, đủ ăn, đủ mặc thì khi đó đem cha về mới yên lòng”.

Trên nấm mồ dần mọc lên những mảng mầu xanh tươi mới. Các con lớn lên, bà rồi cũng về bên cạnh ông sau khi gả xong chồng cho dì Xíu. Gọi dì Xíu riết thành quen chớ dì tên Ngọc. Cái tên gắn với sản vật của biển, khi con trai quặn mình ngậm cát mà nên. Mẹ tôi cũng khóc khi đeo cho dì đôi bông tai. Đó là cả tháng lương giáo viên kiêm “thợ” chăn lợn của ba mẹ tôi. Đêm trước tôi nghe ba mẹ thầm thì trong vách cót, “đời người có một lần, lại được đứa em gái duy nhất, mẹ mày ráng mua cho dì đôi chỉ cho mát mặt với nhà người ta”. Mẹ tôi tần ngần, “lương tháng này chưa có, heo thì phải ba tháng nữa mới xuất chuồng được”. Nhưng mẹ cũng mua cho đủ một chỉ vàng để mừng cưới.

Sinh con gái đầu lòng được bốn tuổi thì dượng Hai chồng dì Xíu mất, hết tang chồng rồi tang mẹ chồng. Căn nhà mặt phố mười mét rộng tám mươi mét dài trở thành nơi thờ phụng nhưng cũng là nơi tranh chấp của gia đình nhà chồng. Đường phố quy hoạch thành tuyến chính. Nhà chồng dì nằm ngay ngã tư, từng đó diện tích đủ để mẹ con dì sống sung sướng như bà hoàng nếu cho thuê một nửa thôi. Đồng tiền bạc lắm! Nhà chồng dì Xíu mỗi anh con trai thì đã chết, còn lại năm bà con gái lấy chồng ven đó chực chờ chia gia tài. Rồi họ bán ngay khi vừa mãn tang mẹ, dù hai tỷ mới là giá đúng của thị trường, nhưng họ sẵn lòng bán rẻ để đẩy cho nhanh.

Giờ mỗi lần đi làm ngang qua khách sạn ba sao Ngọc Linh tôi vẫn nói với chồng mình. “Đó là chỗ của dì Xíu, dì nói em, khi nào gái học đại học rồi lên thành phố làm thì ở nhà Xíu nhen”. Chồng tôi nói, “cái gì không phải của mình thôi thì để nó đi, đừng nghĩ gì cho nặng nợ”.

Chồng phanh xe trước cửa quán Ngon, hôm nay kỷ niệm mười năm ngày cưới. Lấy trong xe ra bó hoa mười bông đỏ rực, hôn chụt vào má vợ rồi bước xuống xe, hai đứa con đã đợi sẵn. Tôi nhìn sang phía đối diện, ngã tư có khách sạn Ngọc Linh, tôi nhớ dì Xíu, nhớ lúc đó tôi phụ dì kéo mấy cái bao tải ra bến xe nhỏ. Mẹ tôi với dì ôm nhau khóc thiệt to rồi mẹ mua cho tôi cái bánh mì kẹp thịt. Lạ thiệt, ở thành phố cái gì cũng ngon, tôi cũng buồn một xíu vì dì Xíu về quê, tôi không được đi thành phố, ít có cơ hội ăn bánh mì kẹp thịt, rồi tôi ngủ trên vai mẹ cho đến khi trời sẫm tối. Mẹ gọi xuống xe, đến ngã ba rồi, lục tục tìm dép để đi bộ vô nhà khoảng cây số nữa.

Dì Xíu về quê, ở nhà của bà ngoại tôi. Đó là căn nhà xây ba gian thấp lè tè, trên mái còn để thêm khoảng chục bao cát. Ngôi nhà nhỏ nằm nghe biển rì rào sóng vỗ, con đường vô nhà ngoại còn có hàng dừa cao vút. Mẹ tôi kể, đó là hàng dừa từ thời chống Mỹ, có cây còn nham nhở vết đạn sần sùi. Dì Xíu đi chợ mua cá lên mạn trên đổi gạo, đổi khoai. Dì khéo tay làm bánh để đổi cá cho những người mới đi biển vô, họ đói, họ được ăn ngon là đổi thảo lắm, cuộc sống hai mẹ con cứ thế trôi đi qua ngày. Hai, ba năm một lần, hè mẹ lại cho tôi về quê. Tôi thích biển, thích chạy dài với cánh diều trên bãi biển, thích nằm trên võng có lá dương đung đưa. Nhưng mà hè ở quê tôi nóng, nhà dì Xíu lại thấp nữa nên buổi tối, mấy dì cháu toàn ra biển hóng gió đến khuya mới về. Những giấc mơ về bụi dứa dại, về hàng dương rì rào, về những con cá tươi xanh, về những vại mắm bốc mùi thum thủm, về những chum nước có chiếc gáo dừa úp ngược lên trên, về những cư dân vạn chài đen rám chắc đi chiếc thuyền bé tẹo dần xa.

Khu đất nhà bà ngoại mới được trả giá mười một tỷ đồng để họ xây khách sạn hướng biển. Mảnh vườn đó bà ngoại cho mẹ tôi, nhưng mẹ tôi không bán, mẹ nhường lại cho dì Xíu. Mảnh vườn ấy nhỏ xinh, khoảng ba sào gì đó, mẹ tôi kể, hồi nhỏ đó là mảnh vườn mà mẹ rất thích. Căn nhà đầu tiên của bà ngoại là ở đó, nơi mẹ và cậu Hai, dì Xíu lớn lên. Sau này đi vô Tây Nguyên, nơi mẹ nhớ nhất cũng là những trò chơi trên mảnh vườn rợp bóng dừa. Mẹ không bán. Mẹ cho dì, đó là lời nói được chiết khúc chứ chưa cần đến văn tự, giờ nó có giá mười một tỷ.

Dì Xíu gọi cho mẹ, họ muốn mua, và họ sẽ mua bằng được, ở thời này, chúng ta quá già để giành giật khi ai đó muốn cái gì, dù nó là của ta. Dì Xíu buôn bán ngót nghét ở biển nửa đời người nên hiểu rõ quá quy luật cá lớn đớp cá bé. Dải đất này còn may là được bán, được mua, chứ có những nơi người ta đền bù với giá rẻ mạt, mà ép phải lấy. Mẹ tôi về hưu rồi, chẳng màng tiền bạc gì nữa, vì có ăn nổi nữa đâu khi đủ thứ bệnh ập đến cùng với sự già nua. Mẹ để dì tự quyết, dù sao mẹ cũng đã cho dì rồi. Nhu cầu con người ta cũng đến thế thôi, khi vô bệnh viện mới thấy, chiếc đồng hồ đắt giá nhất là chiếc đồng hồ ở phòng hồi sức, chiếc giường đắt giá nhất cũng là chiếc giường bệnh, thế hà cớ chi mà người ta giành nhau, chen nhau, xô đi cả tình người. Tình cảm nó đảo lộn trật tự hay do não người bỗng dưng mất đi định vị, sự sắp xếp. Suy cho cùng cũng từ lòng tham mà ra.

Dì Xíu viết di chúc, rồi đưa tôi coi. Bé Bống đi du học Canada nhờ học bổng hợp tác của trường đại học với viện nghiên cứu bên đó về nghiên cứu hệ sinh thái biển. Dì muốn tôi xem qua rồi gửi luật sư. Dì để một tỷ đồng, gấp mười lần số tiền dì được chia lúc rời nhà chồng để người đàng chồng dì thờ cúng Tết lễ hằng năm. Còn lại số tiền mười tỷ đồng kia dì làm từ thiện. Dì nhờ vợ chồng con, học rộng hiểu nhiều, làm thế nào để đồng tiền của dì có ý nghĩa khi dì nhắm mắt, mà làm được gì cho Tây Nguyên, nơi dì lớn lên, nơi dì trải qua đau khổ, nơi dì bị đẩy ra đường, nơi ông ngoại của các con hy sinh, nơi có những làng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, những đứa trẻ đen thui, áo quần bẩn thỉu, móng chân móng tay đầy đất, nơi họ vẫn còn thiếu thốn, con hãy làm thay dì, đời dì như thế là mãn nguyện. Những con sóng cứ vỗ mãi, lăn mãi rồi cũng đến ngày dừng chân nơi bãi cát mịn màng. Đời sóng cứ xô, cứ đẩy, cứ lăn nhưng chẳng nghĩ ngợi gì, dì muốn sống như những con sóng gái à. Dì sẽ sống như vậy. Dì dặn tôi phải sống thật tử tế, sống sao cho trời xanh nợ mình.

Sóng biển vẫn vỗ ìa oạp dưới chân, vân vê bờ cát, xa xa ngoài kia những chiếc tàu vận tải lớn chỉ còn là những chấm đen nhỏ xíu đứng yên. Mặt trời đỏ rực dần nhô lên từ mặt nước. Vài du khách rồi đông hơn, họ túa ra biển. Đang kỳ nghỉ hè, họ tìm đến Xuân Hòa để kiếm chút yên ả, hoang sơ của những bờ biển mộng mơ trong những ngày oi của thời đất chật người đông. Tôi cũng đâu có ngờ bãi biển đầy gai xương rồng, nhấp nhô phi lao nơi quê tôi lại có ngày trở thành điểm du lịch đắt giá như vầy. Dì Xíu kêu mệt, muốn ra biển hóng gió sớm nên tôi đi cùng. Tóc dì sợi bạc nhiều hơn sợi đen.

Từ khi mẹ mất tôi lại thương dì nhiều hơn. Bãi biển vẫn nằm đó, chỉ có hình dạng là biến thiên theo thời gian và tác động của con người. Cái doi cát ấy đã hàng trăm năm như vậy để rồi người ta đến quy hoạch, san lấp rồi mười năm bãi biển Xuân Hòa quê tôi thành điểm du lịch đáng đến nhất trong nước. Du khách ùn ùn, váy vóc mũ nón thướt tha, những chiếc tàu ca-nô cứu hộ hiện đại, những phòng ốc sang trọng. Tôi nhớ hồi còn sống, mẹ chép miệng, không có máy ảnh mà chụp lại chớ hồi đó đẹp hơn chừ nhiều, giờ thì có đông, có sang, có vui nhưng từ cõi mắt sâu thăm thẳm đầy vết chân chim dì Xíu, tôi biết biển của mẹ và dì dần vắng xa như tuổi đời của dì ngày càng dày lên mà thời gian sống cao thượng thì ngắn lại…

Những con sóng cứ nhấp nhô, vô tư mơn man bờ cát mịn xóa đi những dấu chân của người mới đi qua in hằn trên cát mỏng.