Đợi phù dung

Khi những bông phù dung đầu tiên ngoài ngõ nở, ông Nhẫn nói với bà Nhẫn:

“Bà chuẩn bị tiền. Tôi lại lên nhà con gái”.

Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Bà Nhẫn rất muốn than phiền: “Ông còn đi đến bao giờ nữa, tôi mỏi mệt lắm rồi”.

Nhưng bà đành ghìm nén, vì rằng bà có than vãn, kể lể, hay chống đối bằng việc không chuẩn bị tiền cho ông, thì cuối cùng ông vẫn thực hiện chuyến đi của mình.

Nhiều năm rồi, năm nào ông Nhẫn cũng đi biên giới một lần, kể từ khi cô Nhẫn, con gái đầu của ông Nhẫn và bà vợ trước bị lừa bán sang bên kia biên giới. Từ đó, hành trình lặn lội tìm đón con về của ông Nhẫn bắt đầu và cứ tiếp diễn, cho dù ông có nhận được thông tin mới nào hay không.

“Thông gia” của ông cũng làm nông như ông, chỉ là làm nhiều hơn cho nhiều người ăn hơn. Con gái ông là dâu trưởng trong nhà. Nó được cưới với số tiền đủ để bà cô ruột nó, tức là em gái ông - kẻ đã khốn nạn bán cháu sang biên giới - xây công trình phụ cho cái công trình chính đồ sộ nhất làng, mà ông chắc rằng chúng cũng được đổi bằng những đồng tiền bất chính. Trong khi đó, ông, cha ruột của con bé thì không nhận được một miếng trầu, quả cau nào. Điều ông đau xót nhất là cuộc hôn nhân chắc chắn sẽ nhiều đớn đau, tủi nhục của nó.

Năm ấy, khi ông tìm được đến nhà thông gia bất đắc dĩ, cô Nhẫn vừa mới sinh đứa con đầu lòng. Giữa trưa nắng nóng, cô vừa địu con đỏ trên lưng vừa xay bột ngô bằng cái cối to như con trâu mộng. Tiếng cối chạy ù ù, mồ hôi và nước mắt vã nhòa trên khuôn mặt. Ông Nhẫn đứng lặng nhìn đứa con gái mất tích cả năm trời của mình. Cô Nhẫn cũng đứng lặng nhìn ông, mà không nhào đến ôm lấy chân ông khóc như khi còn nhỏ bị đòn.

Ông đề nghị chuộc con với một số tiền lớn mà ông cả đời chắt chiu, nhưng lẽ đương nhiên nhà chồng cô Nhẫn không chấp nhận. Với họ, cưới được vợ cho con đâu có dễ dàng. Giữ lại cô Nhẫn, con trai họ vẫn có vợ, cháu nội họ vẫn có mẹ mà gia đình họ vẫn có người làm. Số tiền cả đời con dâu họ làm ra sẽ còn nhiều hơn thế.

Ông đành lủi thủi trở về cái làng quê yên ả của mình. Cô Nhẫn hứa khi nào con trai cô cứng cáp, cô sẽ đưa con về thăm ông, như cái Hạnh, cái Nhu bạn chăn trâu của cô. Cái Hạnh, Cái Nhu cũng bị lừa bán sang bên kia biên giới làm vợ kiêm nhân công không hưu trí cho người ta. Nhưng may là hai, ba năm sau, những gã rể ngoại đã đưa vợ về thăm nhà vợ. Những ngày đó, gia đình cái Hạnh, cái Nhu đón rể ngoại như đón chính khách. Họ tự hào, họ vênh váo, vì rể Hạnh thấy cái bếp nhà vợ lụp xụp, toàn bồ hóng đen xì, bèn biếu ngay một cục tiền để ông bà nhạc đập đi xây mới. Rể nhà Nhu thấy cái chuồng cầu của bố mẹ vợ mất vệ sinh quá, ai lại để chuồng cầu ngay cổng ra vào như thế bao giờ, dù ông bà nhạc có giải thích rằng nhà nông để chuồng cầu ở cổng cho tiện lấy phân ra đồng, thì rể Nhu vẫn đòi phá đi xây mới ở góc vườn cho bằng được. Và đương nhiên yêu cầu xây mới đi kèm một cục tiền.

Hồi đó, ông Nhẫn khinh bỉ ông bà Hạnh, ông bà Nhu vô cùng, vì mới đây còn căm phẫn những kẻ lừa bán con mình, thương con bất hạnh lấy người mình chẳng quen biết yêu thương, lại còn phải làm công cả đời cho nhà chồng, thì nay, mới chỉ tí tiền đã quên hết. Đúng là vết thương vừa lành đã quên phắt cơn đau. Ai mà biết được, đằng sau cục tiền biếu bố mẹ xây nhà bếp và chuồng cầu mới ấy, cái Hạnh, cái Nhu lại không khổ sở cho cả nhà chồng ấy chứ.

Ông Nhẫn biết rằng có những cô dâu Việt phải làm vợ cho cả anh em trai nhà chồng, nên nhìn đám em chồng của Nhẫn, những đứa trai mười sáu, mười bảy mắt lạnh như dao nhìn ông chòng chọc, ông đã đau đến cắt từng khúc ruột. Con gái ông phải được trở về nhà. Giấy báo trúng tuyển đại học Công đoàn của nó vẫn còn nằm mới nguyên trong hộp. Nó đã phải bỏ lại ước mơ và cuộc đời mình chỉ vì nhẹ dạ nghe lời bà cô đi lễ cầu may.

Năm sau, vào lúc cây phù dung trước ngõ trổ hoa, ông Nhẫn lại qua biên giới thăm con. Ông gặp con gái ngoài nương ngô, bụng nó lại căng phồng đợi ngày sinh nở. Nén thở dài, ông ngồi bệt trên đám cỏ phủ đầy bụi đất. Con gái ông sắp hai con, tàn tạ hơn năm trước ông gặp. Nếu còn ở nhà, nó vẫn đang là sinh viên đại học, đường đời đang thênh thang rộng mở.

Tìm được con là may mắn lắm rồi, thấy nó vẫn còn sống còn may mắn hơn. Nhiều người mất con, biết con bị bán đi mà không thể nào tìm được tung tích. Con gái ông an ủi bố như thế. Nó lại hẹn khi nào con nó lớn nó sẽ đưa con về thăm ông, rồi tìm cách bỏ chồng.

Con gái ông có thể bỏ chồng, bỏ cái thằng mắt lạnh và đám em trai mắt lạnh cùng ngôi nhà chất đầy ngô của chúng. Nếu còn ở đó, nó sẽ mất vĩnh viễn tuổi xuân trong tăm tối.

Năm nào ông Nhẫn cũng bảo vợ chuẩn bị tiền chuộc con để ông mang sang bên kia biên giới. Bà Nhẫn sắp hết kiên nhẫn rồi, vì rằng cô Nhẫn đâu phải con bà dứt ruột sinh ra. Tiền bạc ông bà còn phải lo cho những đứa con khác chứ. Lại nữa, vì chính Nhẫn không thật sự muốn về nhà. Nếu muốn, nó có thể tìm cách bỏ trốn, ông bà chẳng mất đồng nào, vì rằng nhà chồng nó có khi nào biết gia đình ông bà ở đâu mà tìm.

Năm nay, những bông phù dung đầu tiên chúm nụ, ông Nhẫn lại khăn gói lên biên giới tìm con. Cả làng ông trồng lúa, ngô, khoai, đậu, và loài hoa duy nhất họ trồng chính là phù dung. Nhà nào cũng có một hai cây phù dung trước ngõ, vừa để làm cảnh, vừa làm thuốc chữa những bệnh vặt.

Lần này ông quyết tâm đón con trở về. Bảy năm rồi, nó đã là mẹ của ba đứa con. Nó đã già cỗi, hốc hác hơn những đứa cùng độ tuổi rất nhiều.

Nhà chồng Nhẫn có thêm một cô dâu mới, trẻ măng. Khác với con gái ông, cô dâu mới có vẻ được cả nhà cưng chiều. Nó ngồi trên bậc thềm, cố ý xòe những ngón tay có móng tô hồng, bóng nhẫy đang ve vuốt cái điện thoại thông minh như để khoe khoang với ông vậy.

Còn Nhẫn, con gái ông, nhìn sau lưng ông cứ ngỡ mụ mẹ chồng của nó. Nó già xọm, má sạm, tóc xơ. Căn buồng của nó cuối nhà, tối om và hôi nồng nặc mùi nước tiểu. Nó mới sinh đứa con thứ tư vừa tròn tháng. Thằng cháu ngoại ông bế trên tay, khuôn mặt nó ông chỉ thấy qua thứ ánh sáng mờ mờ len qua ô cửa nhỏ. Phút giây thằng bé khóc ngằn ngặt, một nỗi ấm ức từ bao nhiêu năm dồn lên, quặn thắt lồng ngực ông. Chỉ vì đứa trẻ này, con đường về nhà của con gái ông sẽ kéo dài, xa mãi.

Những ngón tay khô khốc, đau khổ của ông lần trên khuôn mặt non nớt của thằng bé. Tiếng thằng bé khóc bị tiếng cười của cô dâu mới át mất. Cô dâu mới nhà thông gia đang cùng hai cậu em chồng mắt lạnh chừng mười lăm, mười sáu tuổi cắm mặt vào cái điện thoại thông minh, vật dụng đắt đỏ, xa xỉ nhất trong nhà…

…Những nương ngô của nhà chồng Nhẫn đang trổ vàng xác lá trên khắp các sườn đồi. Để có mầu vàng mùa vụ ấy ấy, ông biết con gái ông đã đổ cả tuổi thanh xuân vào đó. Nhưng để làm gì? Một ngày vui ông chắc con gái ông cũng không có được. Về thôi con! Bỏ lại tất cả để trở về nhà mình. Ở đó con sẽ làm lại từ đầu!

Ông Nhẫn tìm được con gái đang bẻ ngô giữa trưa nắng, nắm lấy bàn tay nó kéo đi. Bàn tay nó chai cứng vì làm lụng vất vả. Cả một trời mênh mông mầu vàng xơ xác của ngô thế này sẽ không ai dễ tìm được cha con ông. Chỉ cần kiên nhẫn cha con ông sẽ về được quê nhà.

Bàn chân cô Nhẫn ríu lại khi bị cha kéo đi. Nhưng chỉ vài chục mét, một cái gì đó lớn lao, tươi mới trỗi dậy trong lòng. Cô rảo bước nhanh hơn theo cha trên con đường núi heo hút ban trưa. Và rồi bất thình lình, cô vụt chạy. Cô ào về phía trước. Về phía quê nhà cô đã lưu lạc bảy năm trời. Lòng tràn ngập một nỗi sợ hãi cùng phấn khích, ông Nhẫn co chân chạy theo con gái. Phải rồi. Bỏ chạy. Bỏ chạy khỏi nơi mà cả cha con ông đều chưa từng muốn đến. Chỉ cần vượt qua đỉnh dốc kia là ngôi làng nhà chồng của Nhẫn sẽ khuất khỏi tầm mắt. Nhẫn sẽ không còn vấn vương để quay lại.

Nhưng mới ở lưng chừng dốc, ông Nhẫn thấy con gái đang đứng lặng trên đỉnh dốc. Cô Nhẫn đang hướng đôi mắt nâu xa vợi về phía ngôi làng mà cô đã chôn vùi tương lai bảy năm. Ở đó, không có người chồng cô yêu thương, nhưng có bốn đứa con mà cô đã sinh ra.

“Con không về được bố ơi! Con trai con nó đang khóc”.

Làm gì có tiếng trẻ con nào khóc. Chỉ có tiếng gió tuốt qua những nương ngô ào ạt.

Cô Nhẫn lật đật xuôi dốc, né qua ông rồi òa khóc. Xuống đến lưng chừng dốc, cô dừng lại nhìn ông như thể lần cuối cùng.

Bóng cô Nhẫn chìm khuất sau những vạt ngô xơ xác lá. Ngôi làng của nhà thông gia đang chìm dần vào một màn sương mỏng. Ông Nhẫn ngồi bệt xuống thảm cỏ dưới bóng một cây vàng anh trên đỉnh dốc. Ông cứ tưởng sẽ đưa được con gái trở về. Thằng cháu ngoại thứ tư đã được ông dỗ ngủ ngon bên cạnh túi tiền ông đã cố ý để lại chuộc mẹ nó. Mùa phù dung nở của năm sau ông sẽ trở lại với số tiền ông chắt chiu trong suốt một năm trời làm lụng...