Dịu dàng của đất

Năm mươi năm trước ông bà tôi rời đồng bằng lên miền núi sinh sống. Ông tôi bảo đồng bằng cò bay thẳng cánh, đất đai tươi mịn phù sa, nhưng người đã quá đông, không thể cứ trông chờ vào sự dịu dàng tốt tươi ở đó mãi được, phải tìm một miền đất mới.

Dịu dàng của đất

Miền đất khác của ông bà tôi là miền đất lạ lùng. Đất vàng tươi, tơi xốp, chỉ cần dùng xẻng gợt nhẹ là thành hố, thành rãnh, nhưng hễ khi trời mưa xuống thì hỡi ôi, đất như tan ra thành nước, chảy tuôn xối xả. Sau mỗi cơn mưa, đường làng ngập ứ trong sình đất từ trên những ngọn đồi đổ xuống. Còn ở những chân ruộng ven suối, cứ sau mỗi vụ lũ qua, là cả một khoảng mênh mông đất mềm phủ kín bởi đá cuội. Không biết đá cuội ở đâu mà nhiều đến thế, toàn những viên to bằng đầu gối. Mùa lũ, chúng cứ theo nước rùng rùng tiến về phủ kín ruộng. Để có ruộng trồng cấy, người làng lại phải mất bao công nhặt đá ném trả lại dòng suối. Ngược lại, cũng trên miền đất ấy, chỉ cách mấy quả đồi, là đất như nèn chặt vào với đá. Mỗi nhát cuốc bổ xuống là một phen tóe lửa. Không biết bao nhiêu đời cuốc bướm, cuốc chim, xà-beng đã chết vì mẻ cùn, quăn lưỡi, để một ngày kia những đồi mai, mận, mơ trổ hoa trắng cả mùa đông, quả chua giòn ngọt thơm cả mùa hạ.

Ông bà tôi và con cháu đã say miền đất mới, dẫu miền đất ấy không thơm hương phù sa, không ướp đượm tiếng chuông nhà thờ hay chuông chùa thư thả. Để nhớ quê cũ, ông bà tôi chỉ dùng nồi đất, niêu đất để nấu nướng. Nồi đất nấu cơm, kho cá, nấu canh, đun thuốc, tất cả đều đượm trong cái bỏng rẫy của củi lửa miền rừng. Nồi niêu đất hay vỡ, nhưng cũng chẳng sao, vì phiên chợ nào cũng có hàng nồi đất từ tận dưới xuôi lặn lội mang vác lên chợ núi để bán cho dân khai hoang.

Đất mới mênh mông đồi này gò nọ, trước đây là thánh địa của sim mua, được những người làm kinh tế mới trồng nào nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, bưởi Đoan Hùng, mít Tố Nữ. Nhưng hỡi ôi. Chẳng biết tại làm sao mà nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà thơm ngon nức tiếng là thế, mà ở xứ này lại chua loen loét hoặc nhàn nhạt cùi mỏng hạt dày. Ban đầu là giận dữ, sau bình tâm, ông tôi bảo hẳn là đất Hưng Yên, Hải Dương, quê hương chính gốc của những loài quả này có chứa những khoáng chất nào đó đặc biệt mà đất vùng đồi này không có được.

Sau này có ông nhà văn bảo tôi, sở dĩ cây trái đồng bằng đặc biệt là bởi chúng được hưởng hương của phù sa cổ. Phù sa cổ, thứ phù sa được bồi đắp từ những dòng sông cổ, mà ngày nay đã thành biển lúa nương dâu, hay đã đổi dòng, và vẫn đang đắp bồi phù sa mới, để nghìn năm sau chúng lại là phù sa cổ. Mỗi miền đất đều có những điều đặc biệt dành cho cây trái, chỉ là con người có vô tình, hay tận tâm khai phá mới nhận ra được hay không mà thôi.

Trước ngày bà tôi về cõi ngàn thu, tôi lặng lẽ ra chợ phiên tìm mua tặng bà một cái nồi đất để nấu thuốc. Hỏi chán hỏi chê, cuối cùng tôi cũng tìm được một hàng bày bán chỉ… hai chiếc. Một chiếc đã mẻ một miếng, một chiếc mất đâu cái nắp. Mang chiếc nồi đất có cái nắp khập khiễng ấy về nhà, ngâm trong nước để nó ngậm đủ nước mà bền lâu, tôi nghe trong những sủi tăm tiếng thì thầm rất dịu dàng của đất, về thuở nghìn xưa, thuở chẳng còn ai nhớ được…