Định kiến

Bà Hoa hoan hỉ:

- Cuối cùng con Nhài cũng tìm được hạnh phúc. Nghe đâu nhà chú rể ở trên phố tử tế lắm. Cũng phải thôi, nó xinh xắn ngoan ngoãn, lại có công ăn việc làm tử tế thì thiếu gì đám.

Minh họa: NGÔ XUÂN KHÔI
Minh họa: NGÔ XUÂN KHÔI

- Gớm gò má nhô cao che hết cả hai con mắt. Cái ngữ ấy mà cưới về thì chỉ vài ba hôm không sát chồng thì cũng hại chết con. Rồi bà sẽ thấy, còn bà còn tôi, xem chồng nó sống được bao lâu. Bà Lành đáp lại lời bà Hoa.

- Bà nói độc địa thế. Tôi thấy con bé ấy chỉ bị mỗi cái gò má cao, chứ nét nào ra nét ấy, dáng người dong dỏng, nụ cười duyên. Ở xóm này, nó là đứa tốt bụng nhất. Từ già đến trẻ ai cũng bảo nó tử tế. Cũng tội, chỉ vì cái gò má ấy mà con bé lận đận đường tình duyên. Nhưng trời có mắt cả, tôi mừng cho con bé.

Thành đứng trong nhà, ngay sát bậu cửa nghe rõ mồn một cuộc nói chuyện giữa mẹ và bà Hoa, anh khẽ nén tiếng thở dài lẳng lặng bước vào gian trong. Ngực anh đau thắt. Tiếc nuối, đau khổ đan xen như nghìn mũi kim đâm vào dạ dày, bóp nghẹt hơi thở. Anh mất Nhài thật rồi. Những hy vọng mỏng manh cuối cùng đã tắt. Biết trách ai bây giờ? Anh quá nhu nhược nên không bảo vệ được Nhài trước những lời cay độc của mẹ.

*

Thành và Nhài là bạn từ thuở nhỏ, cùng lớn lên ở trong xóm. Nhà hai đứa đều nghèo như nhau, chỉ khác ở hoàn cảnh gia đình. Nhài mồ côi cha mẹ từ khi lên hai, sống cùng bà nội trong khi Thành còn gia đình đầy đủ. Do hoàn cảnh khác biệt nên Nhài mạnh mẽ bao nhiêu thì Thành lại nhút nhát bấy nhiêu. Từ nhỏ, Nhài luôn bảo vệ Thành khi bị chúng bạn bắt nạt. Lẽ đương nhiên họ thành một đôi.

Ra trường, Nhài ở lại thành  phố làm kế toán cho một công ty liên doanh, còn Thành trở thành thầy giáo. Ở thời buổi tìm được công ăn việc làm ổn định với mức lương như Nhài khó như tìm vàng trên núi, ấy thế mà Nhài lại thành công. Đám trẻ và cả người lớn trong làng luôn lấy Nhài ra làm tấm gương vượt khó. Chỉ bà Lành là nghĩ khác:

- Cái loại con gái mặt quắt như mo cau, gò má cao như mả tổ ấy là tướng sát phu, mày thấy nó sát cha mẹ từ lúc lọt lòng mà chưa sáng mắt hay sao mà còn đâm đầu vào đấy. Rước nó về mà rồi thành ma sớm đấy con ạ.

Lần đầu nghe mẹ nói thế, Thành im lặng. Thời buổi hiện đại mà mẹ còn tin vào ba cái chuyện tướng số, thật vớ vẩn. Anh tự nhủ, đợi thêm một vài năm khi kinh tế hai đứa ổn định hơn, có nhà, có xe sẽ khiến mẹ đổi ý. Ngoài chuyện gò má cao, anh không thấy mẹ chê trách Nhài điều gì khác.

Nhưng ở quê, mồ côi đôi khi là một cái tội. Người ta tìm mọi nguyên nhân để đổ tội cho người còn sống về sự ra đi đột ngột của những người còn trẻ. Bố mẹ của Nhài mất sau một tai nạn giao thông, nghiễm nhiên cô chính là nguyên nhân sát phụ mẫu. Lúc còn nhỏ người ta không nói trực tiếp với cô, nhưng đến tuổi lập gia đình, những nhà còn đầy đủ cha mẹ, họ sợ cô như sợ con ma rừng. Ai biết ngày nào đó cô sát cả bố mẹ chồng thì sao. Bà nội của Nhài hay lên chùa cùng bà Lành, thỉnh thoảng  nghe được câu chuyện giữa những người phụ nữ thế hệ sau bà nhưng suy nghĩ còn cổ hủ hơn cả bà. Nhiều lần bà khuyên Nhài suy nghĩ kỹ chuyện với Thành trước khi quyết định vì bà sợ cô khổ. Nhưng Nhài vốn mạnh mẽ, cô tin mình sẽ hạnh phúc, rằng chuyện cô lấy Thành sẽ là bằng chứng tốt nhất để xóa bỏ định kiến với thân phận của người phụ nữ ở làng quê.

Gần 5 năm chờ đợi, Thành vẫn không lay chuyển được mẹ. Ngày Thành và Nhài quỳ xuống trước mặt bà Lành cầu xin bà đổi ý, bà Lành chỉ ngồi quay lưng về phía hai đứa:

- Mày chọn đi, hoặc là tao và bố mày, hoặc là con Nhài. Mày lấy nó thì ra khỏi nhà và đừng gọi chúng tao là bố mẹ. Chúng tao còn trẻ lắm, chưa muốn thành ma. Một đứa mồ côi chưa đủ hay sao mà chúng mày còn muốn cả đôi. 

Nhài quỳ bên cạnh anh, chờ đợi câu trả lời rõ ràng của anh. Giá lúc đó anh mạnh mẽ đứng lên cầm tay Nhài bước ra khỏi nhà thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Đằng này khi nghe những lời cay độc của mẹ, Thành chỉ biết khóc lóc van xin mẹ.

Đám cưới của Nhài không rình rang, tính cô luôn khiêm tốn. Dẫu thế, người làng hoan hỉ cho cô. Cuối cùng con bé mồ côi, nhà nghèo nhất xóm lại là đứa trưởng thành và hạnh phúc nhất. Một tuần trước ngày rước dâu, Nhài chủ động mời Thành ra quán cà-phê đầu xóm nói chuyện. Cô chọn chiếc bàn vừa đủ khuất người qua lại, vừa đủ sáng để họ nhìn rõ mặt nhau. Nhài vẫn tế nhị và dịu dàng:

- Anh Thành hãy buông bỏ mọi dằn vặt đi. Chuyện mình không thành là do duyên số. Em không tiếc những năm tháng tuổi trẻ chờ đợi anh, em cũng đã rất hạnh phúc khi yêu anh. Tất cả chỉ tại những định kiến xã hội khiến thân phận người phụ nữ trở lên đau khổ. Nhài ngước mắt nhìn anh một cách tự tin và thanh thản. Anh thấy đấy, bây giờ em sống rất tốt và em chỉ mong anh cũng sẽ hạnh phúc. Chỉ có như thế chúng ta mới xóa đi được những định kiến hà khắc...

Nhài vẫn nhìn sâu vào mắt Thành khiến anh bối rối và xấu hổ.

*

Buổi sáng ngày rước dâu, bà Hoa mặc áo dài nhung, tô son và đánh một lớp phấn, hoan hỉ sang rủ bà Lành đi đám cưới. Ở quê, có mấy khi các bà các mẹ được mặc áo dài ngoài dịp đám cưới hay đám hỏi. Nhưng bây giờ đám cưới, đám hỏi càng ngày càng hiếm, lũ trẻ đi làm trên thành phố rồi cưới nhau trên đó và chỉ làm lễ ra mắt ở quê, thành ra mọi người càng hiếm có dịp được mặc đẹp. 

Như mọi khi, bà Lành sẽ là người đầu tiên mặc áo dài ra khỏi nhà, hôm nay bà lấy cớ bị ốm và từ chối lời rủ đi cùng của bà Hoa. Ông Chiến, bố Thành thở dài nhìn vợ:

- Bà chưa già mà thành kiến quá khiến con cái khổ lây. Bà cứ như thế này thì thằng Thành đến bao giờ mới được hạnh phúc. Lẽ ra cùng phận phụ nữ, bà phải biết bao dung cho nỗi khổ đàn bà, đằng này...

Ông Chiến bỏ lửng câu nói, để mặc bà Lành nằm co quắp trong nhà, mặc quần áo sang mừng đám cưới. 

Câu nói của chồng trước khi ra khỏi nhà khiến bà Lành như tỉnh giấc u mê. Bà đã quá định kiến. Bà đã quá sĩ diện trước những lời nói của đám đàn bà cổ hủ trong làng mà không nhìn ra đức tính tốt đẹp của người khác. Mấy năm qua mỗi lần nhìn thằng Thành đi về lầm lũi như cái bóng, tim gan bà thắt lại. Bà thấy có lỗi với con, với cái Nhài nhưng chưa bao giờ bà đủ can đảm để nói lời xin lỗi bọn chúng, cũng chỉ tại bà nghĩ mình là mẹ. Là mẹ thì luôn đúng vì sau cùng có người mẹ nào lại không mưu cầu hạnh phúc cho con. Nhưng hỡi ôi, định kiến khiến bà trở lên u mê, biến bà thành kẻ độc miệng. 

Bất chợt bà ngồi dậy, mặc vào chiếc áo dài vội vã đi sang nhà cô dâu.

Nhài vừa trang điểm xong, còn gần một giờ nữa là hôn lễ sẽ được cử hành. Bà Lành rón rén đến bên cửa phòng cô dâu ngó nghiêng. Nhài ngồi một mình, cô mân mê chiếc voan trắng ngần phủ trên mái tóc đen mượt, bà Lành bước vào:

- Bác có thể vào một lúc không?

Nhài ngước mắt lên nhìn bà Lành vừa ngạc nhiên vừa do dự, cô lo sợ bà sẽ nói ra những lời cay độc vào ngày hạnh phúc nhất của cô. Nhưng sự thánh thiện trong con người Nhài lại khiến cô mỉm cười mời bà ngồi. Sau vài phút vòng vo, bà Lành cúi xuống cầm đôi bàn tay của Nhài:

- Con hãy tha lỗi cho bác vì những định kiến áp đặt lên con bấy lâu nay. Vì những điều đó mà bác trở thành người mẹ độc ác phá hoại hạnh phúc của con cái. Hãy tha lỗi cho bác!

Nhài lặng im nghe bà Lành nói, cô nhẹ nhàng đưa tay lên lau từng giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của bà Lành. Cuối cùng cô cũng có được một cái kết có hậu, xóa bỏ đi được định kiến về người phụ nữ và tha thứ cho những lời nói cay độc mà người đời dành cho cô. 

Từ ngoài sân nhìn qua khung cửa sổ phòng cô dâu, Thành thấy bóng Nhài ngả đầu vào vai bà Lành, bất giác cảm giác ân hận giày vò anh được buông bỏ, Nhài đã đúng khi nói với anh rằng, con người chỉ hạnh phúc khi có lòng bao dung.