Điều ước của hồng hạc

Khoa ngồi bên song cửa, thò hai chân ra ngoài, lơ đãng nhìn dòng người ngược xuôi lướt qua trước mắt mình.

Minh họa: ĐOÀN XUÂN TẶNG
Minh họa: ĐOÀN XUÂN TẶNG

Khách lữ hành không ai đoái hoài gì đến cậu. Những người thường xuyên đi ngang con hẻm này đã quá quen hình ảnh cậu bé sáng nào cũng tựa cằm lên cửa nhìn mông lung. Từ sau cơn sốt cao lúc năm tuổi, Khoa trở nên khù khờ, chậm chạp và mất hẳn tiếng nói. Mẹ cậu tốn rất nhiều tiền bạc chữa trị cho con trai nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

Ba của Khoa có một công ty bất động sản ở bên Sing, nên ông ra nước ngoài làm ăn liên tục. Một, hai năm mới về thăm nhà một lần. Nhiều lúc nhớ con trai, ông chỉ biết ngắm con qua những bức hình mẹ cậu gửi sang. Nghe đồn ba có người tình mới, mẹ vội vàng gửi Khoa về ngoại rồi bay sang. Qua đó mới biết không như những gì đã nghĩ. Việc kinh doanh của ba Khoa ngày càng xuống dốc. Mẹ giúp ba gây dựng lại. Một đường dây từ nơi sản xuất trong nước đến các chi nhánh được hình thành. Việc kinh doanh dần ổn định. Đứa con thứ hai sắp chào đời. Mẹ gửi rất nhiều tiền sinh hoạt cho bà ngoại để nuôi Khoa.

Bà ngoại của Khoa thường xuyên vắng nhà. Bà lên chùa niệm Phật. Việc ăn uống hằng ngày của Khoa, bà đành đặt quán cơm đầu phố. Mặc dù bà đã kê một cái đi-văng ngay sát cửa sổ để cho Khoa vừa nằm vừa ngắm cảnh vật ngoài hẻm. Nhưng Khoa vẫn cứ thích ngồi thò chân ra vỉa hè.

*

Một trưa nắng, có cô bé bán vé số, đầu đội chiếc nón vải rách tả tơi, đi dọc vỉa hè ngó quanh rồi ngồi ngay dưới ô cửa sổ nhà Khoa. Cậu thò tay ra giựt tóc cô bé, hếch mặt như muốn hỏi sao-lại-ngồi-ở-đây? Cô bé ngước lên, khuôn mặt đỏ bừng vì nắng, mồ hôi nhễ nhại hai bên thái dương. Những lọn tóc mái vàng hoe thấm ướt mồ hôi dính bết vào nhau. Cô bé chỉ xuống dưới bàn chân đang phồng rộp cả lên, trong đó có một ngón bị sứt móng, máu chảy nhiều, đầu gối cũng trầy xước, nhăn trán nói: “Lúc nãy em tránh một chiếc xe chạy ẩu nên mới bị ngã, anh cho em ngồi một lát, khi nào bớt đau em đi ngay”.

Khoa ngây người rồi chạy đi. Cô bé mải rên rỉ, giật mình quay lại khi Khoa kéo chiếc nón vải rách. Cậu đưa cô hộp dụng cụ y tế ra hiệu cho cô băng lại kẻo bị nhiễm trùng. Vừa băng vết thương, cô bé liến thoắng kể. “Em tên Hiên, nhà ở ven biển, xa lắm. Mọi người trong làng đều đánh cá. Mùa bão năm ngoái, nhiều thuyền bị đắm, người mất tích rất đông, trong đó có ba em…”. Hiên đưa tay quệt ngang mũi, kể tiếp: “Nhà có bốn chị em, mỗi đứa cách nhau một tuổi. Kể từ ngày ba ra đi, mẹ em ngã bệnh hoài à. Bà con hàng xóm cũng khổ, làm sao giúp được. Em là chị cả trong gia đình, được người quen dẫn lên thành phố bán vé số, được bao nhiêu đều gửi về hết cho mẹ”.

Khoa gật đầu liên tục, ra vẻ hiểu chuyện. Cậu ngậm ngùi, khịt mũi hai lần. Hiên hỏi tiếp: “Anh tên gì, sao anh cứ ở trong nhà hoài vậy? Con hẻm này em đi mòn chân rồi, sáng nào cũng thấy anh ngồi ở đây. À, em biết rồi, anh nghịch quá nên bị ba mẹ nhốt lại, không cho ra ngoài chứ gì?”.

“…”, Khoa chớp đôi hàng mi.

- Anh học lớp mấy rồi, em cũng muốn đến trường lắm mà có được đâu, Hiên ngậm ngùi.
“…”, tay Khoa nắm chặt song cửa.
Hiên có hỏi thế nào, Khoa cũng không trả lời dù chỉ nửa câu. Vì cô đâu có biết nỗi bất hạnh của cậu.

- Thôi em đi nhé, phải bán cho xong xấp vé số này.

Hiên bước đi tập tễnh, kéo chiếc mũ sát xuống tận mắt mà vẫn không che được những tia nắng bỏng rát. Đi được một đoạn, Hiên khập khiễng quay lại, mang theo những quả bàng. Hiên đặt từng trái bàng lên bệ cửa sổ, xếp thành một hàng dài rồi chỉ tay xuống đất: “Anh cho em ngồi nghỉ thêm một lát nữa nhé, chân em vẫn còn đau đi không nổi”. Trên vỉa hè có mấy viên gạch, Hiên xếp lại ngồi lên trên.

Khoa lại kéo tóc Hiên, cậu luồn tay qua song sắt đưa cho cô bé chiếc ghế nhựa con, hất đầu ra ý bảo Hiên ngồi. Một cậu bé bên trong, một cô bé bên ngoài, ai làm việc nấy. Thỉnh thoảng Hiên quay lại kể vài mẩu chuyện vui mà em nghe được.

*

Đã hơn tám giờ, ngoại vẫn chưa dậy. Chưa bao giờ Khoa thấy bà dậy trễ thế này. Tối qua cậu còn thấy bà ngủ mà không buông màn. Cậu vào giường lay ngoại. Bà uể oải ngồi dậy, nói với Khoa: “Sáng rồi sao?”.

Bà để tay lên ngực, ho vài tiếng rồi ngã người xuống giường. Trán bà nóng rực. Khoa hoảng sợ, khóc toáng lên. Cậu gào đến khản cả giọng, ngoại vẫn nhắm nghiền hai mắt. Ngoài cửa tiếng của Hiên ríu rít, trên tay cầm một củ khoai nướng nóng hổi: “Anh Khoa, anh dậy chưa? Hôm nay anh dậy muộn thế, em đến nãy giờ rồi nhưng không dám gọi. Em định bán xong rồi tới đưa cho anh nhưng sợ khoai nguội mất”.

Khoa bước ra nhận củ khoai rồi bỏ xuống phản. Hiên sắp sửa quay lưng thì cậu kéo tay cô bé lại, ra hiệu đừng đi. Cậu lấy chìa khóa mở cửa, chạy ra ngoài nắm tay Hiên vào nhà. Nhưng cô bé chần chừ. “Em… không vào đâu”.

Khoa chỉ tay vào phòng, chỗ bà ngoại đang nằm. Hiên nhón gót ngó dáo dác một hồi rồi miễn cưỡng bước vào. Tới cạnh giường, cậu đặt tay Hiên lên trán bà. Hiên giật thót người: “Ngoại anh bị ốm rồi. Cả người bà nóng như lửa ấy. Mà anh đã cho ngoại uống thuốc gì chưa?”.

Khoa lắc đầu. Hiên nói như ra lệnh: “Anh đi lấy một chiếc khăn nhúng nước rồi đem vào đây, để em đắp lên trán bà. Ở nhà khi chị em em ốm, mẹ vẫn thường làm vậy”.

Hiên làm đúng như những gì mà mẹ cô bé từng làm trước đây nhưng ngoại của Khoa vẫn chưa hết cơn sốt. Thấy bà nói sảng, Hiên quay người hỏi Khoa: “Anh có bà con gì ở gần đây không?”.

Khoa lại chạy ra ngoài, cầm quyển sổ ngoại ghi những số máy quan trọng, đưa cho Hiên. Hiên lật lật vài trang, lắc lắc: “Nhà anh quen nhiều người thế, biết gọi cho ai bây giờ. Mà em học ít nên đọc chậm lắm”. Chợt Hiên reo lên: “Chúng ta gọi cho xe cứu thương đi!”.

Bà ngoại được đưa vào bệnh viện, các bác sĩ truyền nước biển cho ngoại và nói thêm cần cả tuần nữa mới hồi phục. Nhưng trước tiên là phải nộp viện phí, mua thuốc điều trị. Khoa không biết ngoại cất tiền ở đâu. Số tiền mà cậu tìm được trong nhà không đủ. 

- Thôi, em sẽ cho anh mượn, khi nào ngoại anh khỏe lại, trả em sau cũng được, Hiên nói.

Ngoại Khoa nằm viện được hai hôm thì tỉnh, song cơn sốt vẫn chưa dứt hẳn vì thể trạng bà yếu quá, muốn ngồi dậy phải có người đỡ. Hiên mở hộp đựng thức ăn, múc ra một chén cháo nhỏ, đưa cho ngoại. Bà nhìn Khoa ý muốn hỏi Hiên là ai. Cậu ra dấu bảo ngoại ăn xong rồi cháu sẽ nói. 

Nghe rõ ngọn ngành câu chuyện mà người kể là Hiên, ngoại khẽ quay mặt đi, rơm rớm nước mắt.

Thời gian này, ngoài những lúc vào viện thăm ngoại, Khoa theo chân Hiên đi bán vé số. Dần dần, cậu thuộc lòng các tuyến đường xe buýt, những ngõ ngách, những lối đi tắt trong thành phố cậu đều bước qua. Nhưng dù có đi xa thế nào, Hiên cũng tính đường về sao cho phù hợp với quãng đường đi, một mốc thời gian cố định. Buổi chiều thanh toán cho đại lý vé số xong, Hiên theo chân Khoa về nhà cậu.

Công việc bán vé số bắt buộc phải giao tiếp với rất nhiều người. Khoa lanh lợi hẳn ra, vẻ mặt ngố đần dần biến mất. Hiên nói cho cậu biết giá trị của từng loại đồng tiền. Cậu phần nào hiểu được cách chi tiêu trong cuộc sống sinh hoạt thường nhật sao cho hợp lý. Cậu chăm chỉ học theo sự hướng dẫn của Hiên. Mỗi khi thấy cậu nản chí, cô lại bày cho cậu cách xếp hạc giấy từ những tờ vé số bỏ đi.

Hiên nói với Khoa, giọng ngây thơ. “Mẹ em nói nếu gấp đủ một nghìn con chim hồng hạc thì sẽ được một điều ước. Chúng ta cùng gấp đi, khi nào đủ một nghìn thì thả đi, cầu mong cho ngoại anh mau khỏe lại”.

Khoa mở tròn đôi mắt, dùng những cử chỉ thành câu hỏi: “Một nghìn là bao nhiêu?”.

Hiên từ tốn giải thích. Cô bé lấy mười tờ vé số để riêng ra rồi lấy dây thun buộc lại. Hiên giơ lên, vẫy vẫy. “Một trăm lần của cái này sẽ thành một nghìn”. Cứ thế Hiên lặp đi lặp lại, vừa làm vừa đếm thật to. Khoa quan sát thật kỹ, môi mấp máy.

Hiên mua thêm giấy mầu rồi cùng Khoa xếp hạc ngày này qua ngày khác, kệ mưa nắng. Vỏ hộp thùng caton dần đầy những con hạc giấy. Mỗi khi xếp xong một trăm con, bao giờ Hiên cũng cùng Khoa đếm lại. Con hạc giấy cuối cùng hoàn tất, Hiên đổ hết ra phản kiểm tra lại một lần nữa, xếp lại những con không được đẹp. Hai đứa xếp bầy hạc thành từng hàng, Hiên chỉ tay vào từng con dõng dạc đếm: một, hai, ba… đến con thứ một nghìn, cô bé thở phào nhẹ nhõm.

Chiêm ngưỡng bầy hạc xinh xắn, đủ mầu sắc được xếp ngay ngắn trên phản, Hiên cười mãn nguyện: “Cuối cùng cũng làm xong. Chiều mai anh với em cùng nguyện ước rồi thả chúng ở bờ sông nhé!”.

Khoa gục gặc đầu, cười tít cả mắt.

*

Mùi hương hoa thạch thảo vương trên áo hai đứa nhỏ. Tiếng chim vàng anh hót líu lo trên cành cùng cơn gió khẽ lướt qua hàng liễu mờ khói xanh. Mặt sông yên ắng. Có cánh nhạn chợt vút bay lên trời cao. Ánh chiều lưỡng lự chẳng muốn lặn về tây.

Hiên cởi túi nylon, thì thầm điều gì đó rồi nhón từng chùm hạc giấy thả xuống. Khoa cũng làm theo. Những cánh hạc tản xuống mặt nước theo hướng gió, êm nhẹ, rực rỡ sắc mầu. Hai đứa ước cho bà ngoại của Khoa chóng bình phục. Khoa ước cho ba mẹ về với mình, mãi mãi bên nhau và ước cho Hiên được sống đủ đầy.