Đi qua ngày nắng hạn...

Nắng bắt đầu đổ xuống đồng. Thời tiết trở nên thật khó chịu, đám trẻ con trong xóm cũng không thèm tụ tập nhau chơi mấy trò dang nắng. Người già trong xóm ngồi trước hiên nhà thở hắt, nheo mắt nhìn về phía cánh đồng. Sức nóng của mặt trời khiến con người ta dường như teo tóp hơn ngay cả ở nụ cười.

Đi qua ngày nắng hạn...

Miền Tây gồng mình chịu hạn, việc mất mùa là điều không thể tránh khỏi. Sau những lần cố bơm nước ngọt cứu cây trồng, ba tôi cũng đành nhìn cây trái quanh nhà úa tàn đi vì nắng hạn. Nước để con người sinh hoạt còn thiếu, huống chi phục vụ cho việc tưới tiêu.

Đám trẻ con quê tôi, dường như cũng đã quen với những ngày nắng hạn. Thỉnh thoảng chúng tôi lại rủ nhau ra vườn mắc võng đung đưa để tránh nắng. Tôi thấy tự hào vì mình được ở quê, có cả một khu vườn um tùm cây trái. Nằm dưới bóng mát của những tán cây rộng lớn, nghe tiếng chim hót líu lo. Lòng thấy bình yên quá đỗi.

Ngày hạn kéo dài, người lớn cứ nhìn đâu cũng thấy buồn buồn. Cây lúa đã khô quắt lại, cánh đồng nứt nẻ cả ra mà chẳng đứa nào dám chạy đùa trên đấy, đó cũng là cách con người ta trân trọng cây lúa đã gồng hết mình với quê. Ba tôi hái ngoài vườn vài trái cây đèo đuột, tiếng thở dài mênh mông như cơn gió mùa bên song cửa. Má ngồi ngó mấy trái cây mà lắc đầu nguầy nguậy, cây trái đi qua những ngày nắng hạn như nhắc nhớ con người ta về một vụ mùa sum suê trĩu quả. Vun đất vào gốc cây, má vẫn hy vọng mùa sau, từ những chồi nào kia sẽ trổ ra thứ hoa quả mát lành để giấc mơ ai kia không bị dừng lại nửa chừng.

Ở quê vào mùa này, chúng tôi thường rủ nhau tát đìa bắt cá, những con cá trải qua mùa hạn kéo dài cũng teo tóp, đầu cá thường to hơn so với mình, phần thịt chẳng được bao nhiêu. Nhưng nó lại là một phần trong bữa cơm mùa hạn mặn, làm vơi đi biết bao nhiêu nỗi lo toan. Cuộc tát đìa bắt cá luôn làm chúng tôi lấm lem mặt mày, chắc vì vậy mà người ta thường gọi là đi “bắt hôi”. Tát hết đìa của nhà đứa này rồi lại sang đìa nhà đứa khác. Chúng tôi thường để cá vào một cái thau lớn, khi bắt xong lại chia đều cho nhau mà chẳng có cuộc cãi vã nào diễn ra. Chắc có lẽ những điều nhỏ nhoi đó đã luôn dạy chúng tôi cách sống nhường nhịn, hào sảng của người miền Tây chất phác.

Mùa hạn mặn diễn ra rất thất thường nên dù có chuẩn bị trước vẫn không thể nào chống chọi được với thiên nhiên khắc nghiệt. Và cho dù thiên nhiên có khắc nghiệt đến đâu, nó cũng không thể nào làm cho con người miền Tây bị đánh gục. Giữa mùa hạn mặn, người dân quê tôi vẫn tất bật dự tính cho mùa vụ mới, một lòng bám đất quê hương và tôi vẫn tin rằng đất nơi đây chưa từng phụ bỏ con người. Rồi cơn mưa sẽ lại về tưới mát xanh đồng cỏ, thấm vào từng rãnh đất khô cằn làm hồi sinh những giấc mơ còn dang dở.

Đi qua mùa mặn quê nhà, tôi càng yêu thêm tình đất, tình người nơi đây. Những đứa trẻ miền Tây rồi sẽ lớn lên, sẽ đi khắp bốn phương trời và chúng sẽ mang theo mùi mặn quê nhà đi suốt dọc đường đi. Trước hiên nhà, những đôi mắt ngóng chờ mưa, hiền lành lắm…