Đàn gà thời chiến

“Mười quả trứng tròn/Mẹ gà ấp ủ/Mười chú gà con/Hôm nay ra đủ/Lòng trắng lòng đỏ/Thành mỏ thành chân/Cái mỏ tí hon/Cái chân bé xíu/Lông vàng mát dịu…” .

Tiếng đọc bài của trẻ thơ từ lớp học trong đình vang qua sân nắng, bay ra ngõ làng rợp bóng tre xanh. Những đôi mắt trong veo, những cái miệng tròn chăm chú đọc theo nhịp thước của cô giáo. Còn khi ở nhà, các cô bé, cậu bé bỗng “nhớn lên” khi được làm chủ cả đàn gà mà bố mẹ giao cho. Tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến” được chuyển thành những việc làm cụ thể cho mọi người, mọi lứa tuổi. Ông bà, cha mẹ vừa sản xuất vừa chiến đấu dưới bom đạn. Học trò vẫn đội mũ rơm đi học, thi đua “Học tốt”, giữ “Vở sạch, chữ đẹp” và giúp gia đình. Những đôi tay như búp hoa đã biết chăm bón vườn rau, quét sân, nuôi gà.

Tôi của những ngày xửa xưa ấy, cũng được ông ngoại cho nuôi riêng một đàn gà. Ông làm một cái hầm nổi con con để mẹ gà ấp ủ gà con tránh mưa rét mùa đông. Chắc các bạn sẽ ngạc nhiên lắm! Gà cũng cần hầm như người ư? Sao không? Bùn ao trộn rơm, quện nhau dẻo quánh, đắp vào khung tre cao khoảng 70 cm, lưng hầm dựa vào tường chái bếp, cửa hầm nhỏ xinh đủ đàn gà vào “nhà” mình. Những khi trời rét buốt thon thót đến nỗi đầu ngón tay ngón chân đỏ bầm, sưng tấy lên, hay khi mưa gió sầm sập, đã có hầm cho gà mẹ dang cánh ấp ủ các con. Những đôi mắt to tròn như hạt nước ngó ra cửa hầm, chờ tôi mang ngô xay nhỏ như tấm đến. Xẩm tối, trước lúc ông cháu tôi lên đèn dầu ăn cơm, tôi phải đi cài cửa hầm thật chặt, phòng rắn bò vào cắn gà. Sáng mai thức dậy, trước khi đi học, tôi mở cửa cho mẹ con gà tung tăng ra sân, ra vườn. Chúng lóc nhóc chạy theo mẹ kiếm mồi. Đi học về, việc đầu tiên là chạy ào ra vườn, xem đàn gà đang ở góc vườn nào, gọi chúng về, tãi tấm ngô ra sân. Những cái mỏ xinh xinh mổ bộp, bộp… Yêu xiết bao khi đàn gà con vàng óng, phổng phao từng ngày, lông đuôi mọc vổng lên bé teo, rồi lông cánh nhú lên, dài ra, mầu nâu pha mầu vàng nhạt, úp lên lưng gà như hai cánh buồm nhỏ xinh.

Một ngày, ông ngoại cho đàn gà đã lớn bằng vốc tay đi ở riêng. Tôi buồn thiu, rơm rớm nước mắt. Ông dỗ dành: Con ngoan, rồi ông mua thêm vở, bút chì xanh đỏ cho con. Trưa ấy, ở chợ về, ông thưởng cho tôi kẹo trứng sáo, là món lũ trẻ thời ấy yêu thích. Sung sướng nhất là tôi được thêm chiếc bút chì xanh đỏ để tô mầu tranh. Nhưng tối ấy, cái hầm chỉ còn gà mẹ. Tôi nhìn mắt nó như có nước… Ông bảo: Con cho gà mẹ lên chuồng to ở chung với cả đàn, rồi nó lại sinh đàn khác cho con chăm. Nghe lời ông, tôi mong vài tháng nữa, gà mẹ đẻ trứng, ấp iu trứng nở và cho tôi đàn gà con xinh xắn vàng tơ kêu “liếp chiếp”, tôi sẽ lại có bạn gà đáng yêu.

Nhưng lứa sau, đàn gà con bị dịch cúm. Ông lặng lẽ cho chúng “hóa kiếp” dưới gốc cam giấy. Tôi òa khóc! Chỉ còn gà mẹ, lông xơ xác sau trận cúm. Đôi chân tòe ra, gà mẹ lặng lẽ đứng trước cửa hầm. Tôi vuốt lông nó, dịu dàng. Chắc nó nghe được lời tôi an ủi. Hết mùa dịch cúm, nắng hè lên tưng bừng, tôi nghe tiếng gà mẹ reo vui cục ta cục tác. Tiếng gà náo nức cả trưa vắng.