Con nuôi

Hôm thầy giáo Khanh chở Tài đến cùng ăn tối, thằng bé nhìn mặt mũi sáng sủa, lễ phép. Chị Tư nghĩ thầm, nếu thằng hai mà còn sống, chắc nó cũng lớn cỡ này rồi. Phải chi có nó, giờ hai cha con đã ngồi nói chuyện với nhau như hai người đàn ông, có nó, chị Tư cũng ngẩng mặt lên với nhà chồng khi có đủ cả nếp cả tẻ cho ông bà vui…

Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Đợi khách về, chị Tư chùi tay vô vạt áo đi lên nhà trên thì thấy anh Tư đang ngồi một mình nhấp ngụm trà. Chị hỏi: “Thằng bé khi nãy, con cái nhà ai vậy anh Tư?”. Anh Tư bỏ hẳn ly trà đặc sánh, giống với những lần bàn chuyện quan trọng với chị: “Tui cũng đang định nói với mình, chúng ta nhận nuôi thằng bé!”.

Người quen, họ hàng dù mong anh Tư có đứa con trai nối dõi nhưng không mấy vui vẻ gì khi nghe tin này. Họ nói ai lại đi nhận con ở cái tuổi trưởng thành như vậy. Nó biết gốc biết gác liệu nó có ở với mình trọn đời không. Họ còn nói nhà anh Tư giờ tiền bạc dư dả quá, ở hoàn cảnh như vậy khó tìm ra chân tình lắm.

Xóm nhỏ chỉ bằng lòng bàn tay nên chuyện lớn, chuyện bé gì cũng đến tai vợ chồng anh Tư. Anh bỏ mặc ngoài tai, nhưng anh không thể bỏ mặc khi đứa con gái của anh đang học cấp hai nội trú từ thành phố về, lên tiếng. Nó nói sao anh Tài lại chạy xe xịn hơn con, xài laptop đắt tiền hơn con, cả cái điện thoại con xin gãy lưỡi ba mẹ không cho, giờ anh Tài đang xài ngon lành…

Trong khi anh Tư tìm cách dỗ dành An thì chị Tư chẳng mấy quan tâm. Chị biết tính con An, nó vậy chứ ruột để ngoài da lắm, không có ý gì đâu. Chắc nó chỉ trách anh Tư nhận con nuôi mà không nhắn với nó cho nó biết. Tính An chị hiểu rõ mà, gì cũng được nhưng cần thương lượng với nó như một sự tôn trọng cần thiết, chứ lòng dạ nó rộng thênh thang lắm, đâu có hẹp hòi gì.

Ở tuổi của An, chuyện ganh tỵ cũng là bình thường. Mà chị Tư cũng tự nhận mình dành tình cảm nhiều cho thằng Tài. Cái thằng tội nghiệp hết sức, mẹ nấu gì cho ăn cũng khen ngon, bảo con chưa ăn món này bao giờ. Chị còn sắm sửa quần áo cho nó. Giờ quần áo rẻ rề, vậy mà nó còn mặc cái áo thun mỏng dính đã ngả sang mầu cháo lòng.

Từ ngày có thằng Tài, chị Tư hớn hở ra mặt, gặp ai cũng muốn giới thiệu đứa con trai. Chị còn bàn với anh đi nhập hộ khẩu cho thằng Tài, chị không thích để cái chữ “con nuôi” to đùng trong hộ khẩu, dù thật lòng chị đã coi thằng Tài như con ruột từ khi nó bước chân vào nhà này, nhưng chính quyền bảo giấy tờ gia đình cung cấp không đủ nên trong phần ghi quan hệ với chủ hộ vẫn phải để là con nuôi.

Không hiểu sao thông tin đưa tên thằng Tài vào hộ khẩu làm con ruột lan tới thành phố, lọt vào tai An. Người đưa tin còn ra vẻ hiểu luật, bảo nếu đúng như vậy thật thì sau này Tài cũng có quyền thừa kế hợp pháp, biết đâu cũng là mục đích để thằng con nuôi nhiệt tình tận tụy cho gia đình đến vậy - điều mà cả vợ chồng anh Tư, An đều không nghĩ tới. Anh chị Tư mới ngoài 50, có nghĩ gì đến chia gia tài đâu. An thì không nghĩ gì đến di chúc nhưng nó rất tò mò có thật là ba mẹ đã đưa Tài vào sổ hộ khẩu gia đình rồi không?

Dù đã nghe ba giải thích rõ ràng về việc xóa tên con nuôi của Tài không thành, nhưng An vẫn không tin. Lần đó về nhà, An lục tung tủ đựng giấy tờ, hồ sơ của ba nhưng không tìm ra hộ khẩu. Nó càng thêm tò mò. Rõ ràng người lớn muốn giấu nó chuyện gì nên mới vậy. An nhất định phải tìm ra bí mật này.

Ở tuổi của An, nó cũng chẳng kiên định với điều gì, từ việc quyết tìm cho ra sổ hộ khẩu để biết sự thật, đến việc không ưa Tài. Tính ra, Tài chẳng có điểm gì để ghét. Tài phụ ba trông coi việc ở nhà máy, làm hết những việc mẹ sai vặt… Tài không quản ngại việc gì, nó chỉ xin ba mẹ đừng bắt nó đi học. Từ nhỏ Tài học hành chẳng ra sao, mới chỉ đủ nhận mặt chữ, anh Tư nói với thầy giáo Khanh việc đầu tiên là cho Tài đi học tiếp nhưng sau khi nghe Tài nói vậy, chị Tư xuôi theo, anh Tư đành phải chấp nhận.

Buổi sáng, chị Tư ngỡ ngàng mém đánh rơi khay thức ăn khi nghe anh Tư hỏi Tài: “Con An đâu bay?”. Tài cũng sững lại, nó rối rít hỏi ba có sao không, ba không khỏe chỗ nào. Lúc đó chị Tư kịp đặt hai tô hủ tiếu lên bàn, nhìn vào mắt anh Tư. Bữa giờ anh Tư nhậu liên miên, chẳng lẽ do nhớ An? Có căn bệnh nào tiến triển từ nhớ mong hay không, chị Tư và thằng Tài đều không biết, nhưng anh Tư nhất định phải đi bệnh viện và An thì bằng mọi giá về nhà ngay.

Mới thi học kỳ xong nên An về liền trong ngày hôm sau, nó ở nhà cả tuần, nài nỉ ba đi bệnh viện mà ba nhất định không đi, bảo có gì đâu mà đi bệnh viện. Mà thật, có An về cái anh Tư khỏe lại liền.

Chị Tư sắc thuốc bổ cho anh Tư mỗi ngày. Mùi thuốc nam đặc sệt trong căn nhà mỗi độ ráng chiều ửng hồng trên cành so đũa, là lúc anh Tư từ nhà máy ngoài quốc lộ về tới nhà. Hàng xóm khuyên đừng có tham việc ở tuổi này nữa. Anh chị Tư đã cả đời vất vả, giờ có của ăn của để rồi, hơn nữa, công việc ở nhà máy đã có thằng Tài cáng đáng. Thằng Tài về gia đình anh Tư đã ngót 10 năm, bằng đó năm vẫn không đủ làm nhạt phai sự đề phòng của những người hàng xóm đa nghi. Họ nói vì họ thương anh chị Tư, người gì mà hiền lành, tốt bụng. Việc anh Tư ra tay cất nhà lại cho cả xóm Cầu ngoài chợ hôm bị cháy đã khiến họ phục lăn, vì lúc đó anh Tư vẫn còn chật vật trong công việc lắm. Người có tâm như vậy nhất định phải gặp phước ở tuổi già mới đúng. Nên họ vẫn không thôi nghi ngờ, nhất là khi mọi sổ sách, giấy tờ quan trọng anh Tư giao hết cho thằng Tài. Anh bảo anh không còn minh mẫn nữa, có thằng Tài quán xuyến cũng yên tâm.

Tài nghiễm nhiên trở thành trụ cột trong nhà. Từ việc lớn đến việc bé đều một tay nó lo. Mà Tài cũng chu đáo lắm. Nó còn phải nhắc nhở An mỗi dịp sinh nhật ba mẹ, rồi ngày giỗ ông bà, ngày kỷ niệm cưới của ba mẹ để An đừng quên. Thỉnh thoảng có người lên thành phố, nó còn đóng thùng quà cây nhà lá vườn to chảng gửi lên cho An - việc này của mẹ nhưng dạo này tay chân mẹ yếu nên nó làm thay luôn. An cũng quen, mỗi lần có quà, nó phân phát cho cả dãy trọ, khoe: “Anh trai mới gửi lên”. Câu “anh trai” thốt ra từ miệng nó nghe đã bớt ngượng hơn so hồi đầu.

Khuya. Chị Tư thấy đèn còn sáng, đi lên bắt gặp Tài đang ngồi ở ghế đá nhìn ra đường. Chị bảo vào ngủ đi, ổng đi với bạn, lát về thôi mà, không phải chờ cửa đâu. Chị Tư dấm dẳng đi vô, không quên trách anh Tư già đâm ra trái tính trái nết, cứ để cho người khác phải lo lắng… Tài vẫn ngồi lì. Trời mùa này buổi tối sương rơi ướt lạnh, Tài sợ ba về khuya lại ảnh hưởng sức khỏe.

Trong lúc lòng dạ Tài như có lửa đốt, định lấy xe đi tìm thì nó đã nghe tiếng xe máy của ba từ xa. Tài nhổm mông đứng dậy ra mở cổng, nhưng nó chỉ đi được vài bước chân thì có tiếng “ầm” rất lớn. Trước mặt Tài là cảnh tượng hỗn độn, nhập nhòe trong thứ ánh sáng yếu ớt. Chuyện gì vừa mới xảy ra? Tài lao tới chỗ anh Tư, nhưng chân nó máng phải mớ da thịt mềm mềm, giật giật đang chảy ra thứ nước sánh sệt…

“Tai nạn khiến hai thanh niên bị thương nặng, lỗi ở chiếc xe sang đường, người cầm lái tên Tài”. Thông tin đó tràn lan khắp xóm mà chẳng cần báo chí gì. Xem chừng đó là cái kết của không ít người mong chờ. Họ rỉ tai nhau, đã bảo không biết gốc gác gì thì đừng có nhận nuôi, mém nữa là ngồi tù lại phải lết thân già thăm nom thằng con nuôi.

Lúc An về, Tài cũng vừa từ xã trở về nhà. Thấy An, Tài mừng quá, nói An kỳ này nhất định phải ở nhà chăm sóc ba mẹ giúp Tài, Tài còn phải chạy qua lại bệnh viện, hoàn cảnh của hai người bị tai nạn cũng rất đáng thương, mà mình thì là người gây tội, đâu thể chỉ bồi thường bằng tiền là xong được.

Tài dặn dò An chi tiết lắm, từ bữa ăn trong nhà phải tránh những món nào, bổ sung món nào để hợp bệnh tình của ba mẹ, phải chọn loại gạo mềm cơm, nấu hơi nhão so mình ăn là vừa, khi sắc thuốc phải nhớ canh không chừng cạn nước… Nhiều lắm, An không thể nhớ hết nên nó phải ghi lại, hỏi tới hỏi lui kỹ lắm, sợ quên vì nó có làm bao giờ đâu.

Lúc Tài tất tả đi lên bệnh viện, An mới không biết mình phải bắt đầu như thế nào, việc nào trước, việc nào sau. Gió miền sông nước lồng lộng thổi, hất tung mớ giấy tờ của Tài còn để nguyên trên kệ tủ. Cô sắp xếp từng tờ ngay ngắn rồi bỏ vào ngăn tủ giấy tờ của ba. Trong xấp giấy tờ ngay ngắn ấy, tấm sổ hộ khẩu bìa đỏ mà có lần An tìm hoài không thấy, giờ nó nằm gọn ghẽ trong tầm mắt An. Dù không còn chút oán ghét nào về Tài, thậm chí An đã khóc khi nghe mẹ kể sự thật về tai nạn mà ai cũng nghĩ Tài gây ra, Tài ra sức thuyết phục mẹ để mình nhận tội vì anh lo hai người kia lỡ đâu đã chết rồi… nhưng sự tò mò vẫn dấy lên trong An, An liền mở ra xem.

Nhưng An đã không lật sang trang kế tiếp khi chạm mắt phải chữ “con nuôi” ở trang thông tin ghi rõ họ tên là An.