Cõi thiêng

Lần đầu tiên, tôi đi dự lễ cầu siêu tại chùa Quỳnh Lôi (Hà Nội) cho anh linh các liệt sĩ. Thật kỳ lạ và linh diệu! Trong sân ngôi chùa cổ, tiếng chuông ngân vang vượt qua bao tầng trời hòa với tiếng nhạc trầm hùng của Quốc ca.

Các cụ áo nâu, tóc bạc, vóc dáng sương mai, không ai bảo ai, đồng thanh hát. Giọng trầm vang, da diết của Đại đức Thích Đạo Thông đưa tâm linh người đến miền sâu thẳm của lòng thánh thiện và sự tri ân, báo đáp. 

Ngôi chùa cổ được xây từ thế kỷ XVIII, đã từng là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, đêm nay lung linh trong ánh nến. Các chiến sĩ sinh ra và lớn lên ở mảnh đất phía nam của kinh thành, có tên là làng Quỳnh, đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Và đêm nay, hương linh các anh từ lòng đất mẹ bay lên cõi cực lạc. Gương mặt thân thương của các bà mà tôi  quen thuộc từ tuổi thơ ở khu tập thể Dệt 8-3, đêm nay, bỗng như được một thứ ánh sáng khác rọi chiếu. Tiếng cầu kinh Nam mô Tây phương cực lạc thế giới đại từ đại bi! A di đà Phật! lan xa mãi trong gió tháng Bảy. Tôi nghe bên tai tiếng bà Hữu: Bà đưa được ông về quê rồi cháu à. 

Ôi, nỗi niềm của những người vợ thờ chồng nuôi con, chỉ gói gọn trong câu ấy thôi. Chiến tranh đã qua, nhưng trên dải đất hình chữ S này, còn bao nhiêu người vợ, người mẹ, mong tìm thấy hài cốt chồng, con, đưa được về quê khi tóc đã trắng như mây? Nhìn bà Hữu, lại nhớ bà Oanh, bà Miễn, bà Đoan, bà Sách…, những người vợ bộ đội đã từng chia nhau từng bát cơm độn mì sợi, từng đĩa rau muống luộc, vài quả cà muối, vẫn kiên cường bám xưởng sản xuất hoặc lên nóc nhà máy trực chiến. Rồi một ngày, các bà nhận tin sét đánh khi giấy báo tử gửi về. Những giọt nước mắt âm thầm chảy trong đêm dài. Sáng mai, các bà lại gửi sang nhà nhau những đứa trẻ mới học cấp 1, cấp 2; đứa lớn nấu cơm cho đứa bé để mẹ đi làm ca. Cứ thế,  các bà vợ liệt sĩ lần hồi nuôi con… Tuổi xanh của các bà đã trôi đi trong bom đạn, nuôi con, chờ chồng: trôi đi trong đêm dài thờ chồng, nhìn ngắm ảnh chồng sau làn hương khói, cầu khấn chồng độ trì cho các con lớn khôn. Nay, chúng đã cho các bà cháu nội, cháu ngoại, thì các bà sống lọm cọm trong khu nhà cao bốn tầng, xây kiểu cũ, tường lên rêu xanh, không khí ô nhiễm, nhưng chẳng mấy ai rời khu tập thể được. Họ vẫn tụ hội về bên nhau như là tiếng gọi của cội rễ, hỏi thăm sức khỏe, biết tin người còn, người mất... Lũ chúng tôi như cánh chim bay mỗi  đứa một ngả, giờ muốn gặp, hỏi thăm các bà, chỉ cần về khu tập thể hay ra chùa Quỳnh như đêm nay.

Tiếng chuông chùa linh diệu đưa hương linh các anh lên cõi Tây phương cực lạc. Nghe trong gió “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu: “Thác mà trả nước non rồi nợ/Danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen/Thác mà ưng đình miếu để thờ/Tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ”.