Chiều rơi trong mắt

1. Nhiều lúc nghĩ, giá mà quăng cái điện thoại đi đâu được thì tốt biết mấy. Nó thật phiền phức nhiễu nhương. Vừa lái xe trên đường, hắn vừa bấm môi chịu cái nắng như thiêu như đốt. Nó càng làm cho sự hậm hực, bực tức trong lòng dội lên.

Tranh BÙI TIẾN TUẤN
Tranh BÙI TIẾN TUẤN

Dừng đèn đỏ, 90 giây, chuông reo rung cả túi quần. Lại gọi gì nữa đây. Mẹ con chúng nó muốn hắn phát điên lên, muốn hắn rồ dại mà tông vào vỉa hè cho chết. Tắt nguồn. Chán cái cảnh léo nhéo. Hôm nay, hắn sẽ không mở điện thoại, có thế nào cũng quyết không mở. Vì hôm nay là một ngày quan trọng, bảo vệ thiết kế dự thầu với đối tác. Mẹ con chúng nó gì cũng muốn: Tiền, thời gian và cả thân thể còm cõi của thằng chồng khốn khổ này. Hôm nay, hắn thề là phải khác đi, bớt lo đi một chút. Trúng được gói thầu này rồi cầm xấp tiền về, mẹ con chúng nó mồm chả cười ngoác đến tận mang tai. Đàn bà, đứa nào cũng vậy.

Sáng, vừa mở mắt đã dội vào tai tiếng khóc í ới của thằng Tũn, tiếng kêu như gào vào tai của vợ. Thật nhộn nhạo. Đêm qua, sau chầu bia muộn, ba giờ đêm hắn mới mò về đến nhà. Sáng nay, mắt còn đang dính chặt, người như đeo đá. “Có nhanh lên không, tôi là ô sin nhà các người à? Con Thanh đâu? Không dậy mà ăn sáng đi để còn đi học.” Không thấy con Thanh trả lời, vợ hắn lồng lên lao vào phòng, thấy con bé ngây ngấy sốt. Chắc uống cho lắm nước đá vào. Lại ốm. “Ông có nhanh lên dậy giúp tôi một tay không. Con Thanh ốm rồi”.

Vùng vằng, bấy nhiêu cái mặt sưng xỉa chào buổi sáng. Đúng là nợ nần. Hắn lao vào nhà vệ sinh, vừa đánh răng vừa nhìn chằm chằm cái thằng trong gương. Nó chẳng oách như xưa nữa, cái mặt như phù nước, tóc rũ rượi. Hai vạch bọt đánh răng ngoác ra hai bên như một thằng hề bị tạo hình hỏng. Ra hắn lầm, cứ tưởng liều mình mua được chỗ để cả nhà an cư, ai dè rối tinh rối mù. Khoản tiền nhà trả góp, tiền lãi, tiền sinh hoạt, tiền ăn đã hút hết cái đẹp giai ngày trước. Cả vợ hắn cũng vậy. Trước đây, mụ có lắm lời như thế đâu, có chanh chua cay độc đến vậy? Mụ ngoan và dịu dàng. Mụ thương chồng con biết mấy, chưa bao giờ đổ tội cho ai. Vậy mà giờ cứ mở mồm ra lại than. Mụ nhìn chồng như một thằng đểu, một thằng vô dụng. Từ nhân viên kế toán quèn, mụ học thêm học nếm, rồi nhận thêm việc về nhà, tất tưởi xoay vòng. Mặt lúc nào cũng sưng lên.

2. Dạo này con Thanh hay ốm. Những cơn ốm chỉ độ dăm ba ngày, buộc nó phải nghỉ học và có người trông. Trước đây, khi còn ở khu nhà ổ chuột trong ngõ Kiều Mai, ẩm thấp và ngột ngạt nhưng chưa bao giờ nó ốm. Vợ hắn phải nghỉ ở nhà trông con. Hắn cũng cuống cuồng xin về nhà sớm. Nhưng chẳng vậy được mãi, khi cứ một tháng đôi lần nó ốm. Vợ hắn quy trách nhiệm sang chồng, bắt hắn phải san sẻ. Vậy là cắn quẩn nhau. Như sáng nay, nồi mì đã trương lên sợi to bằng cái đũa vẫn không quyết được ai sẽ là người ở nhà đưa con đến viện. “Hôm nay, tôi không nghỉ được, họp dự thầu. Nghỉ thì húp cháo à”. Vợ hắn mắt long lên “Anh tưởng mình anh phải kiếm tiền ư? Con này cũng quần quật như trâu ngựa. Hôm nay, anh không nghỉ thì để con Thanh ở nhà, muốn ra sao thì ra”. À, mụ ấy thành ra như thế. “Tùy cô”. Hắn cầm cặp lao ra cửa, vừa kịp nghe tiếng xoảng, chắc nồi mì với những cọng mì trương đang bò ngang dọc dưới đất. Và tiếng thằng Tũn ré lên. 

Chồng đi rồi, mụ ngán ngẩm nhìn đống mì dưới sàn không buồn dọn. Cho nhịn đói tất. Một bữa không chết được. Thế là mụ vội vàng đưa thằng Tũn tới trường, để con Thanh nằm tạm ở nhà. Định bụng mang xấp tài liệu đến công ty rồi tranh thủ vòng về mua cháo và thuốc cho con bé. Tất tưởi ngược xuôi dưới cái nắng thiêu đốt, vai mụ dường như trũng xuống xô về phía trước. Sáng, con Thanh kêu đau họng. Dạo này nó cứ viêm họng tái đi tái lại dù mụ đã dặn không được ăn kem hay uống nước đá. Thế mà chiều qua mụ bắt quả tang nó đang tu tì tì chai nước trong tủ lạnh. Mụ căm lắm, chí vào đầu nó mấy cái, rằng đừng có oạc mồm ra mà kêu. Thế đấy. Mụ thấy số mình sao mà khổ, hết chồng đến con cố làm cho mụ khổ. Sáng nay, nó còn níu lấy tay áo mụ mà nài nỉ “Mẹ ở nhà với con!”. Mụ gầm lên “Tao làm gì có thời gian mà ở nhà với mày. Cứ ốm suốt là tao bỏ, mặc xác mày đấy”. Nó quay mặt vào tường sụt sịt khóc. Không hiểu sao dạo này nó lại dở chứng dở nết ra như thế. Cả ngày cứ mang cái khuôn mặt buồn rầu, lầm lì. Mấy hôm trước cô giáo chủ nhiệm gọi điện trực tiếp cho mụ, con bé dạo này rất bất thường, nó dễ nổi cáu và còn xông vào đánh các bạn nếu bị trêu chọc. Thật lòng, mụ cũng lo nhưng cái lo ấy qua rất nhanh vì công việc cuốn mụ đi. Sau khi đón con về, mụ lăn xả vào bếp, rồi cơm nước xong lại vùi đầu vào đống số liệu. Hai chị em nó chủ yếu tự bảo nhau, học xong rồi lên giường ngủ. Chồng mụ thì ngày nào cũng nửa đêm mới về, không san sẻ được việc gì. 

Ngồi ở văn phòng một lúc, cái lạnh của điều hòa khiến đầu mụ hạ hỏa. Mụ thở dài rồi thấy thương hại con bé Thanh ở nhà. Chắc giờ này nó còn đang trùm chăn sụt sịt trên giường. Không biết có sốt hơn không. Mụ đứng dậy, đi như chạy xuống đường, rồi tất tưởi đi mua cháo và mua thuốc.

3. Cuộc họp bảo vệ thiết kế dự thầu đã xong, mọi thứ đều thuận lợi. Chiều nay, hợp đồng sẽ được ký kết, như vậy nhóm thiết kế do hắn phụ trách sẽ được thưởng lớn. Niềm vui khiến đầu óc và thân thể hắn nhẹ nhàng, hắn buông mình trong chiếc ghế tựa. Thật dễ chịu. Không có điện thoại lại càng dễ chịu hơn. Chiều nay tan ca, anh em trong nhóm sẽ kéo nhau đi làm một chầu cho bõ những đêm cày cuốc. Tất nhiên cuộc vui ấy hắn không từ chối. Hắn đã chán ngấy cái cảnh bon chen tắc đường về nhà giờ tan tầm, rồi nghe tiếng mụ vợ kèo nhèo, tiếng lũ trẻ phiền nhiễu. Hắn lim dim mắt thiếp đi một chút để bù cho đêm qua mất ngủ. Chung quanh hắn thật bồng bềnh bởi những tiếng xôn xao.

“Mới sáng nay, ở chung cư CT8 có đứa trẻ rơi từ tầng tám xuống đất”.

“Hình như là ở gần khu chung cư nhà anh Minh phải không nhỉ?”.

“CT8”.

Hắn bỗng ngồi thẳng người. Tự nhiên chột dạ. Không biết sáng nay vợ hắn có ở nhà không hay là mụ bỏ con đấy mà đi làm. 

Điện thoại nhấp nháy, chuông báo vang lên, 18 cuộc gọi nhỡ của vợ và hai số điện thoại lạ. Gọi gì mà gọi nhiều thế không biết. Bây giờ mà gọi về thì kiểu gì mụ cũng lồng lên, xỉ vả, gào thét cho mà xem. Mình cứ nói là điện thoại hết pin giờ mới mở được, làm gì được nào. Những tiếng chuông vang lên, bên trong điện thoại, hắn nghe thấy tiếng vợ mình lạc đi xen lẫn những tiếng ồn ào, tiếng khóc không thành, tiếng chung quanh. Hắn linh cảm điều không lành trước khi nghe tiếng vợ “Anh ở đâu? Con Thanh…”. Hắn phi như bay xuống đường. Đầu óc hắn mê muội, những đường xe giăng mắc như muốn gạt, muốn níu chân hắn lại. A, thằng cha khốn nạn, mày còn về làm gì nữa. Mày chẳng thích đi khỏi nhà lắm cơ mà? Những ánh chiều vỡ bung hòa vào nước mắt, những tiếng còi inh ỏi. 

Khuôn mặt tiều tụy của mụ vợ đang rục dần trong tay hắn. Hắn đang cố gồng mình để đỡ, dù thân thể hắn cũng rã rời. Bàn tay hắn còn ghì chặt cuốn nhật ký của con bé Thanh. Người ta không nghi ngờ gì nữa sau khi cảnh sát tìm thấy cuốn nhật ký. Con bé cố tình nhảy chứ không phải do tai nạn gì. Con bé ấy mắc bệnh tâm lý, nó muốn được người khác quan tâm đến mình. Nhưng khi mọi sự cố gắng gây chú ý không còn tác dụng, nó đã quyết định biến mất mãi mãi.

“Ngày nào bố mẹ cũng cãi nhau, hôm nay vẫn thế. Mình đã uống thật nhiều nước lạnh cho cái cổ sưng lên. Lần trước mình ốm, bố mẹ đều xin nghỉ ở nhà chơi với mình. Lâu thật lâu mới được như thế. Lâu thật lâu mình mới thấy bố chơi với mình và mẹ thì dịu dàng không quát mắng. Hôm nay, mình cũng sốt và ho như lần trước nhưng bố mẹ đều đi làm, bảo mặc kệ mình vì cứ suốt ngày ốm. Khi mình mở cửa phòng thì chẳng còn ai cả, chỉ thấy mì tôm be bét dưới sàn, chắc là bố mẹ lại đánh nhau. Dù sao thì mình vẫn thích ở ngôi nhà trước kia hơn. Bây giờ về nhà mới rồi nhưng mình thấy chán lắm. Chẳng ai cần đến mình nữa. Dù mình có ốm, ốm đến chết đi chăng nữa. Biết đâu khi mình chết rồi thì bố mẹ sẽ thương mình hơn? Mình mang bạn gấu lala đi cùng, mình rất quý bạn ấy”.

Trang giấy được viết bằng dòng chữ nguệch ngoạc bỗng mờ đi bởi những giọt nước mắt. Hắn không biết nên hỏi ai rằng “tại sao lại thế?”. Đầu óc hắn đi từ cảm giác đau đớn, tuyệt vọng rồi bây giờ trở nên đờ đẫn. Hắn thấy tim mình như có ai đó thò tay bóp một cái thật mạnh khiến hắn giật mình, gò người lại.

4. Một cái đập tay vào vai khiến hắn choàng tỉnh. Thì ra, tất cả chỉ là một giấc mơ.

“Sao? Chiều nay nhậu chứ?” - Gã đồng nghiệp trẻ nhăn nhở cười.

Hắn đang không hiểu chuyện gì xảy ra, hắn vẫn đang ngồi ở văn phòng, trên cái ghế quen thuộc. Mồ hôi chảy đầm đìa và ở đuôi mắt, nước mắt còn đọng lại. Hắn vội mở máy, đầu dây kia tiếng vợ hắn đầy mệt mỏi: “Chiều anh về sớm, em đang ở nhà, con đỡ hơn rồi.” Hắn thở phào nhẹ nhõm. Quay sang bảo: “Chiều nay tớ bận!”. Cứ thế, hắn lại bon bon trên con xe máy cũ kỹ như mọi ngày để len lỏi về nhà và thấy những ánh chiều cứ chầm chậm rơi dần... rơi dần.