Quanh chỗ bố ngồi

Người ta vác một chiếc ghế ra sân, dìu ông cụ ngồi vào đó. Trên tay ông là di ảnh người vợ vừa qua đời.

Minh họa: ĐẶNG TIẾN
Minh họa: ĐẶNG TIẾN

Cậu con cả đang đọc điếu văn “chúng con đau đớn và tiếc thương vô hạn xin được đưa tiễn mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng”. Ai đó khóc mồi một tiếng rồi đám người cứ thế òa ra nức nở. Mẹ ơi, mẹ ời, cả đời mẹ khổ. Lúc còn khỏe, thèm đủ thứ chẳng có mà ăn. Giờ chúng con mua bao thứ bổ béo mà mẹ đâu ăn được. Thôi mẹ về nơi chín suối đợi chúng con ở đó. Đi hết kiếp này chúng con lại xin được hầu hạ mẹ. Tiếng khóc hờ của mấy người con dâu khiến người ngoài phải rơi nước mắt. Vì cho đến tận lúc đã nhắm mắt xuôi tay con cháu cụ mới tụ về đông đủ dưới mái nhà này. Quây quần chung quanh cụ, hệt như lúc chúng còn thơ ấu. 
Thằng cả của cụ đứng kia, đầu đội khăn tang, tay chống gậy. Nó nói thương tiếc cụ đấy nhưng lòng nó còn đầy gai góc. Nó đứng đó nhưng bụng dạ có khi đặt ở mấy sào đất thổ cư, cái ao trước cửa, đồi cây sau nhà. Trong những tiếng khóc than có mấy lời là thật? Đã đến giờ đưa ma. Đoàn người chầm chậm rời nhà. Chỉ ông cụ ngồi lại giữa sân. Ghế vững lắm mà ông thấy chông chênh như có thể ngã xuống bất cứ lúc nào. Quanh chỗ ông ngồi giờ chỉ thấy bóng thời gian đang dần lấn tới.

Ông cụ nhìn trong ánh nắng chiều lấp lóa thấy người vợ trẻ của mình đang vấn tóc gọn gàng rồi thoăn thoắt trộn đất đắp tường nhà. Nắng đổ trên đầu, mồ hôi thấm ướt lưng trần. Quanh nhà không một bóng cây. Đất đá sỏi bỏng rát chân người, từng nhát cuốc bổ xuống chan chát lửa. Vợ ông bụng bầu vượt mặt, đội nắng kéo từng tàu lá cọ để chồng lợp nhà. Rồi từng hố sâu được đào, từng bầu cây trồng xuống. Nắng quá, trồng mười cây chết sáu. 

Trồng đi trồng lại mãi cũng thành rừng. Đôi vai chai cứng vì gánh nước lên đồi tưới cây. Từng đứa con ra đời, chúng ríu rít chơi dưới những tán cây xanh mát. Ngày ấy chị em máu thịt bồng bế bao bọc lẫn nhau. Bữa cơm độn nhiều khoai sắn vẫn vui vẻ chia nhau từng miếng cháy đáy nồi. Đâu có nghĩ đến một ngày lại từ mặt nhau vì đất đai, nhà cửa. Bóng chiều xuống thấp, hôn lên những vết chân chim trên đuôi mắt người già. Tiếng kèn đám ma đã xa dần…

Sáng nào ông cũng ra giữa sân ngồi lên chiếc ghế gỗ. Chầm chậm nhìn ký ức ngấm dần trong khoảng không gian trước nhà. Nhiều năm trước, đất đai của ông rộng hút tầm mắt. Đất vườn trồng cây ăn quả. Đất rừng thì trồng tràm, bạch đàn. Lúc còn sức khỏe, ông không để tay chân nghỉ ngơi, suốt ngày quần quật ngoài rừng. Cả một đời vất vả nuôi các con khôn lớn, rồi dựng vợ, xây nhà cho từng đứa đến sức tàn lực kiệt. Vậy mà bố mẹ còn chưa kịp nằm xuống các con đã tranh giành tài sản. Đứa nào cũng sợ thiệt nên cố kiết vơ vét về mình. Đứa cả đòi phải phần hơn. Đứa thứ, đứa út lồng lên tranh nhau từng mét đất. Những nhát cuốc vang lên chan chát trên mảnh vườn đá sỏi. Anh em từ mặt nhau hết lần này đến lần khác. Sau khi chia cho các con, ông chỉ để lại cho mình một khoanh đất nhỏ. Xây hai gian nhà, một mảnh sân be bé và mảnh vườn rau tí tẹo phía trước. Bây giờ ông tai điếc, mắt mờ. Nhưng ông biết khoảng không gian chật hẹp của mình cũng đang bị lấn chiếm dần. 

Ông chỉ nghe thấy những tiếng bước chân lướt nhanh qua mặt, sau lưng mình như người vô hình. Ông nghe bước chân mà biết được đâu là con dâu cả, đâu là con dâu thứ. Đến mít, nhãn, vải, xoài, tất cả đều là cây ăn quả ông trồng đã lâu năm. Chúng biến cây của ông thành tủ, giường, phản, cửa. Nhà của chúng từng cái ghế để ngồi cũng cầu kỳ chạm rồng khắc phượng. Còn chiếc ghế ông ngồi đã cũ kỹ, mọt chân. Ông không nói gì, chỉ thấy cơ thể mình ngày một nhẹ đi. Nhẹ đến mức ông cảm tưởng mình có thể bay lên trời như một chiếc lá khô đã rút cạn sự sống đến từng đường gân mỏng mảnh. Bà đã gọi ông đi…

*

Đám tang ông cụ cũng như mọi đám tang khác. Người chặt hai cây chuối non dựng hai bên hương án, gần kề áo quan. Người gọi thợ kèn. Người xé khăn tang. Người tính toán xem bao nhiêu mâm, ăn uống những món gì để làm cỗ bàn mời khách. Đám thợ kèn thấy vắng tiếng khóc hơi kỳ, nên thỉnh thoảng nhắc mấy bà con dâu “khóc bố đi”. Khách viếng nhà trên, thợ kèn rưng rức ca. 

Trước khi di quan, bác thợ kèn cứ ca đi ca lại câu “cụ đã ra đi chỉ để lại một tấm ảnh mầu”. Mọi người đều nhìn vào di ảnh. Còn trong di ảnh, mắt ông cụ như đang nhìn vào thấu tận tâm can mỗi người. Ánh nhìn khiến vài người nhoi nhói. Quan tài chưa khênh ra khỏi nhà mấy cô con dâu đã giục nhau cử người canh thùng phong bì cho cẩn thận. Quanh quẩn cũng chỉ có con cháu và anh em thân thiết đưa ông cụ ra đồng. Trong đám người ấy có thằng Đao. Chẳng có gì lạ cả, đâu đó trên những làng quê vẫn tồn tại những người như Đao, ngơ ngẩn. Đám giỗ, đám ma, đám cưới… chẳng có cái đám nào là không có mặt. Đám ma hay đám cưới cũng đều cười hềnh hệch. 

Đao đi sau đoàn người. Đám ma ở làng Đồi bây giờ không còn rải vàng mã như xưa nữa. Tục qua cầu cũng được làm rút gọn. Người ta thả tiền lẻ trong cái đĩa lớn do một cụ trong hội Phật giáo cầm theo suốt dọc đường. Thấy Đao bỏ vào đó mấy nghìn, có người hỏi “mày lấy đâu ra tiền?”. Đao cười hềnh hệch bảo “tiền người ta cho, để dành đi đám ma đấy”. Lúc này đoàn người đang đi xuống chân dốc đoạn khúc cua, một bên là đồi cao, một bên là vực sâu. Cả đám người bỗng nhiên dừng lại, nhòm xuống vực bàn tán xôn xao về một vụ tai nạn giao thông xảy ra đêm hôm trước. Họ hỏi nhau người ngã có uống rượu không? Bao nhiêu tuổi? Khu mấy, con nhà ai? Gãy mấy cái xương sườn? Nhìn suối nước phía dưới, họ nói “thằng đó phúc dày. Nếu xuống suối, đêm hôm nằm đó chẳng ai biết thì hôm nay cũng tò te tí”. Xe tang đã đi một đoạn xa, đám đông mới nhớ ra. Trong số những người đang hớt hải chạy theo có cả con dâu và mấy đứa cháu nội ưa hóng chuyện. Cả đoạn đường đưa ông cụ ra bãi tha ma không còn tiếng khóc nào. 

Đoàn người đến nghĩa trang lúc mặt trời đã lên đến đỉnh. Đám chuồn chuồn bay chấp chới trên nền trời xanh thẳm báo hiệu những ngày dài chói chang nắng đổ. Vài người than “nắng quá, hạ huyệt nhanh còn về”. Xe tang nhanh chóng được đẩy lên đỉnh đồi. Ông thầy cúng quệt mồ hôi trên mặt, giục con cháu nhanh hạ huyệt cho kịp giờ đẹp. Quan tài được khênh xuống khỏi xe tang. Lúc này người ta mới để ý thấy trên quan tài có một vết nứt nhỏ, chắc là do gỗ kém lại để nắng quá. Mấy bà con dâu càu nhàu:

- Mỗi cái việc chọn mua quan tài cũng không xong. Mấy cái chuyện chôn cất không cẩu thả được. Vớ vẩn lại vận vào đời con cháu. Nhỡ mà có chuyện gì…

- Chuyện gì là chuyện gì. Chết là hết.

- Mà cũng tại chú thím. Vườn của ông bà bao nhiêu cây gỗ quý. Ông đã dặn để cây xà cừ đóng quan tài thế mà chú thím mang xẻ đóng đồ bán cho người ta hết. Nên giờ phải đi mua. Ham của rẻ nên mới nứt như thế đấy.

- Nhà này có phải mình tôi làm thợ mộc đâu. Cây trong vườn cũng có phải chỉ mình tôi chặt. Mấy người có hiếu sao không đóng cho ông cỗ áo quan đi. 

- Thôi thôi, hạ huyệt nhanh còn về. Chết là hết. Ngày xưa người ta cuộn cái chiếu mang chôn cũng xong. Nứt một tí có làm sao mà phải cãi nhau. Thiên hạ cười cho.

Bỗng nhiên có tiếng khóc ới ời đâu đó vang lên. Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Họ tìm kiếm trên khuôn mặt con cháu của ông cụ vài giọt nước mắt. Nhưng không có ai khóc, tất cả còn đang nhăn nhó như khỉ gặp trời nắng. Vậy tiếng khóc phát ra ở đâu? Họ dáo dác nhìn quanh, à hóa ra là thằng Đao.

- Nó vừa nhổ cỏ vừa khóc trên mộ ai thế nhỉ? 

- Hình như là mộ bố nó đấy? Bố nó chết hơn một năm rồi. 

- Khổ thân, lúc còn sống ông bố chẳng đoái hoài gì đến hai mẹ con nó. Bỏ đi lấy vợ hai, bao nhiêu tài sản đất đai đều chẳng để lại cho thằng Đao thứ gì. Ấy thế mà lúc nằm xuống thằng Đao mặc áo tang quỳ khóc sưng cả mắt. 

Nắng quá. Đoàn người dạt về những bóng cây trong nghĩa trang. Lúc này quan tài đã hạ huyệt. Mỗi người nhặt một nắm đất nhỏ vứt xuống như một lời đưa tiễn cuối cùng. Ai đó bảo:

- Thế là hết đời người. Từ giờ nằm lại dưới lòng đất lạnh, mãi mãi không nhìn thấy cháu con. 

- Nghe nói sau khi chết linh hồn vẫn còn quanh quẩn bên cạnh người thân chưa muốn rời đi. Có khi thân xác nằm đây nhưng hồn ông cụ sẽ theo chân chúng ta quay về.

- Quay về để làm gì? Có khi chỉ thêm đau lòng. 

Đám người tản ra. Khói vàng mã bay cay xè mắt người. Chỉ còn lại bóng thằng Đao cúi gập người tưới rượu trên ngôi mộ nhỏ. Nắng chiếu lấp lánh trên khóe mắt nó. Trên mộ, mùi rượu bốc lên, những que hương cứ lụi dần đi…