Ca nương Nguyễn Kim Ngọc:

Yêu thật sự mới thấy vẻ lấp lánh của ca trù

Nghệ thuật ca trù Việt Nam đang có một lớp nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ thắm thiết với nghề. Phóng viên Thời Nay có dịp gặp và nghe những chia sẻ của ca nương Kim Ngọc - hiện đang công tác tại Viện Âm nhạc, một trong số những người trẻ đang bước tiếp con đường bảo vệ và phát huy môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc này.

Ca nương Kim Ngọc biểu diễn tại một sự kiện văn hóa truyền thống. Ảnh: ANH QUÂN
Ca nương Kim Ngọc biểu diễn tại một sự kiện văn hóa truyền thống. Ảnh: ANH QUÂN

Phóng viên (PV): Được biết chị là con gái của cố nghệ nhân Nguyễn Kim Sinh, có sự ảnh hưởng nào của cha trong việc chị đến với nghệ thuật ca trù không?

Ca nương Kim Ngọc (KN): Bố là người đưa tôi vào với thế giới âm nhạc tuy hơi muộn. Nhưng với tôi, bố luôn là người thầy vĩ đại nhất. Những giai điệu đẹp đẽ của ông nuôi dưỡng tâm hồn tôi, và thấm vào tôi tự khi nào không hay, để tôi có được những gì là riêng cho mình hôm nay.

Bố không định hướng cho tôi theo ca trù nhưng nhờ có ông mà tôi mới biết được cái đặc sắc của loại hình nghệ thuật này. Ông rất thán phục giọng ca của cụ Quách Thị Hồ và giải đáp những câu hỏi ngây ngô của tôi khi tôi chưa cảm được sự tinh tế hay đẳng cấp của ả đào.

Sau này, khi tôi bắt đầu học ca trù từ học trò của bố - ca nương Phạm Thị Huệ. Còn nhớ mỗi khi học được một thể cách mới, tôi hay thu lại, vờ nói bạn này hay bạn khác hát để mong sao có được những nhận xét khách quan của ông. Rất lạ là ông chỉ quan tâm đến yếu tố âm nhạc, đến cách xử lý thể hiện, ông đặt cảm xúc thật sự khi nghe chứ không hề quan tâm ai đang thể hiện. Nhờ đó, mà tôi đã nhận được những nhận xét rất quý báu từ người thầy - vị khán giả khó tính của mình để dần chắt lọc và tích lũy những điều cần thiết.

PV: Hiện chị duy trì hoạt động âm nhạc thế nào? Công tác tại Viện Âm nhạc có giúp ích, bổ trợ gì cho hoạt động nghệ thuật của chị không?

KN: Tôi gắn bó với Viện Âm nhạc khi còn là sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia, và nó có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đến với ca trù của tôi. Viện đã cho tôi mối lương duyên được là học trò của cố nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, bởi cái gốc mà tôi có được là từ bà.

Trước đây, ca trù thường được truyền trong gia đình, dòng họ, nên rất khó để được các cụ nghệ nhân nhận làm học trò. May mắn là năm 2012, Viện có mời các nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ để tổ chức một khóa truyền dạy ngắn hạn về ca trù. Tôi được tham gia lớp tập huấn này, và cuối khóa học, tôi được chọn để biểu diễn báo cáo. Kết thúc bài hát, tôi lại chỗ bà để xin nhận xét về từng lá phách, từng câu hát. Tôi cảm thấy sự hài lòng của bà về những gì mà tôi học được từ lớp truyền dạy này. Sau đó, tôi mới được nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc nhận làm học trò “sống Tết, chết giỗ”, và tiếp tục theo học bà ở trong quê Ngãi Cầu thêm hai năm nữa.

Hiện, tôi là thành viên của CLB ca trù Phú Thị. Cá nhân tôi may mắn khi vẫn được hoạt động nghề thường xuyên, định kỳ ở điểm diễn đình Kim Ngân trong phố cổ Hà Nội và sân khấu Cao Sơn trà - “Ả đào Khâm Thiên”. Thật tuyệt vời trong những buổi biểu diễn này, tôi đã gặp được nhiều khán giả yêu mến ca trù. Đây là điều mà tôi cảm thấy rất hạnh phúc!

PV: Chị đánh giá thế nào các nghệ sĩ cùng lứa, khi mà thế hệ các nghệ nhân đi trước đã dần “mai một”?

KN: Tôi cho rằng lứa đào, kép ngày nay vẫn đeo đuổi ca trù thật sự đáng quý, đáng trân trọng và có chút dũng cảm. Bởi họ theo nghề mà không có đất hoạt động, đất diễn, không có sân chơi ngoại trừ các cuộc liên hoan toàn quốc hay cấp tỉnh, thành phố như Hà Nội chẳng hạn, ba - bốn năm mới có một lần. Thêm nữa, thế hệ nghệ nhân thời hoàng kim giờ cũng không còn nhiều, nên việc truyền nghề và học nghề ngày càng khó khăn. Riêng với ca trù, phải học trực tiếp nghệ nhân thì mới có thể lĩnh hội được những điều cốt yếu của nghệ thuật này. Đây là điều thiệt thòi của những người làm nghề bây giờ, và nó làm cho chất lượng nghệ thuật ca trù hiện nay chưa được như thế hệ trước.

PV: Về sức sống của ca trù hiện tại, theo chị, nên có những hành động, giải pháp gì để bảo vệ và phát huy được môn nghệ thuật này?

KN: Tôi không dám mơ ca trù sẽ phát triển rực rỡ như thời hoàng kim của nó, bởi xã hội đã thay đổi rất nhiều. Để bảo vệ và phát huy môn nghệ thuật này, ở góc độ một người làm nghề, tôi nghĩ mình cần phải rèn nghề hơn nữa để sao cho mỗi nhịp phách, mỗi câu hát tiếp nối được tinh thần và phong thái của các nghệ nhân đi trước. Bên cạnh đó, ca trù không dễ tiếp cận với đại chúng, vậy nên để có thể hiểu nó, yêu nó thì cần phải học, học nghe, học cách thưởng thức, học cầm chầu... Tức là đào tạo lớp người nghe ca trù cũng cần thiết như đào tạo các đào, kép. Chỉ khi nào có một lớp khán giả mới thì ca trù mới thật sự tồn tại, thật sự “sống”.

PV: Được biết, con gái chị cũng rất có năng khiếu với môn nghệ thuật này phải không?

KN: Bạn ý còn nhỏ nên mải chơi lắm, chỉ thích vận động, hò hét, nhưng có chất giọng và khả năng tiếp thu tốt. Tôi cũng không ngờ chỉ trong một thời gian ngắn mà bạn ý đã học được khuôn khổ cơ bản của phách, và thể hiện được thể cách “Hát nói” trong đợt thi tại “Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội lần thứ 2” (11-2019). Hy vọng sau này bạn ý sẽ ý thức hơn về việc học ca trù.

PV: Chị muốn nhắn nhủ gì cùng các bạn trẻ đang muốn tiếp bước nghệ thuật ca trù?

KN: Nếu bạn thật sự yêu ca trù thì hãy học một cách nghiêm túc và đầy đủ. Học cho có trách nhiệm để không hổ thẹn với tiền nhân. Chỉ khi nào yêu ca trù thật sự bạn mới thấy được vẻ đẹp lấp lánh của nó, môn nghệ thuật rất đặc biệt mà người xưa đã để lại cho chúng ta!

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!