Xứng đáng được gọi là nhà thơ - họa sĩ

Âm thầm và lặng lẽ, mấy năm nay, họa sĩ Tô Chiêm đã dành nhiều thời gian để biên soạn bộ sách nhằm tôn vinh các họa sĩ có nhiều cống hiến cho thiếu nhi. Mới đây, cuốn sách thứ năm với tựa đề “Nhà thơ Quang Dũng - Người mang trong trắng đi tìm thanh cao” do anh kết hợp cùng con gái nhà thơ Quang Dũng biên soạn đã ra mắt. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với họa sĩ.

Xứng đáng được gọi là nhà thơ - họa sĩ

Phóng viên (PV): Thưa họa sĩ Tô Chiêm, điều bất ngờ nhất khi làm cuốn sách về nhà thơ Quang Dũng là gì?

Họa sĩ Tô Chiêm (TC): Tôi bất ngờ là bên cạnh một Quang Dũng của thơ, với những “Tây Tiến”, “Đôi mắt người Sơn Tây”… còn có một họa sĩ Quang Dũng. Một lần tình cờ được xem một số ký họa của nhà thơ Quang Dũng, tôi đã bị bất ngờ. Ngay sau đó tôi đã liên lạc với chị Phương Thảo - con gái của nhà thơ, đề nghị làm một cuốn sách về ông, ở đó độc giả không chỉ gặp những bài thơ nổi tiếng mà còn có những bức tranh, bức ký họa do ông vẽ. Và cuốn sách đã ra đời, sau gần một năm chuẩn bị. Vì chủ định như vậy, nên cuốn sách chia làm hai chương: Chương đầu là thơ, chương hai là tranh.

PV: Ở góc độ hội họa, anh nhận thấy “Quang Dũng họa sĩ” như thế nào?

TC: Trong một bản khai lý lịch năm 1961, phần làm việc gì, Quang Dũng ghi: “Họa sĩ thuộc ngành Hội họa, chi hội Văn nghệ Liên khu 3 - năm 1952”, trước đó, từng tham gia một khóa học hội họa từ xa do Pháp tổ chức. Điều đó cho thấy, ngoài năng khiếu hội họa, ông còn có thời gian học tập và hoạt động mỹ thuật khá sôi nổi. Quang Dũng cũng còn minh họa một số truyện cho thiếu nhi như “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, “Thánh Gióng”, “Tấm Cám”…

Khi làm cuốn sách này, tiếp xúc với những bức tranh gốc do nhà thơ Quang Dũng để lại, tôi thấy nhiều bức rất đẹp, rất tình cảm. Tôi nhận ra một điều, ở con người thi sĩ Quang Dũng, hội họa luôn song hành. Mỗi bài thơ ông viết, hoặc chép ra sổ tay đều có vài hình minh họa đi kèm. Nhà thơ Quang Dũng tự minh họa cho những bài thơ, bút ký, tự làm bìa cho sách của mình. Một số người đã từng tiếp xúc với nhà thơ cũng kể rằng, đam mê hội họa trong nhà thơ Quang Dũng không kém gì thi ca và có lẽ ông vừa vẽ vừa làm thơ cùng lúc. 

Xứng đáng được gọi là nhà thơ - họa sĩ -0
Bìa cuốn “Quang Dũng - Người mang trong trắng đi tìm thanh cao”. 

Nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đình Phúc - tác giả ca khúc “Tiếng đàn bầu” từng kể: “Năm 1943, khi tôi đang vẽ bức tranh “Đứa trẻ lạc loài” ở nhà thì có một chàng trai to lớn tìm đến. Sau khi giới thiệu là Quang Dũng, chàng cho biết vừa xem phòng tranh của tôi ở phố Tràng Tiền và thấy rất thú nên tới làm quen. Biết Quang Dũng mê vẽ, tôi tặng người bạn mới quen một ít bột mầu và bút vẽ. Bẵng đi một thời gian, Quang Dũng lại lừng lững đến nhà tôi, đem theo vài bức tranh bột mầu khoe bạn. Những bức tranh phong cảnh trông thật sinh động và cũng thật ngộ. Có cái gì đó vừa ngượng nghịu ngây thơ, vừa dạt dào tươi mát. Nhìn vào tranh mới thấy rõ niềm say mê hội họa và càng hiểu rõ cái nghèo của anh… Tác phẩm cái thì vẽ trên mẩu giấy báo, cái vẽ trên bìa, xé ra từ một quyển vở nào đó”.

Tranh của nhà thơ Quang Dũng sau này phần lớn là vẽ phong cảnh những nơi ông đã từng qua, vùng biên giới, vùng trung du Hòa Bình. Riêng vùng Ba Vì, Tam Đảo ông vẽ khá nhiều… Ông vẽ nhiều nhưng cũng để thất lạc nhiều. Một trong những bức tranh đẹp bị thất lạc nhiều năm, gần đây được một người bạn của nhà thơ Quang Dũng tặng lại gia đình là bức “Bến Ngọc” (1960). Tôi nghĩ, nhà thơ Quang Dũng rất xứng đáng được gọi đầy đủ là nhà thơ - họa sĩ.

PV: Đây là cuốn sách thứ năm trong loạt sách nhằm tôn vinh họa sĩ hay những người có dấu ấn hội họa. Anh có thể chia sẻ, từ đâu xuất hiện ý tưởng thực hiện bộ sách đặc biệt này?

TC: Khi làm họa sĩ ở NXB Kim Đồng, tôi nhận ra một điều, có nhiều cuốn sách tôn vinh các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi nhưng lại chưa thấy có những cuốn sách viết về các họa sĩ vẽ tranh, vẽ minh họa cho các em. Vì thế, cách đây khoảng bốn năm, tôi bắt tay thực hiện cuốn đầu tiên. Tôi chọn họa sĩ Nguyễn Bích vì ông có nhiều tác phẩm bìa sách, minh họa cho NXB Kim Đồng. Đặc biệt, cuốn truyện tranh “Sát Thát” của ông được thiếu nhi nhiều thế hệ thích thú, trở thành một đỉnh cao trong nghệ thuật vẽ truyện tranh của Việt Nam. Tuy vậy, cuốn sách được xuất bản đầu tiên trong bộ sách lại là cuốn “Họa sĩ - nhà giáo Tạ Thúc Bình: Dung dị một hồn quê Kinh Bắc”. Còn “Nguyễn Bích: Họa sĩ của những ô tranh nhỏ” là cuốn thứ hai… Qua mỗi cuốn sách, tôi muốn độc giả hiểu rõ về từng họa sĩ, công việc hội họa mà họ đã làm...

PV: Khi tiếp cận với các họa sĩ, hoặc các nguồn tư liệu để biên soạn bộ sách này, điều anh cảm thấy tâm đắc nhất là gì?

TC: Tôi nhận thấy tất cả các họa sĩ đều rất yêu quý công việc vẽ minh họa cho thiếu nhi. Dù đó có thể chỉ là một “nhánh nhỏ” trong sự nghiệp của họa sĩ và ở một vài giai đoạn, nó có thể chỉ là “nghề phụ kiếm tiền”, thì các họa sĩ cũng dành rất nhiều tâm huyết để sáng tác. Bây giờ xem lại những bìa sách hay minh họa do họa sĩ Nguyễn Bích vẽ vẫn thấy rất cảm xúc, rất tình cảm. Hay bộ minh họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân cho cuốn “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài cũng vậy, rất đặc sắc.

PV: Xin cảm ơn họa sĩ Tô Chiêm!