Họa sĩ Ngô Xuân Khôi:

Xúc động khi sao la được chọn làm linh vật

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi mới đây gây bất ngờ khi được trao Giải nhất trong cuộc thi sáng tác biểu tượng vui (mascot) cho SEA Games 31 sẽ tổ chức tại Việt Nam. Anh đã chọn hình tượng sao la trên dãy Trường Sơn để cách điệu, gửi gắm thông điệp về bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Xúc động khi sao la được chọn làm linh vật

Phóng viên (PV): Họa sĩ Ngô Xuân Khôi là cái tên quen thuộc trong lĩnh vực thiết kế bìa sách, vẽ minh họa trên báo chí, trong đó có ấn phẩm Thời Nay. Anh có thể chia sẻ cơ duyên nào dẫn anh tới với cuộc thi biểu tượng (logo) và biểu tượng vui (mascot) SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11?

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi (NXK): Thiết kế logo, vẽ biểu tượng vui cho một đại hội thể thao lớn của khu vực như SEA Games, ASEAN Paragames là vinh dự, niềm vui và trách nhiệm của mỗi họa sĩ. Công việc làm bìa sách vẽ minh họa báo cũng là mảng đồ họa. Tất nhiên sáng tạo logo, vẽ biểu tượng vui khó hơn nhiều, nó đòi hỏi ngôn ngữ đồ họa cô đọng, nhiều chất trí tuệ. Nhất lại là cuộc thi trên phạm vi toàn quốc, số lượng tham gia chắc chắn đông, mà số được chọn thì chỉ có một.

PV: Đây là lần thứ bao nhiêu anh tham gia vẽ logo nói chung và lần thứ mấy tham gia thi vẽ logo cho ngành thể thao? Việc thiết kế biểu tượng vui lần này có khiến anh mất nhiều thời gian nghiên cứu không? 

NXK: Tôi vẽ logo cũng khá nhiều rồi, dự thi cũng có, được đặt hàng, nhờ vả cũng có, có cái được sử dụng và có cái không. Với ngành thể thao thì đây là lần đầu tham gia dự thi logo và biểu tượng vui. Ở SEA Games lần trước tổ chức tại Việt Nam, tôi có tham gia dự thi mảng áp-phích, được giải nhưng sau đó cũng không thấy in hàng loạt để tuyên truyền cổ động như trong tiêu chí cuộc thi ngày ấy đề ra.

Cuộc thi này, khoảng cách giữa lúc phát động và thời hạn nộp bài rất ngắn vì Ban tổ chức muốn có kết quả để công bố trong lễ bế mạc SEA Games 30 tại Philippines nên các tác giả tham gia dự thi không có nhiều thời gian.

PV: Vì sao anh chọn hình tượng sao la? 

NXK: Với suy nghĩ phải tìm một con vật gì đó thật đặc biệt, đặc trưng cho đất nước, tôi chợt nghĩ đến sao la, vì nhớ đã đọc thông tin về sao la cách đây gần 30 năm. Thông tin này nhớ lâu vì khi phát hiện sao la lần đầu tại Việt Nam đã làm chấn động giới sinh học thế giới. Bố mẹ tôi làm ngành lâm nghiệp nên những vấn đề này tôi rất quan tâm. Thế là vào mạng tra, khi có các thông tin, càng thấy thú vị và tâm đắc. Nhớ đến Thế vận hội Bắc Kinh (Trung Quốc) họ đã chọn gấu trúc làm biểu tượng vui nên tôi nghĩ sao la của Việt Nam rất xứng đáng. Sau đó tôi mất khoảng hai tuần để làm phác thảo và hoàn thiện mẫu để kịp gửi dự thi. Ngoài sao la tôi còn làm ba bài dự thi khác nữa cho các hạng mục khác.

Xúc động khi sao la được chọn làm linh vật -0
Mẫu thiết kế linh vật SEA Games 31 - hình tượng sao la. 

PV: Cuộc thi kéo dài gần hai năm. Khi biết tin được giải, hẳn anh vẫn còn cảm giác bất ngờ?

NXK: Có thể nói đây là cuộc thi logo kéo dài nhất mà tôi từng biết. Trước khi công bố chính thức mẫu linh vật cho SEA Games 31 có quá trình dài chỉnh sửa nhiều đợt theo góp ý của hội đồng giám khảo. Có những lúc nản tưởng như cuộc thi sẽ không có hồi kết. Điều bất ngờ là sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ và cả truyền thông dành cho linh vật. Rất nhiều tranh luận, nhiều ý kiến trái chiều. Điều bất ngờ nữa là: Sao la đã được “dắt” lên đấu trường khu vực bằng những người yêu quý và hiểu giá trị mà thiên nhiên ban tặng cho Tổ quốc ta và cả ông họa sĩ không còn trẻ.

PV: Đặc biệt càng vui hơn khi vượt qua hơn 1.400 tác phẩm dự thi?

NXK: Đúng vậy. Đến giờ tôi vẫn xúc động vì kết quả này. Càng xúc động hơn khi con sao la lầm lũi, hiếm hoi trên dãy Trường Sơn hùng vĩ kia có biết đâu rằng đã được chọn để giới thiệu với bạn bè quốc tế như một biểu tượng của sự trù phú, giàu đẹp, hiền hòa, thông minh, vui nhộn. 

PV: Một hình dung của anh khi biểu tượng vui này được sử dụng ở SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11?

NXK: Trước khi kết quả cuộc thi được công bố, Tổng cục Thể dục, Thể thao có kết nối để tôi được gặp gỡ với bộ phận truyền thông của tổ chức Bảo vệ động vật quý hiếm Việt Nam (WWF). Họ nói rằng mấy chục năm truyền thông để nâng cao ý thức cộng đồng nhằm bảo tồn sao la nhưng không hiệu quả, không lan tỏa nhanh, rộng như những ngày gần đây sao la được chọn làm biểu tượng vui cho hai sự kiện thể thao lớn mà Việt Nam là nước chủ nhà vào năm sau. Nhiều người đã biết đến sao la, nhất là giới trẻ. Năm 2021, chắc chắn sao la còn được nhắc đến nhiều hơn, hình ảnh sẽ ngập tràn trên các phương tiện truyền thông, trên quà tặng, trên băng-rôn, áo phông… sao la sẽ theo chân các phóng viên, các vận động viên lan tỏa đi khắp khu vực với thông điệp: Việt Nam là đất nước có thiên nhiên tươi đẹp, con người hiền hòa, thân thiện và cao thượng.

PV: Xin cảm ơn anh!