Xuất bản số cần mang hơi thở thời đại

Xuất bản số đang dần trở thành xu hướng của ngành xuất bản. Tuy nhiên, để xuất bản số đi vào đời sống một cách hiệu quả luôn cần những phương cách phù hợp. Thời Nay có cuộc trò chuyện với chuyên gia công nghệ Nguyễn Huy Du, đồng tác giả tập truyện thiếu nhi “Nước cờ hòa” (NXB Kim Đồng) phát hành hết 5.000 bản sách chỉ sau một tuần ra mắt nhờ ứng dụng nền tảng số.

Tác giả Nguyễn Huy Du giới thiệu về “Nước cờ hòa”.
Tác giả Nguyễn Huy Du giới thiệu về “Nước cờ hòa”.

Phóng viên (PV): Với lợi thế là chuyên gia công nghệ nên anh đã dùng chính tác phẩm của mình để thử nghiệm trên nền tảng số?

Chuyên gia Nguyễn Huy Du (NHD): Đây cũng là sản phẩm tôi áp dụng chuyển đổi từ sách truyền thống sang sách số ở nền tảng mang tên uBASE. Ở đó, mỗi người dùng sau khi trả phí sẽ sử dụng nền tảng số như một thư viện cá nhân, mỗi cuốn sách họ sở hữu có một mã kích hoạt để sử dụng được cả ba phần: đọc, nghe hoặc đặt mua sách in. Ngoài tính năng cơ bản, chúng tôi cũng kiến tạo những tương tác gần với thực tế nhất. Chẳng hạn, hệ thống sẽ đánh dấu số thứ tự độc giả, có tương tác sinh động, có chương trình bốc thăm may mắn.

Điều thú vị còn ở chỗ, một số vấn đề nhỏ mà phương thức đọc truyền thống khó giải quyết như cho mượn hoặc “đòi” lại sách theo ý muốn người sở hữu thì việc số hóa giải quyết được hết. Nền tảng số cho phép trao đổi sách chỉ với một cú click chuột, hết thời hạn cài đặt, dữ liệu sẽ không hiển thị trên thư viện của người mượn.

PV: Xuất bản số sẽ tạo nên những tác động đáng kể cho văn hóa đọc nhưng có vẻ trên thực tế vẫn chưa có kết quả khả quan. Theo anh nguyên nhân chính do đâu?

NHD: Tôi cho rằng, để kích thích văn hóa đọc trên nền tảng số thì cần lưu ý đến thói quen sử dụng sách hiện nay. Có người đọc, người nghe, người thích đồ họa hay mô hình hóa… phụ thuộc vào năng lực thẩm thấu. Đấy là lý do vì sao tôi cho rằng hiện nay xuất bản số về cơ bản đã có hướng làm đúng nhưng chưa đủ. Bên cạnh đó, chính là việc tác giả chọn NXB phù hợp. NXB phải thực hiểu lợi thế, giá trị của tác giả để kết hợp cho hài hòa từ nội dung đến hình thức sách và cả vấn đề bản quyền. Tóm lại, muốn đổi mới thì mọi thứ cần phải đồng bộ.

PV: Theo quan sát, một bộ phận độc giả vẫn có tâm lý “xài chùa” thay vì sòng phẳng thanh toán khoản chi phí cho sách, nhất là sách online. Anh và các cộng sự sẽ có kế hoạch thay đổi tâm lý đó thế nào?

NHD: Để có bước đi phù hợp trong bối cảnh chung này, dự án của chúng tôi đã nhất quán về chiến lược “nói không với giảm giá” nhưng “luôn luôn nói có với hỗ trợ” trong các hoạt động đồng hành để phát triển về sách số. Chúng tôi sẽ có những bước đi phù hợp tình hình của từng vùng, miền, địa phương để phù hợp và hài hòa lợi ích với đối tượng thụ hưởng thành quả, đầu tư và liên kết sao cho cùng hướng tới mục tiêu “ích nước, lợi nhà” và doanh nghiệp đủ sống để cống hiến tiếp. Với dự án sách lần này, chúng tôi dành 51% lợi nhuận thu về để đồng hành và kiến thiết chương trình “Đưa chữ lên non trong thời 4.0” để cùng xây dựng những tủ sách thiện nguyện.

PV: Để duy trì và phát triển hiệu quả các dự án xuất bản số theo anh cần điều kiện gì?

NHD: Ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức hay cung cấp cơ hội trải nghiệm để hiểu ra giá trị thì đội ngũ thực hiện cần biết lắng nghe. Từ xưa đến nay, thông thường bán sách xong thì người ta không hoặc ít lắng nghe phản hồi của người đọc. Thực tế, việc được lắng nghe phản hồi của người đọc không hẳn để hiệu chỉnh cho cuốn sách đó mà còn cho những bước hành động tiếp theo. Chúng ta cần sử dụng sức mạnh của mạng xã hội để tạo nên trao đổi hai chiều. Mọi phản hồi từ khách hàng hay người đọc đều vô cùng quan trọng.

Qua kênh này, thậm chí người viết sách và đơn vị phát hành còn có thể lựa chọn ra những phản hồi thật sự hay, hấp dẫn và có ích để xin được sử dụng, in ấn ở lần tái bản, xuất bản tiếp theo. Cách thức tương tác ấy và những không khí sôi động ấy mới chính là hơi thở của thời đại số. Vì lẽ đó, chúng tôi cũng xác định, nền tảng số được kiến tạo có thể không phải là nơi để độc giả mua sách nhưng là nơi để họ gửi gắm thông điệp về những cuốn sách. Đó mới là giá trị quan trọng và tạo nên được sức mạnh lan tỏa, truyền cảm hứng với sách thông qua hiệu ứng công nghệ.

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!