Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng

Viết kịch bản với tinh thần dân tộc

Nguyễn Toàn Thắng là tác giả kịch bản sân khấu sung sức hiện nay, đặc biệt anh rất say mê đề tài lịch sử. Trong năm qua, anh có tới ba vở diễn được dàn dựng. Gần đây nhất, Đoàn cải lương Hoa Mai (Nhà hát Cải lương Hà Nội) dựng vở mới từ kịch bản “Truyền thuyết Triệu Trinh Nương” của anh.

Viết kịch bản với tinh thần dân tộc

Phóng viên (PV): Vì sao anh lại chọn nhân vật Bà Triệu để khắc họa trong vở mới này?

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng (NTT): Một lần trên đường đi công tác từ nam ra bắc, tôi đi qua đền thờ Bà Triệu ở Thanh Hóa quê hương của bà. Tôi muốn vào thắp hương bà, vì trong khoảnh khắc đó, những gì được đọc từ thời thơ ấu về bà bỗng hiện ra trong tâm tưởng. Tôi có khấn với bà rằng, một ngày nào đó con sẽ viết một tác phẩm về bà. Sau nhiều năm bận bịu, và cũng có giai đoạn gần mười năm tôi bỏ nghề viết, nên cũng quên đi mất. Khi quay lại với công việc cầm bút, tôi chợt nhớ ra câu chuyện này. Một lời hứa với tiền nhân, với tôi, không phải chuyện đùa chơi cho có, nên sau khi những việc khác xong xuôi, tôi dành cả dịp Tết 2019 ngồi viết, bỏ hết cả những cuộc hẹn hò du xuân, vì sợ nếu để lâu là mất cái mạch.

PV: So với những nhân vật lịch sử khác anh đã từng viết, thì khi viết kịch bản về cuộc đời Bà Triệu anh phải đối mặt với những khó khăn gì?

NTT: Khó khăn đầu tiên là tư liệu về bà quá ít, do hoàn cảnh lịch sử để lại. Thứ hai, là làm sao để chân dung của Bà Triệu được khắc họa vừa giống lại vừa khác với hình dung của người xem và tất nhiên, của những vở diễn khác. Bởi rõ ràng như tư liệu để lại thì bà quá đẹp, đến mức được gọi là Nhụy Kiều tướng quân, lại cực kỳ dũng mãnh như câu ca xưa còn lưu truyền. Rõ ràng người xưa đã quá ưu ái bà mà tả lại như vậy, nhưng đó là sự ưu ái thể hiện sự ngưỡng mộ về bà. Những nét tính cách đó phải được cân bằng, nếu lệch sang bên nào cũng sẽ thất bại. Đến giờ phút này, tôi tự coi là đã thành công trong việc khắc họa chân dung Bà Triệu theo cách nhìn của mình.

PV: Trong một năm qua, anh có tới ba vở diễn về đề tài lịch sử được dàn dựng. Vì sao anh lại đắm đuối với đề tài lịch sử như vậy?

NTT: Thực ra do ảnh hưởng từ gia đình, tôi say mê lịch sử từ khi còn chưa biết chữ. Lúc nhỏ, được bà nội hát ru những bài mà sau này tôi chẳng nghe được ở đâu, chắc là do bà tự chế ra vì nghe chẳng vần điệu gì, toàn là ca ngợi các anh hùng. Sau này, biết đọc, tôi cứ tìm những cuốn sách lịch sử và đọc ngấu nghiến, đến mức bị ám ảnh. Thật ra trẻ con ai cũng đã từng có những giấc mơ như xuyên không về thời cổ đại làm vua hay hoàng hậu, nhưng tôi còn hơn thế, tôi ngồi vẽ ra các nhân vật, tính toán các mốc lịch sử, có khi cả ngày ngồi nghĩ xem nếu có vài vạn quân thì sẽ làm gì. Thế nên, khi quay lại viết về đề tài lịch sử, tự sâu trong tôi đã có hàng trăm nhân vật theo mình suốt cả chặng đường dài. Chỉ có điều, khi viết, tôi không để mình quá đắm đuối với sự huyễn hoặc ấy, mà phải tính toán làm sao cho đạt các tiêu chí mình đề ra về khán giả, về nghề nghiệp.

PV: Xuyên suốt các kịch bản sân khấu đề tài lịch sử anh đã viết, anh tâm niệm điều gì quan trọng nhất?

NTT: Đó là tinh thần dân tộc. Tôi luôn viết kịch bản lịch sử với lòng tự hào dân tộc. Ngay cả khi tôi viết về những giai đoạn tang thương, thì tư tưởng chủ đạo vẫn không thay đổi. Tôi viết về cha con Quốc công Đặng Tất trong nỗi bi phẫn khi vua tôi không tin nhau. Tôi viết về một vị tướng quân ăn mày của Bình Định Vương Lê Lợi trong giai đoạn đất nước bị giặc Minh giày xéo. Tôi viết về Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng trong nỗi đau của người lạc xứ… Tất cả, đều hướng chủ đạo về tinh thần dân tộc.

PV: Anh đã từng viết kịch bản cho các vở diễn thiếu nhi, rồi một thời gian chăm chú vào các đề tài hiện đại, và giai đoạn này tập trung phần lớn vào đề tài lịch sử. Phải chăng mượn chuyện xưa nói chuyện nay vẫn là cách thể hiện quen thuộc của người cầm bút?

NTT: Chắc chắn tôi sẽ quay lại với các đề tài hiện đại, bởi có nhiều vấn đề chỉ có thể nói thẳng chứ không thể mượn chuyện xưa nói chuyện nay.

PV: Anh thấy “căn bệnh” phổ biến nhất của người viết kịch bản hôm nay mắc phải, là gì?

NTT: Là sự thiếu hụt về phông văn hóa và vốn sống, dẫn đến những gì người viết thể hiện ra nhiều khi rất ngô nghê và sáo mòn. Cá nhân tôi luôn ý thức điều này, thậm chí lúc nào cũng thấy mình dốt nát, nên không một ngày nào là không đọc, xem, nghe, nhưng quan trọng hơn là sau đó cố quên hết những gì mình đọc xem nghe, để cho cái gì còn lại được sẽ là tinh túy.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!