Nhà văn Võ Quảng:

Viết cho thiếu nhi là tình yêu và lẽ sống

Nhiều độc giả cả trẻ em và người lớn đã từng thuộc nằm lòng những câu thơ giàu hình ảnh nhịp điệu như “Cốc cốc cốc/Ai gọi đó/Nếu là thỏ/Cho xem tai”; “Mặt trời gác núi/Bóng tối lan dần/Anh Đóm chuyên cần/Lên đèn đi gác”; “Dưới vỏ một cây bàng/Còn một vài lá đỏ/Một Mầm Non nho nhỏ/Còn nằm nép lặng im”... nhưng có lẽ không phải ai cũng nhớ tên tác giả là nhà văn Võ Quảng (1920 - 2007). 

Bộ ấn phẩm kỷ niệm ngày sinh nhà văn Võ Quảng.
Bộ ấn phẩm kỷ niệm ngày sinh nhà văn Võ Quảng.

Là người trầm tĩnh, không thích phô trương, ông chọn cho mình con đường khó mang lại nhiều tiếng tăm: sáng tác cho thiếu nhi - mảng văn học vốn không dễ được văn giới đánh giá cao (như văn chương viết cho người lớn), nên dường như Võ Quảng không phải là tác giả được biết mặt nhớ tên như nhiều bạn văn cùng thời. 

Đến với văn chương khá muộn khi đã ở tuổi “tam thập”, nhưng Võ Quảng lại miệt mài, cần mẫn cày cuốc trên mảnh đất văn chương thiếu nhi còn chưa nhiều người khai phá, để cho ra đời những trái ngọt lành. Từ tập thơ đầu tay “Gà mái hoa” xuất bản năm 1957 được bạn bè văn chương để ý, Võ Quảng mới chính thức bước vào con đường sáng tác chuyên nghiệp. Giữa năm 1957, ông về làm Tổng Biên tập đầu tiên của NXB Kim Đồng vừa thành lập. Ông công tác tại đây cho tới năm 1964 thì chuyển sang làm Giám đốc Xưởng phim Hoạt họa và búp bê Việt Nam (nay là Xưởng phim hoạt hình Việt Nam). Ông sáng tác khá nhiều và đều đặn nhiều thể loại khác nhau: văn, thơ, kịch bản phim hoạt hình, dịch, viết bài cho các báo, tạp chí chuyên san về văn học thiếu nhi, nghiên cứu về giáo dục. 

Một loạt tác phẩm ra đời trong thời kỳ chín muồi sung sức đã chứng tỏ tài năng và tâm huyết của Võ Quảng: Tập thơ “Thấy cái hoa nở” (1962), “Nắng sớm” (1965), “Anh Đom Đóm” (1970), “Măng tre” (1972), “Quả đỏ” (1980)...; các truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết:  “Cái lỗ cửa” (1959), “Cái thăng” (1961), “Chỗ cây đa làng” (1964), “Những chiếc áo ấm” (1970), “Bài học tốt” (1975), “Kinh tuyến vĩ tuyến” (1995), “Chuyện kể ở Đầm Vạc (2002)... và đặc biệt là bộ tiểu thuyết mang tính tự truyện gắn với tên tuổi của Võ Quảng: “Quê nội” (1973), “Tảng sáng” (1978) - bối cảnh ở làng Hòa Phước bên dòng sông Thu Bồn sau Cách mạng Tháng Tám. 

Nhà văn Võ Quảng cũng chính là tác giả kịch bản phim hoạt hình “Sơn Tinh Thủy Tinh”, “Những chiếc áo ấm” - hai tác phẩm được “khắc tên vào bảng Vàng của ngành hoạt hình Việt Nam” theo đánh giá của họa sĩ Trương Qua (Giám đốc Xưởng phim hoạt hình Việt Nam từ 1967 - 1977).

Có thể nói, toàn bộ 50 năm, từ quãng thời gian chín muồi về trí tuệ, tư tưởng, cảm xúc, Võ Quảng đã dành trọn tâm huyết cho những sáng tác cho trẻ em. Với Võ Quảng “viết cho thiếu nhi là tình yêu và lẽ sống”. Ông luôn tâm niệm mình là một nhà giáo dục, cả cuộc đời dành trọn vẹn “những gì đẹp đẽ nhất, tinh khiết nhất cho thiếu nhi”.