Thêm cầu nối thơ ca Việt Nam - Romania

Andrea H. Hedeș là một nhà văn, dịch giả, chủ một nhà xuất bản, Tổng Biên tập tạp chí văn hóa NEUMA của Romania. Chị từng sang thăm Việt Nam, cảm mến đất nước con người Việt Nam nên đã chọn in những tác phẩm thơ Việt Nam trên tạp chí NEUMA. Chị chia sẻ về nghề văn, nghề báo, về đất nước Việt Nam và mong muốn làm cầu nối văn học Romania - Việt Nam.

Thêm cầu nối thơ ca Việt Nam - Romania

Phóng viên (PV): Điều gì đã khiến chị chú ý đến văn học Việt Nam? Trước khi đăng những chùm thơ của sáu nhà thơ Việt Nam trên tạp chí NEUMA, chị đã nắm bắt những gì về văn học, văn hóa Việt Nam?

Nhà văn Andrea H. Hedeș: Tôi rất vinh dự được tham gia Liên hoan thơ quốc tế tại Việt Nam vào tháng 2-2019. Trước đó tôi đã biết về Việt Nam vì hai đất nước chúng ta có truyền thống giao lưu văn hóa và hữu nghị lâu đời, nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Romania. Tôi cũng biết về lòng dũng cảm và lòng nhân ái của người Việt Nam, tôn trọng các giá trị đất nước và gia đình, sự cống hiến của người dân Việt Nam cho học tập và văn hóa. Khám phá văn học Việt Nam qua các bài thơ của các nhà thơ đăng trên tạp chí NEUMA là một bước tiến của tôi trong vũ trụ sâu sắc và phức tạp của văn học Việt Nam.

Thêm cầu nối thơ ca Việt Nam - Romania -0
Trang thơ Hữu Thỉnh trên tạp chí NEUMA. 

PV: Chị hãy cho biết thêm về tạp chí NEUMA nhé. Việc duy trì một tạp chí trong thời buổi mạng xã hội lên ngôi có quá khó không?

Nhà văn Andrea H. Hedeș: Ông tôi là một nhà báo và ông mất khi tôi mới 2 tuổi. Tôi luôn nghĩ rằng nhiệm vụ của tôi là gánh vác công việc của ông. Tôi thành lập tạp chí vào năm 2017 và tạp chí này đã được coi là tạp chí văn hóa hàng đầu. Điều rất quan trọng đối với tôi là tập hợp những con người từ các nền văn hóa khác nhau (nội dung tạp chí về văn học, sân khấu, nghệ thuật, lịch sử, âm nhạc, dân tộc học, tâm linh). Con người, trên khắp thế giới, không có khoảng cách và cái gọi là khác biệt, đều có những niềm vui và nỗi buồn giống nhau. Chân lý của văn hóa, cảm xúc của thơ ca, vẻ đẹp của nghệ thuật có thể đưa họ đến với nhau, và bằng cách này mọi người hiểu nhau và trở thành bạn hữu thân mật. Điều quan trọng là phải đoàn kết và cởi mở với nhau. Quả thực, để xuất bản một tạp chí văn hóa in ngày nay không phải là một việc dễ dàng. Nhưng tôi đã nghĩ đến việc sử dụng mạng xã hội vì lợi ích của văn hóa. Tạp chí cũng được xuất bản trực tuyến. Đó là một cách tuyệt vời để đến với độc giả trên toàn thế giới và trong thời đại đại dịch này, đó là một sự trợ giúp đắc lực cho tinh thần. Tôi rất tự hào và hài lòng khi mọi người từ khắp các châu lục đọc tạp chí NEUMA.

PV: Chị có thấy điểm chung hay điểm khác biệt nào trong cách suy nghĩ giữa nhà văn Việt Nam và Romania?

Nhà văn Andrea H. Hedeș: Tôi muốn biết thêm về văn học Việt Nam và đã tìm kiếm văn học dân gian, truyền thuyết, truyện thần thoại vì tôi nghĩ chúng là gốc rễ của con người hiện đại và là chìa khóa để hiểu rõ hơn con người. Trong thơ hiện đại, tôi nghĩ nhà thơ hai nước có những điểm chung như tình yêu, tình yêu đất nước, gia đình, nỗi sầu muộn, những câu hỏi và sự tìm kiếm muôn thuở của con người và cũng có những điểm khác biệt do xuất thân của người viết khác nhau và thật ra sự khác biệt chính là điều làm cho bài thơ trở nên thú vị và quyến rũ hơn với người đọc, như vẻ đẹp của một bông hoa, mầu xanh của đồng lúa, của rừng già. Về khía cạnh này, tôi xin đề cập đến một bài thơ gây ấn tượng mạnh đối với tôi, bài thơ đó được nhà thơ Hữu Thỉnh viết năm 1974 trên dãy Trường Sơn có tựa đề là “Tiếng hát trong rừng”, đó là cảm xúc trong sáng.

PV: Hãy kể cho tôi nghe những ấn tượng của chị trong lần đến thăm Việt Nam. Những bài thơ chị viết về Việt Nam được lấy nguồn cảm hứng thế nào?

Nhà văn Andrea H. Hedeș: Tôi đã bị mê hoặc bởi Việt Nam. Nó gây ấn tượng sâu sắc cho tôi. Thật khó để tìm ra từ ngữ nào để miêu tả vẻ đẹp của đất nước bạn, sự pha trộn giữa mầu sắc, mùi hương, âm thanh, phong cảnh, đường chân trời, rung động của biển, những con người thân thiện chào đón, nụ cười đẹp của họ… chỉ thơ mới có thể diễn tả hết những điều đó. Tôi đang thực hiện một tập thơ về hành trình đến Việt Nam. Các đồng nghiệp là nhà văn của tôi đã khuyến khích tôi viết về trải nghiệm của mình khi đến Việt Nam sau khi kể cho họ nghe về những ngày tôi ở đó, họ nói với tôi rằng điều đó khiến họ rất vui và chắc chắn họ muốn tìm hiểu thêm nên tôi quyết định viết nhật ký trữ tình, ghi lại những ấn tượng mạnh mẽ mà Việt Nam đã tạo ra đối với tôi.

PV: Chị nghĩ sao nếu Hội Nhà văn Việt Nam muốn hợp tác với nhà xuất bản của chị để xuất bản một số cuốn sách văn học Việt Nam cho độc giả Romania trong thời gian tới?

Nhà văn Andrea H. Hedeș: Đó sẽ là một vinh dự lớn cho tôi, trở thành một cầu nối thơ ca giữa hai nước chúng ta.

PV: Xin cảm ơn chị!