“Tấm ván phóng dao” có thể lên phim

Ở tuổi 75, nghệ sĩ - nhà văn Mạc Can (trong ảnh) vẫn một mình thuê nhà trọ sống giữa Sài thành. Mấy năm nay sức khỏe ông yếu hơn và cũng ít xuất hiện trong các bộ phim truyền hình. Chúng tôi có cuộc trò chuyện khi hai cuốn sách “Tấm ván phóng dao” và “Vừa đi vừa suy nghĩ vừa nhìn” của ông mới được NXB Trẻ tái bản.

“Tấm ván phóng dao” có thể lên phim

Phóng viên (PV): Thưa nhà văn Mạc Can, dạo trước thấy ông bất ngờ phải nhập viện, bạn bè văn nghệ sĩ nhiều người lo lắng. Hiện sức khỏe của ông thế nào?

Nhà văn Mạc Can (MC): Tôi vẫn sống một mình, thuê nhà trọ ở phường 26, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Tôi sống cô độc một mình, tự thấy vui sau các công việc. Mấy năm nay tôi bị bệnh thấp khớp, đi đứng khó khăn. Hôm đó chạy xe máy chân chống không được phải dừng xe bên đường, trời Sài Gòn lại vào tháng nắng dữ. Trước đó vì đau nhức tôi có uống liều thuốc giảm đau không ngờ thuốc mạnh quá, tôi bị xuất huyết bao tử bất tỉnh. Bà con khán giả và độc giả bên đường biết tôi nên gọi xe taxi chở tôi vào Bệnh viện Gia Định nằm trong đó. Một đạo diễn hay tin tưởng tôi bị tai nạn giao thông đưa tin lên mạng cho nên các nghệ sĩ kéo tới thăm hỏi. Một tuần sau bệnh viện cho tôi về đi đóng phim. Chuyện chỉ có vậy. Hiện nay tôi đã khỏe nhiều.

PV: Mới rồi cuốn sách “Tấm ván phóng dao” của ông được tái bản lần thứ tư. Ông có thể nói thêm cuốn sách từng đưa nghệ sĩ - nhà văn Mạc Can nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh và Giải thưởng hằng năm của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam?

MC: Tin mới nhất tôi phải “khoe” ngay cuốn “Tấm ván phóng dao” mới vừa được một công ty tỏ ý muốn làm phim. Cuốn sách này tôi viết ra nhiều năm rồi, cũng có vài hãng phim định mua bản quyền làm phim truyện, tôi cũng có ý chờ nhưng không thấy động tĩnh gì. Bây giờ chắc là thật rồi, lại rơi đúng vào dịp NXB Trẻ cho tái bản song song với cuốn truyện “Vừa đi vừa suy nghĩ vừa nhìn”. Tôi cũng đang vui vui. Chỉ mong cuối đời sẽ… thành công.

“Tấm ván phóng dao” có thể lên phim ảnh 1

PV: Sau “Tấm ván phóng dao” ông chính thức bước chân vào văn chương và được ví với danh xưng “nhà văn trẻ”. Khi đến với nghề viết, ông thấy có áp lực gì không?

MC: Lúc xưa khởi nghiệp nghề viết cho tới bây giờ, như nhà văn Lê Minh Khuê nhận định “ông Mạc Can viết văn mộc mạc như con người ông ấy”. Không sai.

“Tấm ván phóng dao” tôi coi như là “bùa hộ mệnh” của mình, là vì cuốn tiểu thuyết này theo từng bước chân của tôi khi ở trong nước và cả khi có dịp đi xa, nhờ nó mà nhiều người biết tôi. Có người nói, tôi với cuốn sách nầy như là một cuộc phiêu lưu, nó giúp tôi qua cơn hoạn nạn.

PV: Đến bây giờ, ông đã viết bao nhiêu cuốn sách? Tác phẩm nào khiến ông hài lòng nhất?

MC: Năm nay tôi... mới 57 tuổi (Mạc Can hóm hỉnh, hay nói ngược. Ông sinh năm 1945 - PV), viết khá nhiều rồi, có cuốn được, có cuốn theo tôi là không. Có người hỏi tôi ông có mong ước gì không, ý nói là có hy vọng viết nữa không. Tôi nói tôi không có mong ước hay hy vọng gì, mong ước hy vọng nhiều khi là tuyệt vọng, tới đâu hay tới đó, còn sống thì còn viết, thế thôi.

PV: Văn chương cho ông điều gì và có lấy mất thứ gì của ông không?

MC: Tôi đâu có gì để mất (Cười). Văn chương cho tôi niềm vui khi đọc sách. Không có gì vui với tôi hơn là đọc sách. Với tôi văn chương là mẹ của các nghệ thuật khác, chẳng hạn như điện ảnh, kịch nghệ sân khấu và cả tranh ảnh hội họa, và cả nhiếp ảnh.

PV: Nhắc đến Mạc Can, nhiều người nhớ tới nhiều vai diễn trong một số bộ phim truyền hình. Lâu rồi, ông có tham gia đóng phim không? Phim gần đây nhất ông tham gia?

MC: Phim thì anh em đạo diễn cũng hay mời nhưng tôi kén vai vì tôi đã qua nhiều vai trong phim mà khán giả thích, tôi không muốn mất những hình ảnh đẹp trong lòng khán giả.

PV: Về già, người ta hay hồi nhớ. Ông thường nhớ tới những bộ phim nào? Vai diễn gì khiến ông có nhiều kỷ niệm, khó quên? Có phải là vai diễn bác Ba Phi trong phim “Đất phương Nam”?

MC: Đúng vậy! Đó là vai mà bà con miền Tây xem phim quên mất tên diễn viên của tôi là Mạc Can, người ta thấy tôi thì kêu lên bác Ba Phi kìa. Còn vai Tư Đèo trong phim “Cải ơi” làm theo truyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nữa và vai trưởng thôn trong phim “Xóm suối sâu” là nhiều kỷ niệm và đáng nhớ.

PV: Ông quan niệm thế nào về nghề diễn?

MC: Anh em trong nghề làm phim thường nói tôi diễn như không diễn, vì tôi có cách vào vai như thật, mặc dù cũng vóc dáng lời nói đi đứng mọi thứ thì vẫn là mình, nhưng người ta không nhìn ra là tôi. Nghề diễn theo tôi không nên cho khán giả biết mình diễn mới hay, càng tự nhiên càng hay, càng điện ảnh. Nhưng tự nhiên quá lại trở thành kịch, thành giả. Theo tôi nghề diễn khó, có khi bệnh ngoài đời cũng diễn là thua.

PV: Xin cảm ơn nhà văn Mạc Can!