Sự thăng hoa nào cũng có một cái cọc neo

Trung Sỹ (trong ảnh) - cái tên mới xuất hiện trên văn đàn nhưng đã gây ấn tượng với các tập hồi ức “Chuyện lính Tây Nam”, “Hà Nội, Mũ rơm và Tem phiếu”. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông.

Sự thăng hoa nào cũng có một cái cọc neo

Phóng viên (PV): Trung Sỹ là ai? Nhiều người không biết cho tới khi “Chuyện lính Tây Nam” xuất hiện. Ông có thể nói gì về cuốn sách đầu tay này của mình?

Trung Sỹ (TS): Đây là một cuốn sách tôi viết ra như một sự tri ân cuộc đời, tri ân đồng đội còn sống hay đã hy sinh. Có những trang tôi vừa viết vừa giàn giụa nước mắt, bởi tất cả những gian khó hy sinh tưởng chừng đã chìm hẳn trong quên lãng, bỗng hiện ngay trước mặt như vừa xảy ra mới đây thôi.

PV: Đến nay, khi cuốn sách đã được đông đảo bạn đọc đón nhận, thì nhiều người vẫn muốn nghe ông kể lại điều gì thôi thúc ông viết “Chuyện lính Tây Nam”?

TS: Khi người ta càng lớn tuổi, con người hay có những khoảng hoài niệm lại tuổi trẻ của mình. Những năm trước, thời gian rảnh tôi thường lên mạng tìm thông tin về đơn vị chiến đấu mà mình từng phục vụ. Các kỷ niệm cùng anh em đồng đội ùa về, đòi hỏi phải được bật ra như một nội lực thôi thúc khác. Dần dần, tôi thấy nên tập hợp lại thành một cuốn sách, để mọi người rõ hơn. Năm 2017, cuốn sách được NXB Thanh Niên ấn hành, năm ngoái, được tái bản lần thứ ba. Dĩ nhiên người viết rất vui mừng, vì độ lan tỏa của cuốn sách, vì số lượng lớn người đọc tìm hiểu, chia sẻ.

Sự thăng hoa nào cũng có một cái cọc neo ảnh 1

Bìa sách “Hà Nội, Mũ rơm và Tem phiếu” của tác giả Trung Sỹ.

PV: Sau cuốn “Chuyện lính Tây Nam”, ông lại ra tiếp “Hà Nội, Mũ rơm và Tem phiếu” (NXB Lao Động). Vẫn lựa chọn thể loại hồi ức. Có vẻ, ông tự tin với trí nhớ của mình?

TS: Tôi thích viết thật những gì đời sống đã trải qua, dù nó có hay dở đến thế nào.

PV: Trước đó ông có thói quen ghi chép không? Nhiều người giữ thói quen ghi nhật ký chẳng hạn?

TS: Ngoài cuốn sổ nhỏ còn lại những trang sót của năm 1982, tôi không có ghi chép thêm gì nữa. Thời nay, Facebook hay blog là một cuốn sổ ghi chép cá nhân rất thuận tiện, hơn nữa, nếu bạn muốn, có thể chia sẻ nó với cộng đồng ngay tức khắc.

PV: Trong những cuốn hồi ức của mình, ông có cho phép ngòi bút của mình được thăng hoa, được tung tẩy không? Hay luôn phải gò, phải bám vào những sự kiện, những con người thật? Liệu thể loại ấy có phải là “chiếc áo chật” với nhà văn Trung Sỹ?

TS: Tôi nghĩ bất cứ sự thăng hoa nào cũng đều có một cái cọc neo là thực tại chất liệu cuộc đời. Anh giàu trải nghiệm, giàu tưởng tượng, giàu tầng ngữ nghĩa, thì sợi dây neo từ cuộc sống đến sự bay bổng tư tưởng càng dài, và vùng phổ quát nhân sinh của tác phẩm càng rộng lớn.

PV: Cuốn sách sắp tới của ông liệu có phải vẫn là một cuốn hồi ức?

TS: Không đâu! Sẽ là một cuốn tiểu thuyết, hay gọi là truyện dài cũng được, với nhiều nhân vật, nhiều sự kiện… Cuốn sách có tên là “Đội trinh sát và con chó Sara”. Đề tài vẫn là cuộc chiến đấu tại chiến trường Campuchia năm xưa. Được hư cấu trên căn bản nền là những thực trạng của cuộc chiến.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tác giả Trung Sỹ tên thật là Xuân Tùng, sinh năm 1960 trong một gia đình viên chức cũ ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1978, ông tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Sau khi từ Campuchia trở về, ông đi học trung cấp xây dựng, làm việc tại Vinaconex. Sau khi nghỉ hưu một thời gian, ông được chú ý với cuốn hồi ức “Chuyện lính Tây Nam”.