Số hóa thư viện nhằm phục vụ bạn đọc tốt nhất

“Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Chính phủ vừa phê duyệt, hứa hẹn là bước tiến quan trọng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại. Bà Kiều Thúy Nga - Giám đốc Thư viện Quốc gia trao đổi về chương trình được kỳ vọng sẽ đem lại sự đột phá này.

Số hóa thư viện nhằm phục vụ bạn đọc tốt nhất
Số hóa thư viện nhằm phục vụ bạn đọc tốt nhất -0
 

Phóng viên (PV): “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” có ý nghĩa như thế nào với ngành thư viện?

Bà Kiều Thúy Nga (KTN): Đây là cơ hội lớn để ngành thư viện tiếp tục tăng tốc hiện đại hóa thư viện; các thư viện liên kết, chia sẻ, tạo lập và dùng chung sản phẩm, dịch vụ nhằm tạo cộng đồng thư viện lớn mạnh cùng phát triển.

Riêng với Thư viện Quốc gia (TVQG), chương trình này sẽ là căn cứ để tiếp tục được đầu tư cải thiện, bứt phá về hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực số, xây dựng nền tảng công nghệ có thể tích hợp, xử lý lượng dữ liệu lớn, tạo lập hạ tầng công nghệ. Trung tâm dữ liệu dùng chung của ngành thư viện được hình thành sẽ cải thiện đáng kể việc phân phối, chia sẻ, liên thông với các thư viện trong và ngoài nước, phục vụ công chúng khai thác nguồn tài nguyên thông tin trên nền tảng số thông qua các cơ sở dữ liệu tích hợp và các ứng dụng thông minh, xây dựng thành công thư viện số quốc gia.

PV: Việc xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu, số hóa tài liệu… tựu trung sẽ hướng tới cái đích lớn nhất là đem lại sự phục vụ tốt nhất dành cho độc giả?

KTN: Đúng vậy! Số hóa tài liệu được coi là bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi số, trong hơn 10 năm qua, thông qua các chương trình số hóa tài liệu, TVQG đã cung cấp tới người sử dụng thư viện các số bộ sưu tập số hóa lên đến hàng triệu trang tài liệu, với tính ưu việt của tài nguyên thông tin số hóa, người sử dụng thư viện đã được hưởng lợi rất lớn khi có thể dễ dàng tìm kiếm, truy cập, sử dụng tri thức mà không bị cản trở bởi không gian và thời gian. Đặc biệt thuận lợi khi ngày nay các thiết bị cầm tay thông minh được sử dụng một cách rộng rãi.

Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang dần tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), trong đó dữ liệu được coi là “nhiên liệu” để vận hành cho cuộc cách mạng này, thì dữ liệu đã được số hóa không chỉ phục vụ riêng cho đối tượng bạn đọc thông thường mà còn là nguồn thông tin, dữ liệu cho các hệ thống phân tích tự động của Chính phủ hoặc doanh nghiệp CNTT khai thác sử dụng.

PV: Mục tiêu của chương trình đặt ra tới năm 2025 là số hóa được 70%  sách quý, tư liệu quý mà thư viện hiện đang lưu giữ. Việc này có khó khăn không khi mà nhiều trong số đó chịu tác động của thời gian, khí hậu… đã bị hư hại?

KTN: Ngay từ khi có chủ trương số hóa tài liệu, TVQG đã ưu tiên tài liệu cổ, quý hiếm được số hóa trước. Những bộ sưu tập đầu tiên được số hóa là: Sách Hán Nôm; Sách Đông Dương; Báo, tạp chí Đông Dương; Luận án tiến sĩ…

Đối với những sách, tư liệu quý đã được số hóa và phục vụ trực tuyến, bản gốc dạng giấy sẽ được bảo quản theo chiến lược bảo quản lâu dài và không phục vụ. Như vậy tài liệu sẽ ít bị tác động gây hư hại từ con người và môi trường, cùng với công tác phục chế, bảo tồn và thực hiện chiến lược bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn sẽ làm tăng tuổi thọ của tài liệu, đặc biệt là các tài liệu cổ, quý hiếm, qua đó tăng cường được việc giữ gìn di sản thành văn của dân tộc, mặt khác vẫn phục vụ được người sử dụng thư viện truy cập, khai thác.

PV: Ý nghĩa của việc số hóa là rất lớn song để có thể triển khai được theo đúng mục tiêu đề ra thì ngành phải đối mặt với những khó khăn gì?

KTN: Có rất nhiều khó khăn, thách thức, có thể kể ra một số khó khăn, thách thức chính như hạ tầng trang thiết bị cho việc số hóa tài liệu, các phần mềm chuyên ngành, nhân lực, kinh phí dành cho công tác số hóa…

Thực tế, các máy scanner, máy chụp ảnh… để tạo lập nguồn tài nguyên thông tin số tại các thư viện còn thiếu, chỉ có một số thư viện lớn được trang bị các loại máy scanner chuyên dụng hiện đại có tốc độ số hóa nhanh, còn lại vẫn còn nhiều thư viện có ít hoặc chưa được trang bị các thiết bị số hóa. Có rất ít thư viện được trang bị các phần mềm quản trị thư viện điện tử, thư viện số đạt chuẩn quốc tế để quản lý và triển khai các dịch vụ cung cấp nguồn tài nguyên thông tin trên môi trường số. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc liên kết, tích hợp, chia sẻ tài nguyên thông tin dùng chung.

Thêm nữa công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động thư viện trong thời gian qua chưa được quan tâm, hỗ trợ một cách đúng mức. Bởi vậy, để ngành thư viện thực hiện chuyển đổi số thành công, bảo đảm các mục tiêu đề ra, rất cần sự quan tâm hơn nữa của toàn xã hội.

PV: Xin cảm ơn bà!

Với “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, mục tiêu đến năm 2025 là hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số… tại  100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với TVQG Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (thư viện có vai trò quan trọng). Đối với các thư viện chuyên ngành, thư viện tại các trường đại học, tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp… tỷ lệ số hóa hướng tới mục tiêu là 60 - 80%...