Kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 - 19-8-2018) và Quốc khánh mùng 2 tháng 9 (2-9-1945 - 2-9-2018)

NSƯT Tiến Hợi: Vai diễn Bác Hồ là cái duyên với đời tôi!

Hơn 30 năm kể từ lần đầu tiên vào vai Bác Hồ kính yêu của dân tộc, đến nay NSƯT Tiến Hợi vẫn được đánh giá là diễn viên thể hiện vai Bác Hồ xuất sắc nhất trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh. Ông chia sẻ niềm vinh dự với Thời Nay.

Nghệ sĩ Tiến Hợi (bên trái) thể hiện vai Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.
Nghệ sĩ Tiến Hợi (bên trái) thể hiện vai Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.

Phóng viên (PV): Lần đầu tiên được nhận vai Bác Hồ ông có cảm xúc thế nào?

NSƯT Tiến Hợi (TH): Tôi tình cờ nhận được vai diễn này khi mới 28 tuổi. Đối với tôi đây là một vinh dự rất lớn song lại mang nhiều áp lực. Hóa thân vào một vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc không hề đơn giản. Tôi đã tìm nhiều tư liệu và liên tục tập luyện từ dáng dấp, thần thái sao cho giống Bác nhất, thu băng giọng nói của Người và tập suốt ngày đêm.

Cảm xúc như vỡ òa khi tôi vừa bước ra sân khấu diễn vở “Đêm trắng”, cả hội trường đứng dậy vỗ tay. Trong khi diễn, mọi người rất tập trung xem. Nhiều người cảm động không kìm nổi nước mắt. Tôi không nghĩ khi vào vai Bác lại được khán giả đón nhận đến như vậy, cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in cảm giác vui sướng ấy. Ngày đó, với tâm thế là một diễn viên trẻ, được diễn để thỏa đam mê là tôi thấy hạnh phúc rồi, vậy mà lại được đảm nhận một vai diễn lớn như thế thì đây chính là sự may mắn không dễ gì có được.

PV: Đã có hơn 40 lần tham gia vào các vai diễn về Bác, điều ông tâm đắc nhất là gì?

TH: Điều tôi tâm đắc nhất là bản thân mình được đóng góp sự sáng tạo để cho vai diễn này trở nên gần gũi với khán giả hơn. Như trong bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 1946”, theo kịch bản là cảnh đêm khuya, Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến giữa một ngôi làng ở ngoại ô Hà Nội. Trong căn phòng nhỏ, Bác cầm tờ giấy đi đi lại lại, đọc nhẩm nội dung đã viết để chuẩn bị thông báo với cả nước. Sau đó Bác dừng trước ngọn đèn dầu, lấy điếu thuốc và bao diêm định châm để hút. Nhưng tôi thấy như vậy chưa ổn, tôi đã đề xuất với đạo diễn là tôi sẽ ghé điếu thuốc vào và châm ngay tại ngọn đèn ấy, cất bao diêm đi. Như thế sẽ thể hiện được đức tính tiết kiệm của Người khi sinh thời. Khi diễn chi tiết này, tôi chợt có suy nghĩ, biết đâu Bác tiết kiệm một que diêm rồi sau này lên chiến khu, từ que diêm đó sẽ đốt lên ngọn lửa cách mạng thì sao? Sau khi quay xong, đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh đã đến ôm tôi và nhận xét đây là một sáng tạo hay.

PV: Có thể nói sự nghiệp của ông đã “đóng đinh” với vai diễn Bác Hồ, vậy vai diễn ấy có tác động gì đến cuộc sống đời thường của ông?

TH: Tôi đã diễn vai diễn này được mấy chục năm rồi, hàng trăm vở diễn lớn nhỏ trên sân khấu rồi đến phim truyền hình, phim điện ảnh. Vì thế mà phong cách sống của Bác cứ tự nhiên ngấm dần vào tôi, hình thành một phần tính cách con người tôi. Tôi học được ở Bác đức tính dung dị, mộc mạc và sự chính xác trong công việc. Nhiều khi tôi đi ra ngoài đường, gặp mọi người, họ cứ hay nói hình như tôi bị “nhiễm” vai diễn của Bác Hồ hay sao mà từ dáng đi, dáng tay, tác phong giống Bác như thế. Bản thân tôi thì không nghĩ đến chuyện đấy nhưng người ngoài họ quan sát thấy, đôi khi đi tập, ngồi nói chuyện với các anh chị em trong đoàn, tự nhiên giọng nói lại nảy lên chất giọng cũng rất giống Bác. Đến bây giờ tôi vẫn luôn thấy, không chỉ sự nghiệp mà ngay cả với cuộc đời tôi, vai diễn Bác Hồ chính là một cái duyên!

PV: Đã có rất nhiều nghệ sĩ thử sức với vai diễn này, vậy theo cảm nhận của ông, ai là người thể hiện thuyết phục nhất?

TH: Tôi biết một vài cái tên đã từng diễn vai Bác Hồ như NSND Mạnh Linh, NSND Lê Tiến Thọ, NSƯT Hà Văn Trọng hay nghệ sĩ Ngọc Thủy... Họ chủ yếu diễn ở sân khấu với đa dạng các thể loại như tuồng, chèo, cải lương… Gần đây nhất tôi thấy ấn tượng với diễn viên Minh Hải của Nhà hát Kịch Việt Nam, cậu ấy đã cố gắng thể hiện được một phần tinh thần của Bác mặc dù có đôi chỗ chưa thật sự được chuẩn.

Tuy nhiên, những diễn viên hiện nay khi vào vai Bác Hồ thường chỉ dừng ở mức mô phỏng lại hình tượng nhân vật, chưa có sự đi sâu tìm tòi để tạo ra kịch tính, chưa thể hiện được cốt cách cũng như tâm tư, tình cảm của Người trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau.

PV: Ông có gợi mở gì cho các diễn viên thế hệ sau này khi thể hiện vai diễn Bác Hồ?

TH: Trước kia, thế hệ của các chú, các anh đã từng tham gia hoạt động cách mạng, viết được những kịch bản về Bác vô cùng xuất sắc, điều này cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công của một người diễn viên như tôi. Ngày nay, người trẻ rất ngại đụng chạm đến đề tài này bởi chúng ta bắt buộc phải tôn trọng lịch sử, nắm được rõ chặng đường hoạt động của Bác, vậy thì việc vừa bảo đảm độ chính xác vừa phải sáng tạo sao cho hấp dẫn là không dễ dàng. Các nghệ sĩ sau này, ai muốn tâm huyết với vai diễn Bác Hồ thì tôi cũng rất mong họ tìm nhiều phim tư liệu để xem, nghe nhiều băng ghi âm Bác nói chuyện và nghiên cứu thật chi tiết để làm sao có được thần thái gần giống Bác. Điều quan trọng nữa là mỗi người diễn viên phải luôn cố gắng tập trung, quyết tâm và tự tin để tạo được ấn tượng tốt với khán giả.

PV: Xin cảm ơn NSƯT Tiến Hợi!