Nhiều ý nghĩa khi nhận giải quốc tế ICH

Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường Vũ Đức Hiếu đang kiên trì sáng tác gốm tại xưởng trong bảo tàng. Chúng tôi có dịp trò chuyện với anh khi được biết bảo tàng vừa nhận được Giải thưởng quốc tế Jeonju International Awards 2020 cho lĩnh vực thúc đẩy di sản văn hóa, sẽ chính thức trao giải online ngày 18-9.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu đang sáng tác gốm tại bảo tàng.
Họa sĩ Vũ Đức Hiếu đang sáng tác gốm tại bảo tàng.

Phóng viên (PV): Hoạt động của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường vì sao lại được nhận giải thưởng văn hóa từ một nơi khá xa như vậy, thưa anh?

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu (VĐH): Giữa năm 2018, tôi có việc sang Hàn Quốc, đã từng đi qua thành phố Jeonju - thủ phủ của tỉnh Jeollabuk - do ở phía tây nam Hàn Quốc. Bên cạnh những ngôi nhà chọc trời, thành phố vẫn lưu được ngôi làng cổ với những ngôi nhà “hanok” cổ hơn 500 tuổi. Đây cũng là giá trị di sản sống động thu hút du lịch của Jeonju. Điều này khiến ông thị trưởng thành phố cùng các lãnh đạo nơi đây sáng lập ra giải thưởng mang tên đầy đủ là “Jeonju International Awards for Promoting Intangible Cultural Heritage” (viết tắt tiếng Anh là giải ICH). Dịch ra là “Giải thưởng quốc tế từ thành phố Jeonju, trao cho tổ chức hay cá nhân khắp thế giới về việc đã Bảo vệ và truyền lại Di sản văn hóa phi vật thể”. 

Theo đúng thể lệ tiêu chí thì giải ICH sẽ được trao cho cá nhân hay cộng đồng địa phương, điều phối viên, tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức khác trong việc thực hành phát triển mô hình hóa, đoàn kết xã hội và hợp tác trong các hoạt động văn hóa; nâng cao niềm tự hào về văn hóa cộng đồng trong các mô hình bảo vệ di sản văn hóa từ bất kể quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, chủng tộc nào. Hiệu quả cuối cùng là giá trị đạt được trong việc bảo tồn các nền văn hóa cổ và làm sao để phát triển nó trong đời sống đương đại. Giải ICH đã bước vào năm thứ sáu, là năm 2020, cũng là lần đầu tiên trao giải qua internet (online) chứ không phải mời đến trực tiếp tại thành phố Jeonju trong năm lần trước.

PV: Anh có thể giải thích kỹ hơn về giá trị giải thưởng này được không?

VĐH: Giá trị cụ thể của giải ICH là 30 nghìn USD cho một lần trao giải vào tháng 9 hằng năm. Một lần trao giải như vậy có thể được chọn trao cho từ 1 - 5 cá nhân hoặc tổ chức văn hóa khắp nơi trên thế giới (tức là 30 nghìn USD có thể chia từ 1 - 5 trong một lần trao giải). Và các cá nhân, hay tổ chức được giải được mời hai vé máy bay sang Jeonju nhận giải thưởng và du lịch tại Hàn Quốc trong 10 ngày. 

Đáng tiếc là năm nay dịch bệnh, nên Hàn Quốc tạm dừng mời khách đến tận nơi trao giải và tôi có muốn cùng vợ tôi đi nhận giải thì cũng chịu (cười). Nhưng nói cho đến cùng thì giá trị của giải ICH không hẳn là bao nhiêu tiền và một cuộc du lịch. Nên biết làm sao để có thể được trao giải khi hằng năm phải “so điểm” với hàng trăm cá nhân hay tổ chức văn hóa khắp nơi trên thế giới được ban tổ chức giải chọn lựa, chấm giải. Bắt đầu từ tháng 4 cho đến tháng 6 hằng năm, ban tổ chức (BTC) giải phải làm các nhiệm vụ: 1. Sàng lọc cơ bản 2. Đánh giá cuối cùng 3. Xác minh công khai và thông báo tới các đơn vị - cá nhân được giải. Ban giám khảo chấm giải gồm 11 chuyên gia văn hóa của nhiều nước khắp năm châu. Các chuyên gia này đều được mời và là những chuyên gia được UNESCO đánh giá trân trọng. 

Ngoài năm phần hồ sơ tài liệu được gửi từ tháng 4, thì BTC sẽ cử người đến tận nơi từng địa điểm văn hóa lọt vào sau lượt đánh giá cuối cùng và “chấm điểm xác minh thực tiễn” là địa điểm văn hóa đó hoạt động ra sao. Cuối cùng, sau khi nhận giải, thì địa điểm văn hóa đó được coi như là “một khuôn mẫu trong việc Bảo vệ và truyền lại Di sản văn hóa phi vật thể”, được tuyên truyền rộng rãi. Và các cá nhân hay đơn vị, tổ chức tại nơi khác có thể lấy đó làm hình mẫu để “tái thực hành”, áp dụng vào trường hợp một di sản văn hóa phi vật thể nào đang… “kêu cứu”. 

Đó mới là giá trị sâu xa mà các địa chỉ văn hóa do cá nhân hay cộng đồng, tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới thích thú và mong chờ nhận được!

PV: Năm nay bảo tàng cũng đã… 13 tuổi. Hiện giờ, ngoài việc bảo tàng có những thành công được ghi nhận, thì anh còn thấy những khó khăn gì tiếp theo nữa?

VĐH: Để nói đến các thành công của bảo tàng, thì tôi cần cảm ơn là các nhà báo! 13 năm, chúng tôi gặp khá nhiều thăng trầm, và các nhà báo luôn theo sát mọi hoạt động của nơi này. Chúng tôi còn lưu giữ được hàng trăm bài báo từ báo viết đến báo hình, phát thanh cùng phim ảnh tài liệu. Từ sau năm 2017, tôi lại được chính quyền các tỉnh  khắp nơi trong nước như Ninh Bình, Quảng Nam, TP Việt Trì… và ngoài nước như TP Tuyền Châu (Trung Quốc) mời làm chuyên gia, hoặc giới thiệu văn hóa Mường trong các lễ hội, hoặc tư vấn, phục dựng những di sản văn hóa ở các nơi đó. 

Thành công liên tục là vậy, nhưng ngay chính tại nơi đây cũng gặp không ít khó khăn. Từ trung tâm thành phố Hòa Bình tới đây chỉ khoảng 7 km. Nhưng việc mở rộng đường đi qua bảo tàng, việc đền bù giải phóng mặt bằng cho dân cả năm nay vẫn chưa xong, làm cho du khách mọi nơi đến đây rất khó. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến việc tổ chức hoạt động sinh hoạt gắn di sản với nghệ thuật đương đại như bảo tàng vẫn làm các năm trước. 

PV: Cảm ơn anh, mong rằng sau khi bảo tàng nhận giải quốc tế, một số khó khăn hiện nay sẽ được cải thiện!