Giám đốc Nhà hát Nhạc kịch và ba-lê hàn lâm quốc gia Ekaterinburg

Nghệ thuật chuyên nghiệp luôn có triển vọng phát triển

Mới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đoàn nghệ sĩ Nhà hát Nhạc kịch và ba-lê hàn lâm quốc gia Ekaterinburg - một trong bốn nhà hát âm nhạc danh tiếng nhất của LB Nga, công diễn vở ba-lê kinh điển “Giselle”. Andrei Shishkin (ảnh), Giám đốc nhà hát đã dành cho báo Thời Nay một số chia sẻ về vở diễn, tương lai của nhạc kịch và quan hệ Việt Nam - Nga.

Nghệ thuật chuyên nghiệp luôn có triển vọng phát triển

Phóng viên (PV): Thưa ông vì sao vở “Giselle” được chọn cho buổi công diễn tại Việt Nam lần này của đoàn?

Andrei Shishkin (AS): Chúng tôi nhận được lời mời tới Việt Nam cách đây nửa năm. Ban đầu, chúng tôi nhận được đề nghị diễn vở “Hồ thiên nga”, một vở cần rất nhiều diễn viên. Sau đó là đề nghị diễn vở “Kẹp hạt dẻ”. Vở này lại cần nhiều trang trí, đạo cụ phức tạp. Chúng tôi vận chuyển hai công-ten-nơ đạo cụ bằng đường biển cho lần diễn này. Nếu là vở “Kẹp hạt dẻ”, thì đã phải cần tới năm công-ten-nơ. Sau khi thảo luận với Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, chúng tôi chọn vở “Giselle” - vở kịch khá gọn gàng và lại đặc trưng cho ba-lê truyền thống của Nga, bởi vở này được dựng bởi nhà biên đạo ba-lê lừng danh Marius Petipa. Vở diễn rất cổ, hơn 180 năm tuổi và từng rất thành công ở Nga, cũng như Pháp.

PV: Công diễn ở Việt Nam khác gì với công diễn ở các nước?

AS: Thứ nhất là khí hậu. Khí hậu Việt Nam không phù hợp với chúng tôi. Khi chúng tôi rời nước Nga vẫn là +7 độ. Ở đây rất nóng, 42 độ và ẩm khủng khiếp, khiến chúng tôi mệt mỏi. Mệt mỏi cả trên sân khấu vì khó thở. Thứ hai, ngoài biểu diễn chúng tôi còn muốn đi tham quan. Việc để lại ấn tượng cho đoàn mỗi khi đi lưu diễn là rất quan trọng.

PV: Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng, ngày nay với sự phát triển của điện thoại thông minh, các show truyền hình, rạp phim…, người ta ít tới nhà hát hơn?

AS: Trên thực tế, ở Nga, chúng tôi không gặp vấn đề này. Thậm chí xu hướng khán giả tìm đến nhà hát còn tăng lên. Nhà hát chúng tôi có gần 1.000 chỗ ngồi. Chúng tôi diễn 255 vở/năm, trong đó có cả nhạc kịch và ba-lê. Tỷ lệ vé bán ra khoảng 90%. Tôi cho rằng, xu hướng này không chỉ trong nhà hát của chúng tôi, mà còn ở nhiều nơi khác tại Nga. Ngày nay, đúng là có nhiều cách tiếp cận thông tin, qua internet, truyền hình…, nhưng nhà hát là sự giao tiếp sống động, mà không thể tìm được hình thức tương tự hoặc có thể thay thế. Nhà hát là điều kỳ diệu. Và nghệ thuật chuyên nghiệp luôn có triển vọng phát triển.

Ngoài Nga, chúng tôi còn đi lưu diễn nhiều nơi, tích cực nhất là tại châu Âu, ở Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ… Hầu như mỗi dịp năm mới, chúng tôi đều diễn ở Đức. Bảy năm gần đây chúng tôi đều tham gia lễ hội âm nhạc và vũ đạo tại Băng-cốc - Thái-lan.

Chúng tôi chi một khoản tiền không nhỏ vào quảng cáo. Thậm chí có thể nói rằng, nhà hát chúng tôi có công ty truyền thông riêng. Phải làm sao để thông tin về nhà hát, về các vở diễn xuất hiện nhiều nhất có thể, để người dân trong thành phố phải biết nhà hát đang có sự kiện gì diễn ra.

PV: Có phải tên gọi không chính thức “Ural Opera Ballet” xuất hiện cách đây một năm cũng là một cách để nhà hát của ông tiếp cận khán giả dễ hơn?

AS: Đúng vậy, tên gọi chính thức “Nhà hát Nhạc kịch và ba-lê hàn lâm quốc gia Ekaterinburg” nghe rất cổ điển, chỉn chu, nhưng dài và khó nhớ. Làm sao người nước ngoài có thể nhớ và nhắc lại được tên dài như vậy. Vì thế, chúng tôi chọn một cái tên mới, mang tính thương hiệu. Mọi chuyện thật tuyệt, chỉ mất khoảng nửa năm mọi người quen với tên gọi mới của nhà hát.

PV: Trong bối cảnh hai nước đang tổ chức “Năm chéo” - Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam (2019-2020), nhà hát của ông có kế hoạch cho buổi công diễn tiếp theo tại Việt Nam hay sự hợp tác với các đồng nghiệp Việt Nam không?

AS: Đối với chúng tôi, được tới Việt Nam biểu diễn vào dịp này thật vinh dự. Vì vậy, vở diễn của chúng tôi mang đầy trách nhiệm. Dù là ở sân khấu lạ, nhưng chúng tôi cố gắng làm mọi thứ thật chất lượng.

Chúng tôi đã gặp Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội. Biên đạo ba-lê của chúng tôi, cô ấy cũng đã có những buổi hướng dẫn cho các nghệ sĩ nữ của Việt Nam. Chúng tôi cũng có cuộc thảo luận với Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh. Tháng 8 tới chúng tôi có thể cử diễn viên chính sang Việt Nam để chuẩn bị cho vở “Hồ thiên nga”, dự kiến công diễn vào tháng 10. Sau đó, chúng tôi sẽ giới thiệu biên đạo múa cho vở “Romeo và Julliet”.

PV: Ông nghĩ sao về tiềm năng hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Nga trong lĩnh vực âm nhạc và sân khấu?

AS: Nước Nga giàu văn hóa âm nhạc và sân khấu. Chúng tôi có nhiều nhà hát, dàn nhạc và đội ngũ làm nghệ thuật chuyên nghiệp. Tôi nghĩ rằng, quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực âm nhạc và sân khấu đang có nhiều tiềm năng phát triển. Các nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhạc công Nga có thể truyền cảm hứng, giúp cho sự phát triển văn hóa âm nhạc và sân khấu của Việt Nam. Để làm sâu sắc sự hợp tác song phương trong lĩnh vực này, theo tôi cần, thứ nhất, có sự quyết tâm. Thứ hai, chúng ta cần tìm được những đơn vị thật sự quan tâm và có nguyện vọng hợp tác.

PV: Cảm ông về cuộc trò chuyện!