Minh họa tốt sẽ góp phần “giữ chân” độc giả

Bền bỉ vẽ minh họa cho các báo, tạp chí trong hơn hai thập niên qua, họa sĩ Ngô Xuân Khôi (ảnh) là cái tên được nhiều người nhớ. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh để hiểu hơn về công việc của một họa sĩ vẽ minh họa.

Minh họa tốt sẽ góp phần “giữ chân” độc giả

Phóng viên (PV): Thưa họa sĩ Ngô Xuân Khôi, anh bắt đầu vẽ minh họa cho báo chí từ khi nào?

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi (NXK): Từ cách đây hơn 20 năm, thực ra thì còn lâu hơn thế, khi còn là sinh viên qua bạn bè giới thiệu, tôi đã cộng tác với một vài tờ báo nhưng không thường xuyên. Khi ra trường đi làm ở NXB Thế giới, tôi được nhà thơ Nghiêm Huyền Vũ giới thiệu với thư ký tòa soạn báo Văn nghệ, lúc ấy là nhà văn Hữu Nhuận. Khoảng năm 1997, và tôi cộng tác từ đó đến nay.

Tôi xem đó là một cơ duyên, một sự may mắn vì Văn nghệ là tờ báo văn chương có uy tín. Các họa sĩ tên tuổi đều tham gia vẽ minh họa cho báo này.

PV: Bền bỉ vẽ minh họa suốt 22 năm qua, vậy quan niệm của cá nhân anh khi vẽ minh họa cho các tác phẩm văn chương?

NXK: Minh họa theo cách hiểu thông thường là vẽ để làm “sáng”, làm rõ nội dung truyện, nhưng không chỉ đơn giản và thuần túy vậy. Như chúng ta đã biết minh họa là một đơn vị thông tin độc lập và hoàn chỉnh, chứ không chỉ đóng vai trò phụ họa cho bài báo, càng không thể chỉ để lấp chỗ trống. Minh họa báo chí là một yếu tố quan trọng trong cấp độ đọc đầu tiên, thu hút sự chú ý tức thì của độc giả. Một hình minh họa tốt sẽ “giữ chân” độc giả và dẫn dụ họ đến với truyện, với câu chữ. Không chỉ là thông tin thông thường, minh họa còn có thể tạo ra một mối liên hệ đặc biệt, mối liên hệ cảm xúc, giữa tác giả với họa sĩ, giữa tác giả với độc giả, giữa tờ báo với bạn đọc.

Minh họa đôi khi là sự nối dài của truyện, nghĩa là không chỉ vẽ những gì được tả kể trong truyện mà nó là chắp nối sự liên tưởng, gợi mở những thông điệp mà câu chuyện muốn chuyển tải.

Minh họa tốt sẽ góp phần “giữ chân” độc giả ảnh 1

Một bức minh họa của họa sĩ Ngô Xuân Khôi.

PV: Vậy tên tuổi của tác giả, chất lượng của tác phẩm văn học có tác động gì nhiều đến việc hoàn thành những tác phẩm minh họa của anh không?

NXK: Có chứ, rất nhiều đấy. Truyện hay và có nhiều chi tiết, nhiều tình huống sâu sắc, gay cấn sẽ gợi ý, tạo hưng phấn rất nhiều cho người vẽ. Những truyện có nội dung và vùng, miền địa lý mà mình am hiểu, có vốn sống càng thích thú, tự tin. Tạo âm hưởng văn hóa, không gian và thời gian mà các nhân vật trong truyện đang sống là điều tôi luôn chú ý, cố gắng tạo dựng cho bức vẽ.

PV: Xin anh chia sẻ một vài kỷ niệm về việc vẽ minh họa cho các tác phẩm của các nhà văn?

NXK: Kỷ niệm thì nhiều lắm! Nhờ việc vẽ minh họa mà tôi quen biết thêm nhiều nhà văn, nhà thơ. Một lần tôi vẽ minh họa truyện cho tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau khi truyện được in, tác giả truyện ngắn liên hệ với tôi xin được lưu giữ bản gốc của minh họa làm kỷ niệm. Tác giả này là nhà văn Nguyễn Hiệp ở Bình Thuận. Tôi đồng ý và hứa sẽ gửi tranh cho anh bằng đường bưu điện. Tranh vẽ trên giấy xuyến chỉ, tôi cứ cầm đi cầm về chưa ra bưu điện gửi được, dạo ấy thời tiết mưa nhiều, nước mưa thấm loang lổ vào tranh. Khi nhận tranh nhà văn nhắn: “Mình nhận được tranh rồi, nhìn tranh cảm động lắm vì cái tình”.

PV: Công nghệ hiện đại có tác động, hỗ trợ gì cho việc vẽ minh họa của anh không? Một số họa sĩ vẽ minh họa bằng chương trình trên máy tính, còn anh?

NXK: Công nghệ hiện đại có ảnh hưởng và giúp ích nhiều trong việc vẽ minh họa. Họa sĩ không phải mang minh họa đến trực tiếp tòa soạn nữa, mọi việc nhanh chóng và kịp thời. Công nghệ giúp tìm kiếm tra cứu tư liệu nhanh. Sau khi vẽ (bằng tay) không phải bức nào cũng được như ý, máy tính là trợ thủ đắc lực giúp chỉnh sửa, thậm chí là cắt ghép để có minh họa hoàn chỉnh. Minh họa vẽ bằng các phần mềm máy tính rất hữu hiệu và công năng.

Nhưng minh họa văn chương tôi vẫn thích vẽ tay vì nó rung hơn, cảm xúc hơn, nhuần nhụy và ra được cái đặc trưng của từng chất liệu vẽ.

PV: Thế còn chế độ nhuận bút cho các tác phẩm minh họa có tác động gì đến nghiệp vẽ minh họa không, thưa anh?

NXK: Nhuận bút vẽ minh họa hầu hết các báo đều không nhiều, trước đây cũng như bây giờ. Không có họa sĩ nào xem minh họa là nguồn thu nhập cả. Tham gia vẽ minh họa cho các báo với các họa sĩ chủ yếu là niềm vui. Dù đã nhiều năm vẽ minh họa cho nhiều báo nhưng tôi vẫn háo hức, hồi hộp đứng trước quầy báo khi mở trang có minh họa do mình vẽ.

PV: Xin cảm ơn họa sĩ Ngô Xuân Khôi!