Hướng đi hay để lan tỏa bản sắc

Nhân dịp ra mắt “Giấc mơ trên lưng”, MV ca nhạc đậm chất dân tộc, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang (trong ảnh) chia sẻ với Thời Nay về quan điểm, phong cách sáng tác và quá trình kết hợp âm nhạc truyền thống Việt Nam với âm nhạc hiện đại.

Hướng đi hay để lan tỏa bản sắc

Phóng viên (PV): Ngô Hồng Quang thân mến! Bản sắc của các giai điệu âm nhạc Việt Nam khác gì so giai điệu quốc tế? Làm thế nào để kết hợp hai dòng âm nhạc này với nhau?

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang (NHQ): Tất cả những bản nhạc Việt đều có chất riêng của từng vùng miền, từ nhạc của cây đàn tính người Tày đến tiếng đàn môi người H’Mông… Nhưng tất cả những chất ấy được biểu hiện qua một từ gọi là “hoa mỹ”. Hoa mỹ là những nốt rung, nhấn, thể hiện rõ ở việc rung nốt nào, nhanh hay chậm. Hoa mỹ trong âm nhạc Việt Nam biểu hiện rất rõ trên năm nốt được gọi là ngũ cung, mỗi vùng miền lại có chất ngũ cung khác nhau dựa vào đặc tính hoa mỹ khác nhau. Cũng nốt đó nhưng luyến lên luyến xuống để nói lên tinh thần gì, tình cảm buồn vui thế nào. Thậm chí còn có cả những nốt phô nữa. Đó chính là cái hoa mỹ của âm nhạc Việt Nam. 

Âm nhạc thế giới thường được chia thành các cung đều nhau không rung, luyến như âm nhạc Việt. Các nốt nhạc được biến hóa bằng rung, bóp, láy. Các tần số rung chệch lên chệch xuống nhanh chậm khác nhau đó chính là cảm xúc của tâm hồn trong âm nhạc Việt Nam. 

Trong album “Nam nhi” trước đây, tôi hát 10 bài quan họ cổ nhưng lại hòa âm, phối khí cho ngũ tấu dàn dây, trong đó có nhạc cụ phương Tây là violin, viola, cello và double bass. Nên trước khi làm việc với các nhạc công nước ngoài, tôi dành hai buổi nói chuyện và giải thích cho họ về âm nhạc Việt Nam, về dân ca quan họ là như thế nào bởi họ cũng chưa biết gì về âm nhạc của chúng ta cả. Khi viết tổng phổ và phân phổ, tôi đã phải viết rất rõ trên những nốt đó sẽ rung cái gì và nhấn cái gì. Đó là phương pháp mà tôi cho rằng khá khoa học. Các bạn ấy nhìn vào là có thể đánh được ngay. Nếu không có chú thích thì chỉ đánh được đúng nốt thôi, không ra được cái hồn nhạc Việt.

Hướng đi hay để lan tỏa bản sắc -0
Cảnh trong MV “Giấc mơ trên lưng”. 

PV: Nghe nói, gần đây anh có những kết hợp rất thú vị với nhóm “Đàn Đó”?

NHQ: Khi được nhóm “Đàn Đó” mời làm nghệ sĩ khách mời của một chương trình âm nhạc, dù chỉ chơi một bài nhưng tôi thấy âm nhạc của nhóm “Đàn Đó” rất phù hợp âm nhạc của mình, rất phù hợp với con đường tôi đang đi. Đó chính là sự tôn trọng những giá trị và vẻ đẹp tuyệt vời của âm nhạc dân tộc Việt Nam; lấy hồn cốt âm nhạc và chất liệu mộc mạc trong nước như tre, nứa, chum vại… để sáng tác. Đây là điều vô cùng đáng quý và rất khuyến khích các nghệ sĩ trẻ đi theo hướng này. Và nó còn rất phù hợp hướng đi và sự phát triển tự nhiên hướng tới tương lai. Hướng đi đó mang lại thành công cho khá nhiều nhóm khi mang được văn hóa âm nhạc của nước họ đến với thế giới, đó là điều cực kỳ quan trọng. Tôi đã và đang làm và nhóm “Đàn Đó” cũng đi theo hướng như thế. Nên khi chơi cùng nhau thì thấy rất là hợp. Và đương nhiên khi đã hợp rồi thì chơi bài nào cũng được cả. 

PV: Thế còn “Giấc mơ trên lưng”, MV mới nhất của anh thì sao?

NHQ: Trong lần đi lên Hà Giang, tôi vô tình gặp hình tượng hai mẹ con. Đó là hình ảnh người mẹ cõng con lên núi cao để trồng ngô. Cảnh tượng đó, tôi cảm thấy rất dung dị, mang tính bản địa và cũng rất nhân văn nữa. Tôi thấy trên lưng núi đó có hai giấc mơ. Đầu tiên là giấc mơ của em bé trên lưng mẹ và giấc mơ thứ hai là của mẹ trên lưng núi. Ngày nào mẹ cũng đưa con và cõng giấc mơ của mình là đứa con lên núi cao để trồng ngô, mong cho cây ngô sống khỏe, cũng như mong con mình mạnh mẽ như cây ngô sống trên núi vậy. 

Hai giấc mơ trong một hình tượng như vậy, nhưng sau đó tôi nhận ra điều ý nghĩa hơn là người H’Mông có giấc mơ rất đơn giản như thế thôi mà ngày nào họ cũng cõng nó. Từ đó tôi nghĩ, nếu mỗi người chúng ta có giấc mơ của riêng mình mà ngày nào cũng nghĩ và thực hiện nó, tập trung tư duy và sinh lực bằng những công việc và hành động cụ thể thì giấc mơ đó sẽ sớm trở thành hiện thực. Và tôi thấy đằng sau giấc mơ của hai mẹ con người H’Mông là tính hướng thượng rất cao, ngoài hướng thượng còn tính hướng thiện nữa. Từ đó tôi muốn đưa thông điệp này vào bài hát này để nói với mọi người rằng hãy có và nuôi nấng những ước mơ của riêng mình.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

NHQ: Tôi có một sáng tác mang tên “Về đồi non” sau chuyến điền dã ở Hà Giang, gặp cộng đồng người Tày nơi đây. Chuyến đi đã mang cho tôi cảm xúc rất đặc biệt. Tôi ngồi trên mé núi đánh đàn tính hướng sang một ngọn núi khác qua thung lũng rộng lớn. Cảm nhận phía núi bên kia, thấp hơn, xanh mơn mởn khiến tôi nghĩ thử viết một tác phẩm dựa trên chất liệu của người Tày, nhưng biến hóa đi, đưa quãng rộng vào đó và cách ngân nga khác đi nhưng luyến láy chính vẫn là của người Tày.