Nhà văn - họa sĩ Đỗ Phấn:

Hình như chỉ mới viết được cái phần thanh cảnh

Sau cuốn tiểu thuyết “Mùi trần”, nhà văn - họa sĩ Đỗ Phấn (trong ảnh) lại chuẩn bị ra mắt tập tản văn “Hà Nội, chút bụi trên vai người” (NXB Trẻ). Tiếp tục mạch tản văn về Hà Nội, Đỗ Phấn cho thấy một sức viết bền bỉ về một đề tài mà ông dành nhiều tâm huyết để viết. Thời Nay có cuộc trò chuyện với ông.

Hình như chỉ mới viết được cái phần thanh cảnh

Phóng viên (PV): Thưa nhà văn Đỗ Phấn, là tác giả của gần 30 cuốn sách cả tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết nhưng vì sao ông lại cho rằng mình chỉ có một cuốn, cuốn đó mang tên Hà Nội?

Nhà văn Đỗ Phấn (ĐP): Đơn giản vì tôi gắn bó máu thịt với mảnh đất này đã nhiều đời. Hay nói một cách khác, tôi luôn muốn viết về Hà Nội. Thế nhưng hình như tôi mới chỉ viết được cái phần hào hoa thanh cảnh của nó mà thôi. Hà Nội là đất trăm quê, đôi khi cái phần quê kiểng có vẻ còn lớn hơn cả phần còn lại. Và đó chính là mối quan tâm của bất cứ ai yêu Hà Nội.

PV: Khai thác mãi về một đô thị như Hà Nội, hết truyện ngắn tới tản văn, rồi tiểu thuyết, hẳn có lúc ông cũng thấy bí, thấy mệt?

ĐP: Không! Tôi chỉ thấy mình làm chưa đủ thôi. Bởi vì tôi thấy hình như cái gì không có ở Hà Nội thì cũng không có ở trên đời. Bất kể chuyện gì xảy ra ở Hà Nội cũng có thể là đề tài để viết mãi không chán. Hơn nữa, viết với tôi là hoạt động tay ngang nên niềm vui mà nó mang lại chính là mục đích.

PV: Quan sát thị trường xuất bản hiện giờ thấy sách ra khá nhiều, nhưng không nhiều những bài phê bình. Theo ông vì sao?

ĐP: Đúng là việc phê bình cụ thể vào tác phẩm thì hơi ít. Có thể sự ưu ái quan tâm của xã hội với họ là chưa đủ. Nhưng quan trọng nhất là nhiệt huyết ở không ít người có phần suy giảm. Và không thể không nhắc tới việc kiến thức về đời sống của họ còn thiếu hụt khá nhiều. Nhiều người đọc nhiều nhưng hiểu ít. Bên cạnh đó không loại trừ nguyên nhân nể nang thân thích. Hiện trạng phê bình văn học ở ta bây giờ có thể nói là im ắng một cách đáng buồn. Phê bình hàn lâm còn ít những công trình tầm cỡ, đào sâu vào từng tác phẩm. Chỉ thấy những bài có tính chất thống kê giai đoạn. Trong khi, phê bình thù tạc qua mạng xã hội thì ngày nào cũng có.

PV: Thưa ông, ông có nghĩ rằng trong những cuốn sách văn học đã xuất bản gần đây của Việt Nam có tác phẩm nào xứng đáng với giải Nobel văn học, hay chuyện này phải chờ đợi vào những tác phẩm ở thì tương lai?

ĐP: Thiên hạ từng bất ngờ về việc giải Nobel văn chương năm trước được trao cho Bob Dylan, một ca sĩ sáng tác ca khúc. Thế nhưng đọc những ca từ của ông thì thấy nó lớn thật. Nhất là khi nó lay động được nhiều triệu người vài thế hệ thì quả là không nhỏ chút nào. Việt Nam đương nhiên phải chờ vào những thế hệ tiếp sau. Tôi hy vọng thế là bởi tin vào sự học hành bài bản và hội nhập của những thế hệ này.

PV: Xin cảm ơn nhà văn Đỗ Phấn!