NSƯT Trần Vương Thạch:

Hiểu cội nguồn để giữ bản sắc cho đúng

25 năm gắn bó với Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh, trong đó 10 năm là Giám đốc, nhạc trưởng - NSƯT Trần Vương Thạch đã đóng góp một phần quan trọng cho sự phát triển của Nhà hát. Ông chia sẻ với Thời Nay về quãng thời gian cống hiến, cùng những dự định sau khi về hưu.

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch đã góp nhiều công sức vào sự phát triển âm nhạc hàn lâm ở TP Hồ Chí Minh.
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch đã góp nhiều công sức vào sự phát triển âm nhạc hàn lâm ở TP Hồ Chí Minh.

Phóng viên (PV): Thưa ông, trong tình hình hiện nay, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng như thế nào đến các chương trình của Nhà hát?

Nhạc trưởng, NSƯT Trần Vương Thạch (TVT): Năm 2021 này cũng sẽ có những khó khăn như năm 2020, sẽ có những chương trình mà chúng ta không thể biểu diễn được. Trên thế giới, diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta kiểm soát được dịch nhờ vào những chính sách rất phù hợp. Chính vì vậy, ở trong nước chúng ta dần ổn định, hoạt động biểu diễn trong năm nay cũng đã được khởi động trở lại. Nhà hát chúng tôi và các bạn đồng nghiệp ở Hà Nội, ở Nhạc viện TP Hồ Chí Minh đã có những chương trình chào đón khán giả đến thưởng thức. 

Đương nhiên, ngay từ năm ngoái, chúng tôi cũng buộc phải có những thay đổi, từ kịch mục, từ kế hoạch với các nghệ sĩ khách mời cho đến phương thức tổ chức biểu diễn. Chúng tôi không thể mời các nghệ sĩ từ nước ngoài và hoàn toàn sử dụng nội lực, xây dựng các chương trình phù hợp. Tin vui là các chương trình ấy của chúng tôi vẫn thu hút được khán giả, vẫn bán được vé.

PV: Sự thay đổi này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2021 phải không thưa ông?

TVT: Đó là điều chắc chắn! Năm nay, việc mời các nghệ sĩ Việt Nam từ nước ngoài về rất khó, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng xây dựng được một loạt chương trình với nội dung phong phú, đặc biệt sẽ nêu bật được những “tinh hoa” của âm nhạc hàn lâm Việt Nam hiện nay. Thí dụ, sẽ là lần đầu tiên chúng tôi mời được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tham dự Liên hoan, với sự xuất hiện của các nghệ sĩ xuất sắc nhất trong một đêm biểu diễn riêng. Chương trình “Tài năng trẻ” mà chúng tôi đã xây dựng được “thương hiệu” từ những kỳ liên hoan trước, trong năm nay sẽ giới thiệu sự xuất hiện của bốn trong những tài năng trẻ tốt nhất của Việt Nam hiện nay, đó là Hoàng Ngọc Anh Quân (nghệ sĩ kèn clarinet, vừa tốt nghiệp cao học tại Hà Lan), Nguyễn Lan Anh (piano), Phạm Đình Minh (violin) và Phạm Lê Phương (piano). Đặc biệt, chúng tôi đã mời cả hai nghệ sĩ - NSND Đặng Thái Sơn (piano) và NSƯT Bùi Công Duy (violin) biểu diễn trong đêm bế mạc. Đây chắc chắn sẽ là đêm nhạc mà tất cả những người yêu âm nhạc cổ điển đều mong đợi.

PV: Được biết đây sẽ là liên hoan cuối cùng ông tổ chức trên cương vị Giám đốc Nhà hát. Xin hỏi trong nhiệm kỳ 10 năm qua của mình, điều gì khiến ông tự hào nhất và điều gì khiến ông tiếc nhất?

TVT: Vâng, tháng 11 năm nay tôi sẽ chính thức về hưu. Nhà hát thành lập năm 1993 thì đến năm 1996 tôi về nước và làm việc luôn tại Nhà hát. Từ những năm đầu tiên, lực lượng của chúng tôi rất ít ỏi, cả nhà hát có 12 - 13 nghệ sĩ dàn nhạc. Thế nhưng trải qua gần 30 năm, chúng tôi đã xây dựng được một dàn nhạc “đầy đủ” ở TP Hồ Chí Minh, là điều trước đó chúng ta chưa có. Và đến những năm gần đây, với sự hợp tác cùng các nghệ sĩ và các tổ chức nghệ thuật trên thế giới, chúng tôi đã biểu diễn được một cách chuyên nghiệp - có dàn nhạc đệm cho nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp, có cảnh trí sân khấu - những vở vũ kịch, nhạc kịch nổi tiếng trên thế giới như vũ kịch “Kẹp hạt dẻ”, “Nàng Giselle”, nhạc kịch “Cây sáo thần”, “Con dơi”… Đây là thành quả của cả một tập thể rất nhiều con người, của cả một bộ máy, cùng với đó là sự hợp tác nghệ thuật trong và ngoài nước.

Còn điều khiến tôi cảm thấy đáng tiếc là việc chúng tôi vẫn chưa có được đủ biên chế cho dàn nhạc giao hưởng, đoàn vũ kịch và đoàn nhạc kịch. Nhà hát vẫn phải mời các nghệ sĩ cộng tác viên từ Nhạc viện, từ Trường Múa, có chương trình lớn phải mời nghệ sĩ từ Hà Nội vào biểu diễn. Đáng tiếc nữa là chúng tôi vẫn chưa có nhà hát riêng, chưa thật sự có được đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện để có thể biểu diễn thăng hoa trong nghệ thuật. 

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về các kế hoạch sau khi kết thúc công việc tại Nhà hát?

TVT: Tôi có những dự án đã bắt đầu được một thời gian rồi, đều là khởi nguồn từ đam mê nghiên cứu. Tôi thấy rằng âm nhạc truyền thống Việt Nam của chúng ta hiện nay vẫn còn thiếu lý thuyết nền tảng, vì vậy khi cần nghiên cứu, tìm tòi, tồn giữ, phát triển thì chúng ta lại gặp nhiều lúng túng. Đó là lý do khiến tôi bắt đầu nghiên cứu lý thuyết âm nhạc Việt Nam. 

Tôi đã sang châu Âu và tìm thấy rất nhiều sách nghiên cứu của họ về âm nhạc châu Á nói chung và âm nhạc Việt Nam nói riêng mà trong nước chúng ta chưa có. Tôi cũng phải nghiên cứu rất nhiều sách của Trung Hoa cổ để tìm cho được những bằng chứng về sự giao lưu, giao thoa văn hóa… Từ đó, tôi mới phân định được âm nhạc của chúng ta ở thời nào thì ảnh hưởng từ đâu, hoặc biết được có những thời kỳ mà âm nhạc Việt Nam ảnh hưởng ngược lại những nền văn hóa khác. Từ những phân tích ấy, tôi hy vọng sẽ tìm lại được phần còn lại của âm nhạc Việt Nam từ thời xa xưa và âm nhạc của các dân tộc bản địa ở trên mảnh đất Việt Nam. Đây là điều tế nhị, nhưng tôi cho rằng chỉ khi đó mình mới gìn giữ được bản sắc đúng. Những điều tôi vừa chia sẻ ở trên hiện có rất ít tài liệu ở Việt Nam nhắc tới. Vì vậy tôi đã viết, hiện vẫn đang viết tiếp, đây chính là sự nghiệp quan trọng của tôi sau khi về hưu.

PV: Chúc ông nhiều sức khỏe để hoàn thành dự định của mình!