Gửi mùa xuân ra biển đảo

Năm qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài, việc tổ chức các đoàn công tác thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 gặp nhiều khó khăn. Song, người trong đất liền vẫn có nhiều cách đến với các vùng biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. Từng vồng cây quất cảnh, giò phong lan, đặc sản vùng miền… từ khắp nơi được nâng niu, gói ghém, cùng tụ lại ở Thủ đô để sắp sửa “lên đường”, gửi mùa xuân ra biển, đảo. Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng kỹ sư Trần Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương, đơn vị đang tích cực chương trình ý nghĩa, ấm áp như thế.

Gửi mùa xuân ra biển đảo

Phóng viên (PV): Thưa anh, những năm qua chương trình “Xuân biên giới - Tết hải đảo” đã được CLB phát động, tổ chức như thế nào và điểm nhấn ý nghĩa, hành động là gì?

Kỹ sư Trần Thành: Chương trình “Xuân biên giới - Tết hải đảo” mà CLB Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương triển khai đến nay đã được 5 năm liên tục. Năm đầu tiên 2016, khi đó chúng tôi chỉ đơn giản là gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trực Tết trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 mỗi người một cái bánh chưng. Chúng tôi nghĩ rằng, ngày xuân bộ đội có thêm chút tình cảm Tết gửi từ đất liền sẽ cảm thấy ấm áp hơn. Và đúng như vậy, bộ đội đã rất trân trọng tình cảm này, mặc dù giá trị vật chất của món quà không phải quá lớn. 

Chính điều đó thôi thúc chúng tôi trong những năm về sau thực hiện chương trình rộng khắp với nhiều loại quà Tết phong phú hơn. Ý nghĩa đích thực của chương trình là mang hương vị Tết của đất liền đến với biển, đảo. Để những người lính đang làm nhiệm vụ nơi xa có cảm xúc quê hương ở ngay bên mình. Bên cạnh đó, cũng để những người trong đất liền biết được rằng ở ngoài kia đang có biết bao con người hy sinh hạnh phúc riêng tư, bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc. Chúng tôi mong muốn đất liền - biển, đảo gần gũi hơn.

PV: Năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động thế nào tới chương trình CLB đang thực hiện?

Kỹ sư Trần Thành: Năm qua, chúng tôi đã nhận được rất nhiều tâm sự, nhớ nhung của các chiến sĩ nơi đảo xa và các nhà giàn cũng như các cấp chỉ huy. Đến tận bây giờ tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Điều này thôi thúc chúng tôi phải làm gì đó mạnh mẽ hơn những năm trước. Chương trình năm nay huy động số lượng quà tặng lớn hơn với nhiều đặc sản các vùng miền, như: Mứt Tết Hà Nội; quất xuân Văn Giang; phong lan Đà Lạt; tương bần Mỹ Hào; bột nghệ Khoái Châu; mì Chũ Lục Ngạn; mì gạo Hùng Lô; miến dong Yên Bái, Hưng Yên, Thái Nguyên; bánh dừa Bình Định; thạch rau câu Vietfoods; trà Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ… và đặc sản một số vùng miền khác. 

Cùng với đó là món quà tinh thần rất lớn khác đến từ chương trình “Những cánh thư vượt sóng”. Năm nay, CLB đã nhận về rất nhiều thư, thiệp chúc Tết của các em học sinh trên khắp vùng miền Tổ quốc gửi tới bộ đội Trường Sa và Nhà giàn DK1. Có thể kể đến các đơn vị phát động diện rộng như huyện Văn Giang, Hưng Yên, Cẩm Khê, Phú Thọ. Ngoài ra, còn có những tỉnh xa như Kon Tum, Tuyên Quang gửi thư, thiếp về CLB. Tình cảm của các em học sinh năm nay sẽ phủ kín một vùng biển rộng lớn từ quần đảo Trường Sa cho đến các Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. 

PV: Có kỷ niệm gì đáng nhớ đối với anh khi tiếp nhận quà tặng từ các vùng miền và triển khai các hoạt động tuyên truyền?

Kỹ sư Trần Thành: Kỷ niệm đặc biệt đối với tôi là khi đến với Trường tiểu học Yên Tập, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Ngôi trường nhỏ nằm ở một tỉnh trung du Bắc Bộ, không có biên giới, không có biển. Khi tôi hỏi có bao nhiêu em học sinh đã được bố mẹ cho đi biển, thì trong gần 400 học sinh của nhà trường, chỉ dưới 10 cánh tay giơ lên. Như vậy, phần lớn các em đều chưa trực tiếp nhìn thấy biển, đảo. Tuy nhiên, tại nơi trang trọng nhất của ngôi trường này lại có một cột mốc Trường Sa rất cân đối, nằm giữa vườn hoa đẹp đẽ, rực rỡ, ngay bên cạnh cổng trường. Cô Đinh Đoàn - Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: Chúng tôi huy động các nguồn lực xã hội làm nên cột mốc chủ quyền này với mong muốn các em học sinh có cái nhìn trực quan và từ đó chủ động tìm hiểu thông tin về biển, đảo về phần chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Thực tế, khi thực hiện chương trình tại nhà trường, các hội viên CLB đều rất xúc động trước tình cảm đặc biệt của các em học sinh dành cho biển, đảo quê hương.

PV: Hàng nghìn bức thư, bưu thiếp của học sinh được gửi đến các chú bộ đội. Anh từng chứng kiến niềm vui, cảm xúc từ bộ đội khi nhận thư vào năm mới thế nào?

Kỹ sư Trần Thành: Trong các chuyến đi hằng năm, tôi đã chứng kiến rất nhiều những hình ảnh bộ đội trên các đảo nổi, đảo chìm, Nhà giàn DK1 đọc thư từ đất liền. Có những nét chữ đơn sơ của các em học sinh lớp 1, đến những nét chữ rất đẹp của các em học sinh cấp 2, cấp 3, hay những cánh thiệp vô cùng rực rỡ. Tôi đã chứng kiến một cánh thiệp từ học sinh tỉnh Thái Nguyên gửi tới đảo Thuyền Chài B. Khi mở cánh thiệp thì một bông hoa bàng vuông đang nở dần theo chiều mở của thiệp. Một chiếc thiệp 3D khiến chú bộ đội - một chàng lính mới trên đảo phải trầm trồ. Ngay cả anh cũng chưa từng được nhìn thấy một bông hoa bàng vuông ngoài thực tế. Ngày Tết, chính trị viên các đảo cho bộ đội sinh hoạt đầu xuân, đó là khoảng thời gian các cán bộ, chiến sĩ được nghỉ ngơi đôi chút. Trong giờ khắc ấy, những cánh thư, thiếp như giúp các anh “bay thẳng” về đất liền, hay đưa các anh đến với một vùng đất mới như lời tâm sự của một người lính quê ở Sóc Trăng: Em chưa từng được ra bắc, chưa từng được đến Thái Nguyên. Nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ, nhất định em sẽ tìm đến Trường THPT Ngô Quyền để tìm người em gái viết thư này.

PV: Chương trình của CLB muốn gửi thông điệp gì tới những công dân ở đất liền khi họ trao đi tình cảm, quà tặng ra biển, đảo?

Kỹ sư Trần Thành: Tôi vẫn nói rằng, những tình cảm này, những món quà nhỏ này chính là quê hương đối với những người ở nơi đầu sóng. Ở trong đất liền, có thể chúng ta cảm thấy rất bình thường với một gói miến, một nhành quất. Nhưng ở ngoài kia là cả một quê hương đang hiện hữu. Tôi đã từng chứng kiến một anh sĩ quan trên đảo An Bang, khi trông thấy cây quất từ xuồng đưa lên bờ biển, anh đã chạy ào đến bên, nâng nó lên và bưng thẳng vào sân đảo. Gặp ai anh cũng khoe: “Quê em đấy ạ, quất xuân Văn Giang quê em đấy!”. Ngày Tết, ở nơi hải đảo xa xôi, hay trên những nhà giàn chông chênh, chỉ ngắt một chiếc lá chanh, quất thôi, đưa lên mũi, cũng đã thấy cả quê hương đang ùa về.

PV: Qua nhiều mùa đi biển vào dịp gần Tết, anh thấy bộ đội cần nhất điều gì?

Kỹ sư Trần Thành: Tôi nghĩ rằng đó là tình cảm. Ngày Tết, khẩu phần của bộ đội đã được Nhà nước lo toan đầy đủ. Cái chính là tâm trạng xa nhà của bộ đội. Tết, chúng là thường nói là thời khắc thiêng liêng của đoàn tụ, của sum vầy, thì có những người lính rời gia đình ra đi trấn giữ biên thùy. Các anh phải vượt qua một hành trình dài đầy sóng gió và ở lại một nơi cách đất liền vài trăm ki-lô-mét. Có những người lính trẻ tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi, xa nhà, nhớ đất liền lắm. Lại có những sĩ quan dạn dày sóng gió, các anh ra làm nhiệm vụ nâng đỡ lớp kế cận. Ở nơi quê nhà là cha mẹ già, là con thơ, là người vợ chong đèn mỗi đêm bên giáo án. Tôi cảm thấy có một sợi dây tình cảm nối giữa đảo xa với đất liền, một sợi dây nhớ thương, vô hình nhưng lại nắm bắt được.

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!