Gửi gắm tình yêu, sự tri ân qua nghệ thuật

Là một trong những vở diễn giành Huy chương bạc tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ IV, vở cải lương “Bão ngầm” của Nhà hát cải lương Việt Nam được dựng theo tiểu thuyết cùng tên của trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu (nhà văn Chu Lai chuyển thể kịch bản). Đáng chú ý, vở diễn được rất đông đảo khán giả hưởng ứng. Đạo diễn của vở - NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát chia sẻ với Thời Nay.

Gửi gắm tình yêu, sự tri ân qua nghệ thuật

Phóng viên (PV): Xin chị chia sẻ cơ duyên đối với đề tài người chiến sĩ công an nhân dân (CAND) qua kịch bản “Bão ngầm”?

NSND Hoàng Quỳnh Mai (HQM): Tôi chọn kịch bản này đúng là vì cái duyên. Trước hết, tôi yêu mến nhà văn Đào Trung Hiếu, thích tiểu thuyết “Bão ngầm” đã lâu. Trong đó, trung úy Trà, nhân vật chính là một nữ chiến sĩ công an, nên bản thân tôi thấy có nhiều sự đồng cảm trong đó. Vở diễn đi sâu vào những góc khuất của tâm hồn, cuộc đấu tranh giữa lý trí và trái tim của người chiến sĩ, điều hiếm ai có thể chứng kiến hay thấu hiểu. Nhưng tôi quyết tâm cho khán giả thấy điều không thể thấy ấy.

PV: Đâu là những thuận lợi và khó khăn trong quá trình dàn dựng vở diễn?

HQM: Sau thời gian dài giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, mong muốn ra mắt một tác phẩm nhiều tâm huyết, sáng tạo và đi vào lòng người đã trở thành động lực, giúp các nghệ sĩ vượt qua tất cả khó khăn. Ngoài ra, khi làm về lực lượng an ninh, nhiều người cho rằng đó là một đề tài khó và khô cứng. Xây dựng một vở diễn vừa đậm “chất” công an nhưng vẫn ngọt ngào, lãng mạn của cải lương cũng là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, chính những tình huống mâu thuẫn, câu chuyện bi kịch lại là “đất” cho cải lương khai thác. “Bão ngầm” đã chạm tới trái tim người xem thông qua diễn biến tâm lý và mối quan hệ ràng buộc, éo le của các nhân vật chính.

Gửi gắm tình yêu, sự tri ân qua nghệ thuật -0
Một cảnh trong vở cải lương “Bão ngầm”. Ảnh đạo diễn cung cấp 

PV: Điều gì khiến chị tâm đắc nhất với tác phẩm khi dàn dựng?

HQM: Đó chính là hình tượng nhân vật Trà. Trung úy Trà là một chiến sĩ công an được cài cắm nhằm tiếp cận các đối tượng tội phạm và thực hiện nhiệm vụ bí mật. Tuy nhiên, có những thời điểm chính cô cũng chênh vênh giữa ranh giới đúng - sai, giữa lý trí và tình yêu. Để khán giả thấy thế giới nội tâm vô hình của Trà, tôi đã phân thân hai diễn viên đóng cùng một nhân vật, đại diện cho lý trí - tình cảm đấu tranh khi đứng trước gương. Trong tâm hồn một người phụ nữ, hoàn toàn hợp lý và rất “con người” khi nữ chiến sĩ có lúc để trái tim lên tiếng trong quá trình điều tra về người yêu. Nhưng quan trọng hơn, bằng lý trí của người chiến sĩ công an, cuối cùng cô vẫn vượt qua chính mình và chiến thắng kẻ thù để hoàn thành nhiệm vụ. 

PV: Chị mong muốn gì từ vở diễn này?

HQM: Thông qua vở “Bão ngầm”, chúng tôi gửi gắm tình yêu, sự tri ân đối với lực lượng an ninh, những người hy sinh quên mình để giữ bình yên cuộc sống. Tôi và các nghệ sĩ đều dành trọn vẹn tâm huyết và cảm xúc vào tác phẩm. Trong tương lai, hy vọng vở cải lương này cũng như các tác phẩm sân khấu chất lượng trong liên hoan sẽ được giới thiệu tới đông đảo người xem hơn. Thông qua cầu nối nghệ thuật, hình ảnh người chiến sĩ CAND sẽ càng trở nên gắn bó, gần gũi nhân dân, làm cho dân hiểu, dân tin và tham gia tích cực cùng lực lượng công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

PV: Xin cảm ơn chị!

Diễn ra từ ngày 16-7 đến 2-8, Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ IV đã khép lại với 7 Huy chương vàng, 9 Huy chương bạc cho các vở diễn; 59 Huy chương vàng, 72 Huy chương bạc cho các nghệ sĩ. Cùng với đó là các giải xuất sắc cho các vai trò đạo diễn, tác giả, họa sĩ, nhạc sĩ xuất sắc, cùng giải diễn viên thể hiện xuất sắc hình tượng người chiến sĩ CAND…