Nghệ sĩ Lưu Đức Anh:

Diễn nhạc mới để làm mới khán giả Việt

Chuỗi chương trình “Âm nhạc thế kỷ 20” và “ReConect” là hai dự án âm nhạc mà Viện Goethe sẽ tổ chức trong năm 2021, nhằm giới thiệu các tác phẩm, tác giả chưa được biểu diễn nhiều tại Việt Nam, đặc biệt là của các nhạc sĩ suốt chiều dài biến động của thế kỷ 20. Chuỗi chương trình sẽ có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ, giảng viên thuộc Inspirito School of Music. Nghệ sĩ Lưu Đức Anh (đồng sáng lập Inspirito School of Music) chia sẻ với Thời Nay.

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh trong buổi diễn số đầu tiên của dự án “Âm nhạc thế kỷ 20”.
Nghệ sĩ Lưu Đức Anh trong buổi diễn số đầu tiên của dự án “Âm nhạc thế kỷ 20”.
Diễn nhạc mới để làm mới khán giả Việt -0
 

Phóng viên (PV): Thưa anh, thể loại âm nhạc mà nhóm sẽ tham gia trong hai dự án âm nhạc của Viện Goethe là gì?

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh (LĐA): Inspirito School of Music đều biểu diễn âm nhạc đương đại ở cả hai dự án trên. Tập trung vào các tác phẩm âm nhạc thế kỷ 20, 21. Đây cũng là thể loại rất mới ở Việt Nam và cần có thời gian để khán giả “làm quen”. Bởi từ trước đến nay, công chúng chỉ biết nhiều đến trường phái tiền cổ điển, cổ điển lãng mạn, những thể loại âm nhạc mới chưa được tiếp cận nhiều. 

Định hướng quảng bá văn hóa nghệ thuật của kỳ mới rất hợp với định hướng của Inspirito School of Music chúng tôi, những người trẻ đang rất hào hứng với cái mới lạ. Chúng tôi đã thực hiện số đầu tiên của dự án Âm nhạc thế kỷ 20 vào ngày 22-3 vừa qua và được khán giả đón nhận nhiệt tình. Đây là nguồn động viên cho các buổi hòa nhạc trong tháng 4, 5, 6, 7 tại Viện Goethe Hà Nội.

PV: Anh có thể giải thích rõ hơn về thể loại nhạc mới này?

LĐA: Thể loại nhạc mới có biểu cảm khác với âm nhạc thời kỳ trước và có sự phá cách rất lớn. Bắt nguồn từ các nhạc sĩ từ thời hậu lãng mạn khi họ bắt đầu thay đổi từ những khoảng nhỏ, thí dụ như: Franz Liszt từ những năm cuối đời hay Richard Wagner… và rất nhiều các nhạc sĩ khác. Sau năm 1900, phong trào nhạc mới càng mạnh mẽ, các nhạc sĩ tìm những cái gì mới lạ không theo khuôn khổ, không theo quy tắc, thậm chí nghĩ ra được hệ thống thang âm riêng của mình, những ngôn ngữ riêng phá bỏ hết truyền thống. 

Bản thân tôi đã cố gắng nghiên cứu, tìm hiểu, lúc đầu cũng cảm thấy chưa hợp nhưng sau này khi hiểu bản chất, mục đích của các tác phẩm thì mình lại thấy rất thú vị. Các kỹ thuật biểu diễn cũng khá mới lạ, có thể nghệ sĩ sẽ sử dụng những động tác khác với thông thường như chơi nhạc bằng các bộ phận khác của cơ thể… tạo nên những tiết mục độc đáo cho khán giả. 

PV: Liệu những cái mới đó có gây khó khăn cho khán giả?

LĐA: Đây là thể loại âm nhạc không dễ nghe, đòi hỏi khán giả phải sẵn sàng tâm lý và đừng chờ đợi gì hết, như việc tìm kiếm một giai điệu đẹp hay nghe nhạc để thư giãn. Khán giả phải mở lòng để chấp nhận được điều đó. Nếu chấp nhận rồi sẽ thấy âm nhạc thời kỳ này có rất nhiều những tinh hoa. Và khi mà chúng ta có thể nghe được âm nhạc nhiều thời kỳ khác nhau thì vô hình trung khả năng cảm nhận sẽ được nâng lên rất nhiều.

PV: Inspirito School of Music sẽ tham gia như thế nào trong dự án “ReConnect”?

LĐA: “ReConnect” hình thành trong bối cảnh đại dịch vẫn kéo dài trên thế giới, việc tương tác qua không gian ảo ngày càng đóng vai trò thiết yếu. Dự án này giúp hiện thực hóa các cơ hội gặp gỡ xuyên quốc gia bằng hình thức cộng tác trực tuyến. Nhóm chúng tôi sẽ có buổi kết hợp biểu diễn với hai nghệ sĩ người Đức trên không gian trực tuyến vào ngày 12-4 tới. 

Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng một chương trình âm nhạc cho phép xử lý những bất lợi về khoảng cách địa lý, độ trễ do đường truyền mạng. Đó là thể hiện những sáng tác từ năm 1960, những tác phẩm không xác định được cao độ, giao thoa chính xác, thời lượng bản nhạc, các nhạc cụ... Những sáng tác này mang lại cho các nhạc sĩ  sự tự do trong trí tưởng tượng và sáng tạo. Một trong số đó là tác phẩm của nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Âu - Frederic Rzewsky. Các tác phẩm của ông thường có những đoạn không gian. Xen giữa âm thanh của các nhạc cụ là giọng nói nền thể hiện một trong những nội dung tác phẩm… 

Tôi nghĩ đây sẽ là một trải nghiệm rất đặc biệt, bởi khán giả Việt Nam sẽ cảm thấy rất mới lạ với những tác phẩm như vậy. Ngay bản thân chúng tôi cũng chưa có dịp được biểu diễn những thể loại âm nhạc này và chính vì vậy, đây cũng là cơ hội để chúng tôi được học hỏi từ các nghệ sĩ Đức.

PV: Theo anh, đây có phải là một trong những cách để Việt Nam hòa nhịp với thế giới trong âm nhạc không?

LĐA: Đương nhiên, bởi xu thế về âm nhạc đương đại trên thế giới đang phát triển rất mạnh. Việt Nam cũng có nhiều nghệ sĩ theo đuổi trường phái tương tự. Chính vì vậy, những hoạt động như của Viện Goethe sẽ là cơ hội để họ thi triển hết khả năng sáng tạo. Tôi tin rằng nếu như những dự án này được thực hiện thường xuyên, chúng ta sẽ thấy một nền âm nhạc Việt Nam có nhiều điểm mới trong thời gian ngắn. 

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Chuỗi sự kiện “Âm nhạc thế kỷ 20” sẽ được tổ chức vào các ngày 19-4, 24-5, 28-6 và 14-7-2021 tại Viện Goethe Hà Nội (56, 58, 60 Nguyễn Thái Học, Ba Đình). Các buổi hòa nhạc trong dự án “ReConnect” cũng được tổ chức tại địa chỉ trên trong các ngày 
12-4, 10-5, 14, 21-6 và trong tháng 7 là các ngày 3, 5, 17, 26, 30.