Đang vắng tiếng cười sâu sắc trong chèo

Nghệ thuật chèo vốn rất phù hợp không khí hội hè mỗi dịp xuân về bởi có những vai hài, hề mang tới tiếng cười vui rộn rã cho người xem. Nhưng hiện nay, tiếng cười sảng khoái, thâm thúy, sâu sắc của chèo dường như đang dần thiếu vắng. NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội nhận xét về sự thiếu vắng này.
 

Một màn hài độc đáo trong vở chèo “Bắc Lệ đền thiêng” của Nhà hát Chèo Việt Nam. Ảnh: QUANG HƯNG
Một màn hài độc đáo trong vở chèo “Bắc Lệ đền thiêng” của Nhà hát Chèo Việt Nam. Ảnh: QUANG HƯNG
Đang vắng tiếng cười sâu sắc trong chèo -0
 

Phóng viên (PV): Từng tổ chức nhiều buổi diễn chèo ngày xuân, bà có thể cho biết, thời điểm này, người dân thường thích xem những tích gì?

NSND Thúy Mùi: Ngày xuân, trong những lễ hội làng, bà con thường thích xem những câu chuyện cổ tích, huyền thoại nhẹ nhàng, đặc biệt là những vở diễn có yếu tố hài đậm đặc. Với không khí vở diễn tưng bừng, rộn ràng, người xem cảm giác đấy sẽ là điềm tốt cho sự hanh thông của cả một năm mới. Tiếng cười của chèo cũng sâu sắc, thâm thúy, trí tuệ và có tính giáo dục nhưng lại dễ tiếp nhận với tâm thức chung của người dân.

PV: Tôi cũng từng băn khoăn rất nhiều là hiện nay, chèo đang thiếu vắng tiếng cười duyên dáng mà thâm thúy từng là đặc trưng của thể loại. Bà có thể phân tích kỹ nguyên nhân?

NSND Thúy Mùi: Hiện nay, các tác giả rất ít viết theo cách xen kẽ những mảng hài vào, hoặc có viết thì cũng chỉ găm nhẹ, hài hước một chút thôi chứ chưa có những vở tạo được những mảng hài vừa sâu sắc, vừa độc lập lại gắn kết với nội dung vở. Chính vì thế, đây là mảng vẫn còn thiếu vắng, hiếm hoi… Người viết cả những bản trường ca, những bi kịch của những cuộc đời thì nhiều, nhưng để có được những người viết tinh cho chèo, đan cài được những mảng hài thì gần như là chúng ta rất thiếu thốn.

PV: Kinh nghiệm của bà khi dàn dựng các vở chèo, làm thế nào để xử lý, đưa được tình huống hài vào vở diễn? Chắc hẳn, người đạo diễn muốn xây dựng được những mảng trò hay cũng rất cần sự dí dỏm, hài hước trời ban?

NSND Thúy Mùi: Nếu đạo diễn kịch hát mà chưa kinh qua giai đoạn làm diễn viên thì cũng… hơi khó để có thể tạo ra những mảng hài đặc sắc. Bởi vì, những cái hài này rất cần những tư duy, nhận xét tinh tế và có được sự gợi ý, thị phạm cho diễn viên. Tôi cũng có thể kể một thí dụ của chính mình khi xây dựng một mảng diễn. Màn diễn đó là một nữ nghĩa quân to khỏe, hấp tấp đã lên cơn mắng chửi giặc đến độ quên hết người bên cạnh, thậm chí là xéo cả lên chân người khác mà không biết. Lúc đầu, những diễn viên thử vai chỉ biết loay xoay nhún nhún, xỉa xỉa… Tôi đã thị phạm để diễn viên hai tay cầm lấy gấu váy rồi nhảy lên hai ba lần, nhảy trúng chân người bên cạnh khiến anh ta chết điếng mà bà ta vẫn không hề hay biết, vẫn trào sôi nhiệt huyết mắng giặc. Nó đã tạo ra được những tiếng cười rất thú vị. Thì những tình huống như vậy, trong kịch bản không thể có được, chính đạo diễn phải tạo ra được những miếng trò đó. Chỉ có là người có kinh nghiệm diễn mới xử lý tốt những tình huống đó. 

Bên cạnh đó, cũng rất cần tới dàn diễn viên có năng khiếu trời ban về duyên hài. Cho nên, khi chọn lựa diễn viên để đóng những vai hài, mảng hài thì đạo diễn cần phải nắm được diễn viên đó có duyên hay không có duyên hài.

PV: Như vậy, để hài, hề chèo vẫn giữ vai trò tốt thì cần điều kiện ở tất cả các khâu từ kịch bản cho tới đạo diễn, diễn viên… 

NSND Thúy Mùi: Khi xây dựng vở diễn thì chính cái hài nó làm nhẹ bớt, nó làm mềm mại hơn những màn căng thẳng, kịch tính và đó như một phong vị không thể thiếu được, rất riêng của chèo. Nếu những vở chèo mà không có những màn hài như vậy thì không được thành công lắm. Nhưng để có được cái hài hề chèo lại rất cần sự kết hợp giữa đạo diễn, tác giả để có thể tạo ra được tình huống hài. Nếu tạo được tình huống thích hợp, thì sẽ đỡ được cho diễn viên rất nhiều. Còn nếu có được diễn viên có duyên hài để ra sân khấu, thì quả thật là đạo diễn sẽ rất sung sướng bởi vì bất kể trò nhời hay trò diễn thì anh ta cũng có sự đồng sáng tạo với đạo diễn. 

Bên cạnh đó, cần hiểu rõ để những mảng miếng hài không được lấn át đường dây kịch, làm mất đi sự chú ý của khán giả đối với xung đột chính của vở diễn. Đó chính là cái mà người ta vẫn gọi là liều lượng, tiết tấu cần thiết. Hài cũng chỉ là hỗ trợ, tăng giảm những xúc cảm, kịch tính… Như vậy, xử lý sao cho hài hòa, sắp xếp chính phụ, kết cấu hợp lý là rất quan trọng. Có được những sự kết hợp tuyệt vời như vậy thì sẽ có được những mảng trò hay.

PV: Xin cảm ơn NSND Thúy Mùi!

NSND Thúy Mùi: Chúng ta có thể rèn luyện được hàng trăm diễn viên chính nhưng diễn viên hài có duyên, có tài năng, trí tuệ thì có khi rất nhiều năm vẫn không xuất hiện được một người. Đó thường chỉ là vai phụ, nhưng hiếm hoi vô cùng những duyên hài để chỉ cần xuất hiện đã gây được tiếng cười thích thú, sảng khoái cho người xem… Cái đó thường được gọi là tố chất trời cho, bản thân người diễn viên cũng phải hài hước, lạc quan, dí dỏm. Thêm nữa, anh cần tích lũy vốn sống, chịu tư duy, có trí tuệ thì mới tạo được những mảng hài có nhiều ý nghĩa để không biến hài thành xàm ngôn, lộng ngôn.