“Chúng ta đang mất dần những di sản vô giá”

Réhahn tự nhận mình “phải lòng Việt Nam” sau chuyến du lịch đầu tiên năm 2007. Suốt sáu năm, nhiếp ảnh gia người Pháp này đã rong ruổi khắp Việt Nam, ghi lại hình ảnh, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của các dân tộc. Anh có cuộc trao đổi với Thời Nay nhân dịp khai mạc triển lãm ảnh cá nhân “Di sản vô giá” tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam (diễn ra từ 1-8 đến 1-10).

Tác giả Réhahn và những người bạn dân tộc Mông.
Tác giả Réhahn và những người bạn dân tộc Mông.

Phóng viên (PV): Ý tưởng chụp ảnh, sưu tầm trang phục truyền thống và hiện vật từ các nhóm người dân tộc thiểu số ở Việt Nam đến với anh từ khi nào?

Réhahn: Lần đầu đến Sa Pa (Lào Cai) vào năm 2008, tôi bị thu hút bởi trang phục của người Mông, người Dao. Tôi bắt đầu tìm hiểu và được biết Việt Nam có tới 54 dân tộc, với ngôn ngữ, trang phục, văn hóa khác nhau. Với tôi, những di sản quý giá này khiến Việt Nam trở nên khác biệt trên thế giới. Trước đó, tôi không hề biết về điều này. Tôi nảy ra ý tưởng phải tìm kiếm và gặp gỡ được hết những người dân tộc này.

Nhưng mỗi lần trở lại, tôi đều nhận ra ngày càng có ít người mặc đồ truyền thống hơn. Một vài tộc người chỉ có dân số khoảng vài trăm người, chỉ còn người già có thể nói ngôn ngữ gốc và làm các bộ trang phục truyền thống. Chúng ta đang mất dần đi những di sản vô giá. Tôi đã đi đến hầu hết các tỉnh, thành phố Việt Nam, gặp những người của 48 trên tổng số 54 dân tộc, mong muốn được quảng bá văn hóa của họ. Hiện bảo tàng cá nhân của tôi ở Hội An sưu tập được hơn 30 bộ trang phục truyền thống của các dân tộc.

“Chúng ta đang mất dần những di sản vô giá” ảnh 1

Người Lô Lô (tác phẩm của Réhahn).

PV: Anh đã làm thế nào để có những tác phẩm ưng ý?

Réhahn: Tôi đi xe máy để tìm cảm hứng, thi thoảng dừng bên vệ đường, nói chuyện với những người dân tình cờ gặp. Tôi đã đến những ngôi làng xa xôi nhất, gặp gỡ người dân, ngồi xuống đất, trò chuyện thoải mái và tự nhiên với họ. Khó có một bức ảnh đẹp nếu người chụp không tạo được mối liên hệ với nhân vật. Có những tay máy không quan tâm đến nhân vật, chụp ảnh xong là đi. Tôi thì khác. Tôi tìm kiếm sự tự nhiên. Đôi lúc, cảm hứng sáng tác của tôi đến trong lúc trò chuyện với nhân vật.

PV: Anh có thể chia sẻ về những chuyến đi của mình?

Réhahn: Tôi phải đợi đến ba năm mới có thể đến bản người Rơ Măm ở Kon Tum. Chúng tôi đã phải mất gần bốn giờ để vượt qua 51 km đường đèo dốc. Khi tôi đi tìm người Phù Lá ở huyện Bắc Hà, Lào Cai, đường khó đi đến mức khiến tôi nản lòng. Tôi cố gắng đi tìm trang phục truyền thống của người Phù Lá, nhưng buồn thay, khi đến nơi, không còn ai may những trang phục truyền thống nữa.

PV: Làm thế nào để thuyết phục những người dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống để anh chụp ảnh?

Réhahn: Tôi không bao giờ thuyết phục. Tôi thích giao tiếp, trò chuyện, hỏi han những người tôi gặp trên đường. Khi họ cảm thấy vui vẻ và tin tưởng, họ sẽ để tôi chụp ảnh thoải mái. Người dân tộc thường rất cởi mở. Khi gặp tôi hỏi đường, họ cho tôi thức ăn, chào đón tôi, rất phấn khởi khi thấy một người nước ngoài quan tâm đến trang phục truyền thống và văn hóa của họ.

Trong chuyến thăm người Chơ Ro vào tháng 10-2016, tôi đã được già làng tặng bộ trang phục duy nhất còn sót lại của người Chơ Ro và vợ ông còn vui vẻ đề nghị tôi chụp hình bà mặc bộ đồ đó. Bây giờ trong làng không còn ai làm những bộ trang phục truyền thống nữa. Tôi cũng được chính một đại diện người Cơ Tu ở Quảng Nam tặng bộ trang phục truyền thống làm bằng vỏ cây. Đây thật sự là những món quà vô giá.

PV: Theo anh phải làm gì để bảo vệ những nét văn hóa dân tộc đang mất dần?

Réhahn: Cách hiệu quả nhất là giúp họ thấy họ được trân trọng như thế nào. Điều này sẽ khiến họ cảm thấy tự hào về những di sản và phong tục tập quán của mình. Phải giới thiệu về văn hóa của các dân tộc Việt Nam ra thế giới. Nhiều khách nước ngoài, sau khi xem triển lãm của tôi ở Hội An đều nói rằng sẽ quay lại Việt Nam để được khám phá văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

PV: Dự định tiếp theo của anh là gì?

Réhahn: Tôi sẽ tiếp tục tìm gặp, chụp ảnh và tìm hiểu văn hóa của sáu dân tộc thiểu số mà tôi chưa có cơ hội gặp. Năm 2016, tôi đã tổ chức triển lãm tại TP Caen, Normandy, Pháp. Chỉ diễn ra 10 ngày nhưng sự kiện đã thu hút tới 200.000 lượt người đến xem. Tôi thấy rõ sự thích thú và ngạc nhiên của khách tham quan. Tôi đã nhận được lời mời tổ chức triển lãm ở Nhật Bản và Canada, có thể vào năm tới.

Tôi cũng mong muốn các tổ chức văn hóa cũng như các bảo tàng ở Việt Nam quan tâm hơn, có thể tổ chức lễ hội cho 54 dân tộc Việt Nam ở Hội An như hình thức carnaval ở nước ngoài thì thật thú vị. Chắc chắn sự kiện này sẽ thu hút đông đảo du khách quốc tế đến với Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn anh!