Nhà thơ Bùi Việt Phương:

Cần nhiều cầu nối cho các cây bút ở địa phương

Tập thơ đầu tay “Ngày lạ” (NXB Hội Nhà văn) của nhà thơ Bùi Việt Phương vừa nhận được giải C, Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2019. Trong năm, truyện ngắn “Năm tôi bốn mươi chín tuổi” của anh cũng nhận giải A Cuộc thi truyện ngắn - bút ký trên tạp chí Cửa Việt (Hội VHNT Quảng Trị, 2018 - 2019). Nhà thơ sinh năm 1981, hiện đang công tác tại Hội VHNT Hòa Bình, chia sẻ với Thời Nay về một năm có nhiều tin vui của anh.

Cần nhiều cầu nối cho các cây bút ở địa phương

Phóng viên (PV): Chúc mừng anh với những thành quả của năm 2019! Anh có thể chia sẻ về niềm vui này, nhất là sau nhiều năm sáng tác, hoạt động công tác văn nghệ có thể nói là “lặng lẽ”?

Nhà thơ Bùi Việt Phương (BVP): Tôi nghĩ, lĩnh vực nào cũng cần chút may mắn, tôi đã may mắn từ những cố gắng nhỏ bé của mình. Nhưng kỳ thực, cần một sự tích lũy rất nhiều để viết. Nó không chỉ là vốn sống, sự trải nghiệm mà đôi khi cần cả dũng khí để thay đổi tư duy của mình.

PV: Hiện nay, có một thực tế, những người thuộc lứa tuổi thanh niên làm công tác sáng tác, tổ chức hoạt động văn nghệ… ở các Hội VHNT không nhiều. Anh có thể lý giải cho trường hợp của mình?

BVP: Có lẽ, các anh chị em công tác ở các báo, tạp chí văn nghệ và hội VHNT mỗi nơi, mỗi người đều tự tìm ra một cách cho hướng đi của mình. Nhưng với tôi, hãy cứ nhập cuộc, bắt nhịp với cuộc sống chúng ta sẽ tìm ra chất thơ, thấy giá trị nhân văn, chứ đừng trông chờ một điều gì khách quan đưa lại. Chính hiện thực cuộc sống của mỗi người sẽ vun đắp cho trái ngọt sáng tạo.

PV: Phải chăng các bạn trẻ hoặc trung tuổi công tác ở các Hội VHNT địa phương, vẫn gặp không ít khó khăn trong việc khẳng định mình ở quy mô rộng lớn hơn, cũng như mở rộng mối quan hệ sáng tác, công bố, phát hành tác phẩm? Đang ở trong thực tế đó, ý kiến anh thế nào?

BVP: Nhiều người vẫn nói, sáng tác là chuyện cá nhân nên cần lặng lẽ, độc lập… Tôi nghĩ không hẳn như thế. Muốn đi xa được - khẳng định mình, thì trước hết phải được biết hết cái hay, cái mạnh của người khác, trân trọng bản sắc của người khác. Như thế, ta sẽ được sống trong không khí sáng tạo nhưng không bị cuốn theo, tất cả chỉ để hiểu, để tham khảo chứ nếu bị ngợp, bị chi phối, ám ảnh thì không viết được. Tác phẩm được công bố, phát hành ở địa phương rất khó khăn. Vì vậy có lẽ, qua các sáng tác được đăng tải, được giải thưởng, được người đọc biết đến trên mạng xã hội…, đó là những giải pháp trước mắt khá thiết thực và ý nghĩa.

PV: Cũng ở trong thực tế đó, anh có thể chia sẻ một số đề nghị, gợi mở cho việc nâng cao hơn điều kiện, cơ hội để cổ vũ và phát huy tài năng các cây bút tại các địa phương?

BVP: Theo tôi, sáng tác văn học luôn mang bản sắc vùng, miền. Nếu có cơ hội để các ban văn học, các cơ quan báo chí văn nghệ… đến với địa phương, cùng phát hiện, gợi mở thì các cây bút địa phương được khích lệ. Bên cạnh đó cần những doanh nhân yêu văn hóa đầu tư cho các hoạt động này.

Hội VHNT tỉnh Hòa Bình từng phối hợp Báo Văn nghệ tổ chức trại sáng tác truyện ngắn “Đất nước đổi thay, con người đổi mới” (2015) và được hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa để tổ chức cuộc thi thơ và truyện ngắn “Những làn gió Tây Bắc” (2017 - 2018), đã tổng kết, trao giải trong năm qua, gây được chú ý và cổ vũ nhiều tác giả, tác giả trẻ giành giải, chúng tôi cảm thấy như có làn gió mới mẻ thổi vào đời sống văn nghệ ở đây.

PV: Cá nhân anh, đang nuôi những ý tưởng gì cho việc sáng tác, in ấn trong tương lai, và cho phong trào chung của Hội VHNT Hòa Bình, nơi anh đang công tác?

BVP: Có lẽ cây bút nào cũng ham viết chứ không riêng tôi, muốn viết nhưng đó mới là dự định. Sau tập “Ngày lạ”, tôi đang hướng tới một tập thơ có sự thay đổi trong bút pháp và đang hoàn thành một cuốn tiểu thuyết dày dặn về miền đất Tây Bắc với ít nhiều yếu tố hiện thực huyền ảo.

Với vai trò là một cán bộ Hội VHNT, tôi muốn trong năm tới sẽ nỗ lực để đưa những sáng tác có chất lượng vào giảng dạy trong chương trình văn học địa phương.

PV: Xin cảm ơn và chúc anh thành công!