Vực dậy tranh Đông Hồ

Bắc Ninh đang xây dựng Hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

In tranh Đông Hồ.
In tranh Đông Hồ.

Di sản quý

UBND tỉnh Bắc Ninh và Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) vừa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại”. Hội thảo đã nêu những vấn đề khoa học nghiên cứu nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ, đề xuất những giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt này.

Tranh Đông Hồ phong phú về đề tài và đặc sắc về cách in tranh. Mỗi bức tranh đều mang nhiều lớp ý nghĩa, phản ánh nhiều khía cạnh nhân sinh. Trên mỗi bức tranh có sự kết tinh tri thức dân gian về đồ họa, về mầu sắc, về cách thể hiện những chủ đề mang tính triết lý cao trong tư duy của người Việt. Các công việc tạo mẫu cho bức tranh, khắc ván, làm giấy điệp trên nền giấy dó, chọn và chế năm mầu sắc cơ bản (xanh, trắng, đỏ, vàng, đen) từ nguyên liệu tự nhiên, đến các dụng cụ và cả những thao tác in tranh đều là sự tích lũy kinh nghiệm, đúc kết tri thức qua nhiều thế hệ.

Làng Đông Hồ xưa có đến 17 (chi) dòng họ người dân làm nghề tranh. Dòng họ Nguyễn Đăng có đến 22 đời kế tiếp làm tranh. Gần đến dịp Tết là chợ tranh Đông Hồ lại tấp nập. Tranh Đông Hồ được thương lái đem đi khắp mọi miền quê.

Đang mai một

Nhưng mấy chục năm gần đây, trải qua nhiều thăng trầm cùng những thách thức của sự phát triển xã hội hiện đại, nghề tranh sa sút. Các hộ gia đình trong làng chuyển gần hết sang làm hàng mã. Đến nay, chỉ còn ba hộ gia đình còn giữ nghề in tranh. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vẫn được thấy như hiện nay là do những cố gắng kiên trì của các thế hệ nghệ nhân. Họ đã và đang giữ vai trò “chủ lực” trong việc bảo vệ, hồi sinh và phát huy giá trị dòng tranh dân gian này. Các gia đình nghệ nhân cố gắng truyền lại nghề cho con, cháu. Họ cũng cố gắng đa dạng hóa các sản phẩm (đặt tranh lên nhiều chất liệu khác nhau, làm tranh nhiều kích cỡ, làm thêm nhiều thể tài tranh...) và tìm cách quảng bá giới thiệu sản phẩm của mình. Thậm chí nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã đầu tư mở hẳn một không gian riêng để đón du khách về chơi Đông Hồ để xem và mua tranh. Những nỗ lực của các nghệ nhân trong hàng chục năm qua xứng đáng được trân trọng và tôn vinh.

Nhưng theo cả ba gia đình nghệ nhân ở Đông Hồ hiện nay, những nỗ lực đó vẫn còn lẻ loi, nghề làm tranh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cho biết: “Chúng tôi cố giữ nghề và mong mở rộng nghề tranh nhưng nhiều khi lực bất tòng tâm”.

Cần những chính sách, biện pháp hiệu quả

Chính những kỹ năng, sự khéo léo của những nghệ nhân và cả những người tham gia làm tranh, sự sáng tạo các mẫu tranh, cùng với giá trị, ý nghĩa văn hóa xã hội của quá trình làm nghề đã tạo ra những đặc trưng khẳng định tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ đúng như tinh thần Công ước 2003 của UNESCO. Những tri thức, ý thức về di sản của cộng đồng và việc duy trì nghề bởi những nghệ nhân Đông Hồ đều tương đồng với mục đích, quan điểm cơ bản trong Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể do cộng đồng và vì cộng đồng. PGS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đánh giá: “Hiệu quả của mục tiêu tiêu thụ sản phẩm và mở mang cơ sở làm tranh Đông Hồ vẫn còn gặp nhiều hạn chế, thách thức và khó khăn. Thực trạng đó đã và đang đòi hỏi cần có sự bảo vệ và hỗ trợ khẩn cấp từ các cấp, các ngành, cả trong nước và quốc tế”.

Vai trò bảo trợ và tôn vinh của Nhà nước và ngành văn hóa với dòng tranh này cần được thể hiện. Nhà nước cần hỗ trợ chính sách, tạo điều kiện về đầu ra cho sản phẩm tranh; hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ các nghệ nhân đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giúp làng nghề phát triển và nghệ nhân sống được bằng nghề. Hơn thế nữa, cần đổi mới cách nhìn nhận mỗi bức tranh Đông Hồ. Đó không chỉ là một sản phẩm hàng hóa cần bán để thu lãi sau khi trừ đi những chi phí in tranh, mà còn là một di sản văn hóa của dân tộc, mang những thông điệp của văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế và truyền lại cho đời sau. Mỗi nghệ nhân cũng cần được coi như một “tài sản” của nền văn hóa dân tộc, cần được trân trọng để có chính sách đãi ngộ thỏa đáng và yêu cầu truyền thụ lại tinh hoa cho các thế hệ kế tiếp trong một tầm nhìn dài hạn.